11/01/2025

Để sớm thực thi công ước chống tra tấn

Theo điều 1, khoản 1 công ước: “Tra tấn có nghĩa là bất cứ hành vi nào qua đó cố tình gây ra đau đớn hay đau khổ nghiêm trọng, bất kể vật chất hay tinh thần, nhắm vào một người nhằm mục đích thu được từ người ấy hay một người thứ ba thông tin hay tự khai…”.

Để sớm thực thi công ước chống tra tấn

Báo Nhân Dân (điện tử) thứ sáu 8-11-2013 đưa tin “Ngày 7-11, tại trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở TP Niu Oóc (Mỹ), đại sứ, trưởng phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại LHQ Lê Hoài Trung thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ký Công ước của LHQ về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác (gọi tắt là Công ước chống tra tấn)”. 

Đây hẳn là một tin không chỉ đọc để biết, mà là để hiểu và thi hành một cách trọn vẹn nội dung công ước này. Thật vậy, báo Nhân Dân khi giải thích “đây là văn kiện quốc tế quan trọng về quyền con người, nhằm ngăn ngừa các hành vi tra tấn”, cũng đã nhắc nhở” đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thúc đẩy xây dựng các cơ chế bảo vệ nạn nhân…”.

 

Mọi lời khai được xem là kết quả của sự tra tấn sẽ không được viện dẫn như là chứng cứ trong mọi tiến trình xét xử nào, ngoại trừ việc dùng như là chứng cứ chống lại một ai đã tra tấn để lấy lời khai đó

(Điều 15 Công ước chống tra tấn)

 

Sẽ không thừa khi nhắc lại rằng việc ký công ước này, theo đại sứ Lê Hoài Trung, là để “thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam chống lại mọi hành vi tra tấn và đối xử tàn bạo, bảo đảm ngày càng tốt hơn tất cả các quyền cơ bản của con người”. Theo giải thích này, có thể hiểu rằng đây là một giao ước của Nhà nước với toàn thế giới, và giao ước “chống lại mọi hành vi tra tấn và đối xử tàn bạo” đó phải được thực thi bởi các cơ quan chấp pháp cùng mọi cơ quan và cá nhân có thể liên quan.

Trong thực tế, những hành vi bạo hành, thậm chí bởi một dân phòng huơ gậy, hoặc chuyện ép cung, mớm cung đã từng xảy ra. Khoan gọi các hành vi đó là gì, song nhất định từ sau khi đã ký công ước này, Nhà nước không muốn những hành vi đó tiếp tục xảy ra, vì như thế là vi phạm công ước, là phản lại những gì Nhà nước đã long trọng ký kết, là đi ngược với trào lưu chung của thế giới. Chính vì thế mà đại sứ Việt Nam tại LHQ đã nhấn mạnh:

“…Việc tham gia Công ước chống tra tấn sẽ tạo thêm điều kiện để các cơ quan chức năng của nước ta tiếp tục nâng cao nhận thức, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người tại Việt Nam”. Nôm na mà nói, pháp luật sẽ được chỉnh sửa theo tinh thần công ước này, và các cơ quan chức năng sẽ được giáo dục sâu sắc để biến thành nhận thức mới hầu có thể từ đó hình thành hành vi mới.

Theo tinh thần “tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức”, thiết tưởng, trong khi chờ đợi công ước này được dịch, phổ biến và công bố rộng rãi cho cả các cơ quan chức năng lẫn người dân, cũng cần giới thiệu vài điều khoản then chốt của công ước này, cũng như luật “đèn xanh, đèn đỏ” tối thiểu khi đi đường. Cơ bản là câu hỏi: cả thế giới hiểu thế nào là tra tấn?

Theo điều 1, khoản 1 công ước: “Tra tấn có nghĩa là bất cứ hành vi nào qua đó cố tình gây ra đau đớn hay đau khổ nghiêm trọng, bất kể vật chất hay tinh thần, nhắm vào một người nhằm mục đích thu được từ người ấy hay một người thứ ba thông tin hay tự khai…”. Để tăng cường nhận thức cá nhân, điều 2, khoản 3 nhắc nhở: “Mệnh lệnh từ cấp trên hay cơ quan thẩm quyền không thể được viện dẫn như là một biện minh cho sự tra tấn”.

Thiết tưởng ba điều khoản trên tạm đủ để “gối đầu giường”, giúp nâng cao nhận thức, đảm bảo thực thi công ước và tôn vinh chữ ký của Nhà nước.

DANH ĐỨC