23/01/2025

Ồ ạt nhập khẩu thịt là do thông lệ quốc tế?

Ông Trần Đình Luân, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết: Từ đầu năm 2013 đến nay, Việt Nam nhập khẩu khoảng 81.000 tấn thịt gia súc, gia cầm. Dự kiến, trong cả năm 2013 nhập tổng cộng 90.000 tấn.

 

Ồ ạt nhập khẩu thịt là do thông lệ quốc tế?

Ông Trần Đình Luân, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), đã trả lời Thanh Niên về việc ồ ạt nhập khẩu thịt và nghi vấn thịt nhập khẩu bán phá giá.

Ồ ạt nhập khẩu thịt là do thông lệ quốc tế ?

Giết mổ bò nhập khẩu từ Úc ở Vissan Ảnh: Diệp Đức Minh

Ông Luân cho biết: Từ đầu năm 2013 đến nay, Việt Nam nhập khẩu khoảng 81.000 tấn thịt gia súc, gia cầm. Dự kiến, trong cả năm 2013 nhập tổng cộng 90.000 tấn. Lượng thịt gia cầm nhập khẩu chiếm khoảng 70%, tương đương 57.000 tấn. Tổng số trâu bò nhập khẩu để giết mổ làm thực phẩm trong năm nay ước khoảng 151.611 con.

Thưa ông, tại sao trong suốt thời gian dài vừa qua, ngành chăn nuôi trong nước gặp nhiều khó khăn, người chăn nuôi nhiều khi phải chịu thua lỗ, chấp nhận bán sản phẩm dưới giá thành, chúng ta lại nhập khẩu một lượng lớn các loại thịt, đặc biệt là thịt gia cầm và các phụ phẩm?

Hằng năm, ngành chăn nuôi nước ta đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng thịt của người dân, lượng thịt nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 3 – 5% so với tổng nhu cầu. Thịt nhập khẩu là để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người tiêu dùng có thu nhập, sở thích khác nhau và cũng là thông lệ ở tất cả các nước. Việt Nam đã, đang và sẽ là đối tác của các hiệp định thương mại song phương, đa phương như WTO, AFTA, TPP, Hiệp định Kiểm dịch động thực vật nên việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa nước ta với các nước, các tổ chức quốc tế là một thông lệ trong thương mại. Số lượng thịt nhập khẩu vào Việt Nam được điều chỉnh bởi các quy định thương mại trong đó có thuế, quan hệ cung cầu trong nước và cả yếu tố cạnh tranh. Ở nhiều nước, thịt lấy từ ức gà đã được giết mổ là sản phẩm chính, bán với giá rất cao, còn lại những sản phẩm ăn được khác từ gà đều được coi là sản phẩm phụ và bán với giá rẻ hơn thịt ức gà nhiều lần.

Thịt nhập khẩu đang được bán với giá rất rẻ trên thị trường nội địa, thấp hơn rất nhiều so với giá thịt do nông dân nước ta sản xuất ra, thấp hơn rất nhiều giá thành kể cả ở các nước có nền chăn nuôi phát triển khiến nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thịt nhập khẩu đang bán phá giá. Ý kiến của ông về những vấn đề này như thế nào?

Theo thông lệ quốc tế thì việc xác định bán phá giá đối với một sản phẩm nào đó phải được một tổ chức độc lập đánh giá chi tiết giá thành sản xuất của sản phẩm đó. Nếu như sản phẩm này có giá bán dưới giá thành sản xuất thì thường bị áp thuế bán phá giá. Tuy nhiên, việc xác định sản phẩm gia cầm nhập từ các nước khác nhau vào Việt Nam có bán phá giá hay không hiện chúng ta chưa có điều kiện để xác định cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Thịt gà nhập khẩu vào nước ta có giá rẻ hơn so với giá sản phẩm cùng loại trong nước do nhiều nguyên nhân. Trước hết, đa số các sản phẩm nhập khẩu này tuy ăn được nhưng đều được coi là sản phẩm phụ (đùi, cánh, nội tạng…) có giá bán rẻ hơn nhiều lần so với thịt ức gà. Các nước xuất khẩu đều có nền chăn nuôi gia cầm công nghiệp hiện đại, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và khép kín chuỗi giá trị sản phẩm thịt gia cầm đã làm cho giá thành sản phẩm thấp, có tính cạnh tranh cao hơn so với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước. Sản phẩm thịt gà nói chung và thịt gà công nghiệp nói riêng ở nước ta cơ bản được sản xuất ở quy mô nhỏ, giá thành cao, công nghệ thấp và cơ bản chưa khép kín được chuỗi giá trị sản phẩm thịt gà từ trang trại cho đến bàn ăn nên sức cạnh tranh thấp hơn so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu.

Theo ông chúng ta cần làm những gì để ngăn chặn tình trạng bán phá giá thịt nhập khẩu? Việc khôi phục ngành chăn nuôi và đẩy mạnh sản xuất các loại thịt sẽ được triển khai như thế nào để trong thời gian tới chúng ta không còn phụ thuộc vào nước ngoài như hiện nay và có đủ sức cạnh tranh với thịt ngoại?

Để phát triển chăn nuôi bền vững, đủ sức cạnh tranh với các nước, chúng ta cần phải tổ chức tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trước hết, cần tìm nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để hạn chế nhập khẩu, tăng cường kỹ thuật và công nghệ chế biến thức ăn để nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi, nhằm hạ giá thành sản phẩm. Chúng ta phải tiếp tục tăng cường cải tạo đàn giống gia súc, gia cầm để có năng suất, chất lượng thịt cao, phát huy lợi thế của từng vùng, từng miền để phát triển các loại vật nuôi phù hợp, có lợi nhuận cao. Cơ quan hữu trách cần điều tiết có hiệu quả đối với chuỗi sản xuất từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ thịt trên thị trường, đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi, tránh trường hợp người giết mổ, buôn bán thịt có lợi nhuận cao còn người chăn nuôi có lãi ít, không có lãi hoặc bị lỗ. Bên cạnh đó, chúng ta phải kiểm soát tốt dịch bệnh gia súc, gia cầm, không để bùng phát dịch trên diện rộng.

Cảm ơn ông. 

Bùi Trần