26/11/2024

Lũ chôn thuỷ điện An Khê – Kanak

Thuỷ điện An Khê – Kanak bị lũ lấp từ ngày 15-11 nhưng không được các cơ quan chức năng thông báo chính thức một cách kịp thời. Và lãnh đạo thị xã An Khê (Gia Lai) cho rằng thuỷ điện này đã không báo tin xả lũ đúng lúc cho địa phương.

Lũ chôn thuỷ điện An Khê – Kanak

Thu điện An Khê – Kanak bị lũ lấp từ ngày 15-11 nhưng không được các cơ quan chức năng thông báo chính thức một cách kịp thời. Và lãnh đạo thị xã An Khê (Gia Lai) cho rằng thu điện này đã không báo tin xả lũ đúng lúc cho địa phương.

Ông Võ Lũy, giám đốc Công ty CP thủy điện An Khê – Kanak, bên ngoài nhà máy chiều 19-11 - Ảnh: Tiến Thành 

 

Sơ đồ hướng xả lũ khi thủy điện An Khê – Kanak bị lũ lấp – Đồ họa: V.Cường

 

Ngày 19-11, PV Tuổi Trẻ đến tận nơi và thấy toàn bộ nhà máy thủy điện tràn ngập trong đất cát.

“Mưa to, lũ lớn gây ra thảm họa bất ngờ. Bây giờ chúng tôi chưa thể nói đến thiệt hại nhưng chắc chắn phải trên 30.000m3 đất cát vùi lấp nhà máy và các hạng mục công trình, thiết bị và hiện tại phải tạm dừng hoạt động” – giám đốc thủy điện An Khê – Kanak Võ Lũy bàng hoàng.

Lũ kinh hoàng

Giám đốc Võ Lũy kể: “7g35 sáng 15-11, mưa như trút nước ở khu vực nhà máy và phía sau lưng là đèo An Khê. Nhà máy nằm dưới chân đèo, cách núi khoảng 1km (thuộc địa bàn xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, Bình Định). Lũ đổ dồn về nhà máy với lưu lượng rất lớn. Đến khoảng 11g cùng ngày thì nước xé toang suối Đá chảy bên cạnh nhà máy. Sau đó, bờ đất ngăn cách giữa suối Đá và kênh xả Nhà máy An Khê bị vỡ tung trong lũ, hệ thống tiêu năng (hãm lực nước) được đúc bằng bêtông cũng bị lũ xiết tràn qua và làm vỡ trên chiều dài khoảng 40m”.

Liên tiếp sau đó, nhiều đoạn đê ngăn cách giữa suối Đá và kênh xả cũng bị nước lũ ào ào tràn qua. Toàn bộ đất cát, sỏi đá theo lũ đổ tràn về nhà máy và trạm phân phối điện. Nghiêm trọng hơn, lượng đất cát dồn lấp vào đường kênh xả và chặn toàn bộ nước từ tuôcbin nhà máy thoát ra sông Côn.

 

Một công nhân kéo ống nhựa để vệ sinh khuôn viên Nhà máy thủy điện An Khê chiều 19-11 – Ảnh: Tiến Thành – Thái Bá Dũng

 

Trưa qua, ông Võ Lũy đồng ý đưa PV Tuổi Trẻ tiếp cận hiện trường. Hơn 100 kỹ sư, công nhân của nhà máy đang cật lực dọn dẹp, rửa cọ các thiết bị. Khoảng 40 người dân sống ở khu vực xung quanh nhà máy được thuê vào để cào dọn đất cát.

“Chúng tôi huy động hai máy xúc và hàng trăm kỹ sư, công nhân dọn dẹp nhưng giờ vẫn chưa đâu vào đâu. Dự kiến phải mười ngày nữa mới dọn dẹp xong” – ông Lũy nói.

Bao quanh nhà máy là các công trình phụ trợ như trạm thu gom nước, nhà máy lọc nước, trạm phân phối điện cũng ngập chìm trong cát. Đứng từ trên cao nhìn xuống nhà máy, nhiều hạng mục công trình bị đất cát vùi lấp, có nơi cát vùi cao tới 2-3m.

Theo ông Lũy, Nhà máy An Khê – Kanak tại Tây Sơn lấy nước thông qua kênh dẫn dòng từ hồ An Khê (thị xã An Khê). Lượng nước về nhà máy trung bình 50m3/giây.

Trước thời điểm xảy ra sự cố, các tổ máy vẫn hoạt động bình thường nhưng sau khi nước tràn vào, toàn bộ hai tổ máy phát điện bị tê liệt, nước và cát cũng tràn vào gây ngập một số hạng mục, thiết bị phía bên trong. Hệ thống kênh xả bị cát vùi lấp làm nước thoát ra bị ách tắc lại ngay cửa xả của nhà máy, hàng ngàn tấn bùn bị dồn ứ.

