25/11/2024

Thủ tướng cam kết giữ an toàn nợ công, xử lý nghiêm xả lũ sai

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết với mức bội chi và phát hành trái phiếu bổ sung như đề xuất của Chính phủ, nợ công trong các năm 2014 – 2016 vẫn trong giới hạn an toàn, dù áp lực trả nợ rất lớn.

 

Thủ tướng cam kết giữ an toàn nợ công, xử lý nghiêm xả lũ sai

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – Ảnh: TTXVN

Phát biểu hôm qua trước QH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết với mức bội chi và phát hành trái phiếu bổ sung như đề xuất của Chính phủ, nợ công trong các năm 2014 – 2016 vẫn trong giới hạn an toàn, dù áp lực trả nợ rất lớn.

Thủ tướng cho hay với mức bội chi ngân sách năm 2014 là 5,3% (224.000 tỉ đồng) và phát hành thêm 170.000 tỉ đồng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014 – 2016 được QH phê chuẩn, một phần tăng bội chi ngân sách sẽ được dành để trả nợ, phần còn lại và trái phiếu chính phủ bổ sung được đầu tư vào các dự án hạ tầng kinh tế xã hội thiết yếu, hoàn thành nhiều công trình dở dang, bổ sung vốn đối ứng ODA, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn.

Cũng theo Thủ tướng, với mức bội chi và phát hành trái phiếu bổ sung nêu trên, nợ công trong các năm 2014, 2015 và 2016 vẫn trong giới hạn an toàn (không quá 65% GDP). Tuy nhiên, áp lực trả nợ rất lớn. Cùng với việc bố trí nguồn từ ngân sách nhà nước để trả nợ, cần phát hành trái phiếu chính phủ mới để đảo nợ đối với một phần nợ gốc trái phiếu chính phủ đến hạn, bảo đảm duy trì thanh khoản, giảm thiểu rủi ro tái cấp vốn và không làm tăng dư nợ gốc. “Qua đó, sẽ bảo đảm duy trì các chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2014 ở mức 15,2%, năm 2015 khoảng 20,4% và năm 2016 khoảng 22,9% tổng thu ngân sách, nằm trong giới hạn cho phép là không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước theo chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia đã được phê duyệt”, Thủ tướng khẳng định.
 
Tốc độ tăng nợ xấu đã chậm lại

Báo cáo kết quả xử lý nợ xấu, Thủ tướng cho biết đã xử lý được trên 101.000 tỉ đồng nợ xấu bằng dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng (TCTD). Công ty quản lý tài sản (VAMC) dự kiến đến hết năm 2013 mua khoảng 30.000 – 35.000 tỉ đồng nợ xấu. “Tốc độ tăng nợ xấu đã chậm lại. Tình hình tài chính, thanh khoản của các TCTD được cải thiện, lành mạnh hơn; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (13,7%) cao hơn nhiều so với quy định (9%)”, Thủ tướng báo cáo.

 

 
 

Phải công khai cho nhân dân biết quy trình vận hành, không phải đợi tới khi có lũ, tới mùa cạn kiệt mới thông báo. Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu UBND các địa phương tăng cường thực hiện trách nhiệm được giao quản lý, buộc chủ đầu tư phải thực hiện đúng các quy trình vận hành hồ chứa… Ai làm không đúng thì phải xử lý nghiêm, tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý hành chính kinh tế, cả về hình sự…

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

 

 

Tuy vậy, Thủ tướng vẫn khẳng định: “Tỷ lệ nợ xấu còn cao, đến cuối tháng 9.2013 là 4,62%. Việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn. Cơ chế chính sách xử lý tài sản bảo đảm tiền vay còn nhiều vướng mắc; thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán phục hồi chậm nên rất khó bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Chưa có cơ chế hiệu quả để các doanh nghiệp, khách hàng vay vốn có trách nhiệm tham gia xử lý nợ xấu”.

Theo Thủ tướng, trong năm 2014, VAMC sẽ xử lý khoảng 100.000 – 150.000 tỉ đồng nợ xấu của các TCTD; phấn đấu đến hết năm 2015 xử lý được số nợ xấu hiện nay, đưa hệ thống ngân hàng thương mại hoạt động lành mạnh, an toàn.

Trên cơ sở phân tích các nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng khẳng định mục tiêu tăng GDP khoảng 5,8% năm 2014, khoảng 6% năm 2015 và kiểm soát lạm phát khoảng 7% là khả thi; đồng thời giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn, trả được nợ và có thêm nguồn lực đầu tư hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh như đã báo cáo QH.

Hồ đập không an toàn phải dừng lại

Nhận được 14 câu hỏi chất vấn, nhưng với thời gian eo hẹp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ giải đáp được ba vấn đề: hội chứng xây dựng nhà máy lọc dầu, an toàn thủy điện và nợ đọng văn bản hướng dẫn luật.

Liên quan đến tình trạng chủ đầu tư xả lũ gây thiệt hại nặng nề cho người dân, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) đặt câu hỏi: “Trước nỗi đau của người dân trong vùng bão lũ, nhất là vùng hạ lưu, chính quyền các địa phương vô cùng bức xúc khi thủy điện xả lũ không báo trước khiến người dân không kịp trở tay. Đề nghị Thủ tướng cho biết ý kiến chỉ đạo trong vấn đề này, để làm sao tránh mùa mưa bão năm sau các cơ quan tiếp tục đổ lỗi cho nhau, còn người dân chỉ biết than trời”.