Khu vực bị đất cát vùi lấp nặng nhất là ở đường kênh xả nước ra sông Côn (Bình Định). Kênh này có chiều rộng trên 20m, chỗ cạn nhất 15m và nơi sâu nhất đạt tới 23m nhưng giờ đây cát lấp kín trên chiều dài kênh khoảng 500m. Đơn vị phải dùng máy múc, máy hút lớn để thông kênh này thì nhà máy mới có thể hoạt động trở lại.

 

Đất cát do lũ cuốn phủ dày bên trong nhà máy thủy điện – Ảnh: Tiến Thành – Thái Bá Dũng

 

Thị xã An Khê bị nhấn chìm trong lũ xiết

Bốn ngày trôi qua sau trận đại hồng thủy do thủy điện An Khê – Kanak xả lũ, hàng vạn người dân thị xã vẫn chưa hết bàng hoàng. “Tôi sống cả đời ở đây, đất An Khê là vùng bán sơn địa, độ dốc cao mà bị ngập chìm trong lũ là chuyện không ai ngờ” – cụ Lê Thì (85 tuổi, sống bên bờ sông Ba, thị xã An Khê) kể.

Chính quyền thị xã An Khê rất bức xúc về trách nhiệm của nhà máy thủy điện. Chủ tịch UBND thị xã An Khê Lê Thanh Tâm khẳng định không hề nhận bất cứ một văn bản nào từ nhà máy thủy điện thông báo trước khi xả lũ.

“Thậm chí họ cũng không hề gọi điện thoại báo cho chính quyền biết về việc xả lũ. Ngày 15-11, đích thân tôi chạy vào chạy ra hỏi thăm lãnh đạo nhà máy liên tục. Sáng hỏi, họ nói xả 900 m3/giây, trưa họ nói xả 1.200 m3/giây. Thấy nước sông Ba dâng cao nhanh mấp mé bờ, tôi gọi, họ bảo xả 2.400 m3/giây. Khi bất lực nhìn thị xã chìm trong biển nước, tôi rất hoài nghi về số liệu đó” – ông Lê Thanh Tâm nói.

16g ngày 15-11, thị xã An Khê bị ngập hoàn toàn trong lũ dữ. “An Khê bị cô lập hoàn toàn suốt từ 16g đến 21g ngày 15-11.

Đó là đêm sợ hãi kinh hoàng. Không sơ tán kịp, mà sơ tán thì cũng chẳng đưa dân đi đâu, ngoài việc kêu gọi dân leo lên nhà cao tầng.

Bị cô lập hoàn toàn bốn hướng. Phía trên thì cầu An Khê độc đạo bị ngập sâu 1,2m, phía dưới đèo An Khê tắc do sạt lở sáu điểm, đường vào huyện Kông Chro gặp suối Cái ngập 1,8m, đường ra huyện K’Bang thì suối Vối ngập 1,4m” – bí thư thị xã An Khê Trịnh Duy Thuân bức xúc.

 

Phía sau Nhà máy thủy điện An Khê, đất cát vùi lấp gần ngập mái nhà kho – Ảnh: Tiến Thành – Thái Bá Dũng

 

Trâu bò, gà vịt, mía sắn, hoa màu cây trái trù phú ven sông Ba đã bị cuốn phăng trong dòng lũ xiết. Đến chiều 19-11, thị xã An Khê vẫn còn trong xơ xác.

BẢO TRUNG – THÁI BÁ DŨNG

 

 

“Không báo tin xả lũ cho địa phương”

Có hay không việc thủy điện An Khê – Kanak bị vùi lấp, không đưa được nước theo quy trình bình thường từ hồ An Khê theo lòng kênh về nhà máy rồi ra sông Côn, nên phải xả lũ xuống sông Ba, gây ngập lụt lịch sử tại thị xã An Khê? Trả lời câu hỏi này, phó giám đốc Nhà máy thủy điện An Khê – Kanak Nguyễn Văn Tặng cho biết có thời điểm trong ngày 15-11, nhà máy xả lũ với lưu lượng 2.000-2.400 m3/giây trên sông Ba.

Ông Tặng cũng khẳng định nhà máy có thông báo sớm cho các địa phương. “Chúng tôi fax thông báo xả lũ bằng văn bản, gọi điện thoại cho chính quyền các địa phương trong vùng ảnh hưởng và có cả hệ thống cảnh báo phía hạ lưu. Tất cả được thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa của Chính phủ quy định” – ông Tặng nói. Tuy nhiên, chủ tịch UBND thị xã An Khê Lê Thanh Tâm cho biết UBND thị xã không nhận được bất cứ bản fax nào. “Trong danh sách lưu các số máy fax tới của máy fax Văn phòng UBND thị xã An Khê từ ngày 14 đến 15-11 không có số fax của Nhà máy thủy điện An Khê – Kanak. Khi lũ dâng cao, tôi gọi vào, họ mới cho biết đã xả lũ 2.400 m3/giây. Chỉ có thế” – ông Tâm nói. Bí thư thị xã An Khê Trịnh Duy Thuân cho biết tối 15-11, khi thị xã An Khê chìm trong biển nước, “lúc đó đích thân tôi gọi thẳng số máy của giám đốc thủy điện An Khê – Kanak Võ Lũy nhiều lần nhưng ông Lũy không nhấc máy”.

Theo báo cáo của UBND huyện Kông Chro gửi UBND tỉnh Gia Lai ngày 18-11 thì thủy điện An Khê – Kanak xả lũ với lưu lượng lên tới 3.000 m3/giây nhưng không thông báo sớm cho địa phương.

 

 

 

* Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:

Không để người dân nào bị đói rét trong lũ

* Lũ lớn, chảy xiết hơn từ khi có thủy điện

Ngày 19-11, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến kiểm tra tình hình thiệt hại do lũ lụt gây ra trên địa bàn tỉnh Bình Định. Tại thị xã An Nhơn, địa bàn bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ vừa qua, Phó thủ tướng thăm hỏi, động viên những gia đình có người thiệt mạng và các hộ dân có nhà bị sập, lũ cuốn trôi.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tỉnh cần tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống của người dân, khẩn trương hỗ trợ không để người dân nào bị đói rét sau lũ. Đối với các nhà dân bị sập đổ, cần sớm tổ chức việc tạm cư, đảm bảo an toàn cho dân, sau đó hỗ trợ xây dựng lại nhà theo chính sách.

Phó thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tới những hiện tượng ngày càng cực đoan của thời tiết, hiện tượng lũ cao kỷ lục và diện ngập sâu, ngập rộng. Tình hình này đòi hỏi phải được phân tích, đánh giá kỹ để có giải pháp phù hợp. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho biết trong đợt công tác này sẽ xem xét, đánh giá kỹ việc vận hành các hồ chứa của khu vực miền Trung. Qua đó, nếu phát hiện hồ chứa nào vận hành không đúng quy trình, làm nặng nề thêm cho tình trạng lũ lụt ở vùng hạ du thì phải nghiêm khắc xử lý, kỷ luật.

* Nhiều thủy điện không có phương án phòng chống bão lũ. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo “Biến đổi khí hậu khu vực miền Trung và Tây nguyên – thực trạng và giải pháp ứng phó” được tổ chức sáng 19-11 tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam.

Tại hội thảo, ông Trương Trổ, phó chủ tịch thường trực Liên hiệp Hội khoa học – kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng, đặt câu hỏi: “Trong trận lũ vừa qua ở các tỉnh miền Trung, người dân và dư luận cho rằng nguyên nhân dẫn đến lũ ồ ạt đổ về, gây ngập nhà cửa, làm thiệt hại về tính mạng và tài sản người dân là do các nhà máy thủy điện xả lũ. Sau đó có thông tin từ cơ quan quản lý là quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện là đúng, quy trình xả lũ được Thủ tướng phê duyệt. Vậy nếu các hồ chứa thủy điện vận hành đúng việc xả lũ thì sao lũ lại lớn nhanh bất thường?”.

Ông Ngô Tấn, phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, cho biết từ khi những nhà máy thủy điện mọc lên ở Quảng Nam thì lũ lại lớn hơn, nước chảy xiết hơn và lũ về rất nhanh, đương nhiên người dân đổ lỗi cho việc thủy điện xả lũ. Vậy bài toán đặt ra là cần giải quyết hài hòa lợi ích của thủy điện và lợi ích của người dân.

Thạc sĩ Tô Thúy Nga, giảng viên chính bộ môn cơ sở kỹ thuật thủy lợi Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, cho biết theo thiết kế ban đầu, các nhà máy thủy điện không có chức năng phòng lũ mà chỉ có chức năng phát điện. Trước khi lũ về 24 giờ nên xả lũ trước để hạ mực nước xuống mực nước đón lũ. Sau 6-12 giờ, khi lũ đạt đỉnh thì các hồ chứa thủy điện tiến hành cắt lũ. Tránh trường hợp xả “sốc”, tức là các nhà máy cứ tích nước cho đầy hồ, đến khi xả lũ một cách đột ngột, dân trở tay không kịp.

XUÂN NGUYÊN – LÊ TRUNG