 

 
 

 

 

Trước nỗi đau của người dân trong vùng bão lũ, nhất là vùng hạ lưu, chính quyền các địa phương vô cùng bức xúc khi thủy điện xả lũ không báo trước khiến người dân không kịp trở tay. Đề nghị Thủ tướng cho biết ý kiến chỉ đạo trong vấn đề này, để làm sao tránh mùa mưa bão năm sau các cơ quan tiếp tục đổ lỗi cho nhau, còn người dân chỉ biết than trời

 

 

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên)

 

 

Thủ tướng cho biết những năm qua, thủy điện đóng góp quan trọng vào đảm bảo điện năng cho phát triển KT-XH đất nước, nhưng cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế yếu kém cả trong quy hoạch, lập dự án và phê duyệt, thi công. Nguyên nhân có nhiều, nhưng Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận, chủ yếu từ trách nhiệm của các cơ quan chức năng của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Đối với 268 nhà máy thủy điện đang vận hành (công suất hơn 14.000 MW) sẽ được rà soát, đánh giá lại sự an toàn của hồ đập. Thủ tướng khẳng định cái nào không an toàn phải dừng lại. “Phải công khai cho nhân dân biết quy trình vận hành, không phải đợi tới khi có lũ, tới mùa cạn kiệt mới thông báo. Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu UBND các địa phương tăng cường thực hiện trách nhiệm được giao quản lý, buộc chủ đầu tư phải thực hiện đúng các quy trình vận hành hồ chứa. Chủ đầu tư nào thực hiện không đúng quy trình vận hành hồ chứa phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, từ xử lý hành chính, kinh tế cho đến pháp luật. Ai làm không đúng thì phải xử lý nghiêm, tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý hành chính, kinh tế, cả về hình sự nếu như thiếu trách nhiệm, nếu cố ý làm trái”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai, với 205 dự án đang khởi công xây dựng (công suất 6.200 MW), Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát, đánh giá thiết kế kỹ thuật có đảm bảo an toàn không, nếu chưa phải dừng lại bổ sung. Rà soát phương án tái định cư đúng chính sách pháp luật, đảm bảo mục tiêu đưa dân đến nơi ở mới tốt hơn.

Cuối cùng, đối với 248 dự án đang nằm trong quy hoạch chưa khởi công, xây dựng, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, Thủ tướng cho biết sẽ quản lý một cách chặt chẽ, bằng trách nhiệm cụ thể cao hơn. Đặc biệt, Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm trong cả nước về quy hoạch các dự án này.

Quản chặt “hội chứng lọc hóa dầu”

Ví việc triển khai các dự án lọc hóa dầu thời gian qua quá nhiều, diễn ra như một hội chứng, một số địa phương không có dầu cũng làm nhà máy, ĐB Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) đề nghị Thủ tướng cho biết biện pháp quản lý.

Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành quy hoạch về phát triển nhà máy lọc dầu của đất nước đến 2020 và định hướng 2025. Cụ thể, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang vận hành hết công suất 6 triệu tấn/năm, mang lại hiệu quả cao. Hiện tại, chủ đầu tư là Tập đoàn dầu khí (PVN) đang đàm phán với đối tác Nga là Gazpzom để bán lại cổ phần. Sau đó dùng số tiền thu được tăng công suất lên 10 triệu tấn/năm. 

Đối với dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) công suất 10 triệu tấn, theo Thủ tướng, đây là tổ hợp do chủ đầu tư là PVN góp vốn 25%, Kuwait  35%, Nhật Bản 40%. Dự án đảm bảo đủ nguồn dầu thô cho suốt vòng đời dự án do phía Kuwait cam kết cung cấp toàn bộ.

Thứ ba, Nhà máy lọc dầu Phú Yên, do một đối tác lớn của Nga xin đầu tư. Hiện các cơ quan chức năng đã thẩm định và cấp phép với công suất 8 triệu tấn/năm. Phú Yên đang đôn  đốc, chủ đầu tư chuẩn bị khởi công và phía đối tác Nga cũng đảm bảo nguyên liệu dầu thô. Tại Vũng Tàu, đang triển khai một dự án hóa dầu, còn dự án lọc dầu nằm trong quy hoạch từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đang được kêu gọi đầu tư. Tương tự là dự án tại Nam Vân Phong (Khánh Hòa).

Riêng Nhà máy lọc dầu Cần Thơ công suất 2 triệu tấn/năm, Thủ tướng cho biết đã cấp phép rồi nhưng do chủ đầu tư khó khăn có khả năng không đầu tư, nên đã yêu cầu Cần Thơ xem xét rút giấy phép. Ngoài ra, một siêu dự án khác nằm ngoài quy hoạch nhưng vẫn được Thủ tướng xem xét đồng ý cho báo cáo tiền khả thi, là dự án của Tập đoàn PTT (Thái Lan) đầu tư tại Bình Định. Siêu dự án này do chính phủ Thái Lan giới thiệu. Thủ tướng “chốt” lại: “Các dự án lọc hóa dầu đang được Chính phủ kiểm soát rất chặt chẽ và đảm bảo hiệu quả”.

 

Thủ tướng cắt được bao nhiêu ung nhọt tham nhũng?

 

Nhắc lại buổi tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng ngày 16.10.2013, cử tri hoan nghênh khi Thủ tướng nói thất thoát, tham nhũng tại các tập đoàn, tổng công ty như ung nhọt trong một cơ thể dù đau xót cũng phải cắt bỏ, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) thẳng thắn hỏi: “Thưa Thủ tướng, từ khi được QH giao trọng trách là người đứng đầu vào ngày 27.6.2006, đến nay trải qua gần 2 nhiệm kỳ Thủ tướng đã đề nghị cắt bỏ hoặc trực tiếp cắt bỏ được bao nhiêu ung nhọt quốc nạn tham nhũng”.

Do thời gian không đủ, Thủ tướng xin phép được trả lời đại biểu trực tiếp bằng văn bản hoặc sẽ đăng tải lại trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

 

Anh Vũ – Bảo Cầm