11/01/2025

Phê phán dùng vũ lực cưỡng ép nước khác

Ngày 12-11, Hội thảo quốc tế về biển Đông lần 5 đã bế mạc. Các học giả đều mong muốn Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 cần là cơ sở để xây dựng lòng tin, thu hẹp yêu sách…

Phê phán dùng vũ lực cưỡng ép nước khác

Ngày 12-11, Hội thảo quốc tế về biển Đông lần 5 đã bế mạc. Trước việc nhiều đại biểu đến từ Trung Quốc giơ tay phát biểu phản ứng khuyến nghị đầu tiên của hội thảo nêu “đường chín đoạn của Trung Quốc mập mờ và thiếu cơ sở pháp lý”… đồng thời đề nghị xoá khuyến nghị này, ông Đặng Đình Quý, giám đốc Học viện Ngoại giao, đã giải thích đây không phải tuyên bố chung mà là tổng hợp các ý kiến thảo luận. 

* ASEAN cần đoàn kết

 

Đề xuất lấy một đảo làm công viên hòa bình

Song song với quá trình đàm phán tiến tới COC, các học giả cũng đề xuất các biện pháp hợp tác nghề cá, thành lập một công viên biển hòa bình tại các đảo trong biển Đông.

 

Đến phần chủ tọa các phiên thảo luận tổng kết, GS Stein Tonnesson, Viện nghiên cứu Hòa Bình Oslo (Na Uy), cũng trả lời lo ngại của các đại biểu Trung Quốc rằng đó không phải tuyên bố chung, chỉ là khuyến nghị đại diện được nêu ra trong hội thảo.

Theo thông cáo từ ban tổ chức hội thảo, qua hai ngày thảo luận, các đại biểu cho rằng trong những năm tới biển Đông vẫn tiếp tục là khu vực tranh chấp, bị tác động của cạnh tranh Trung – Mỹ nên ASEAN cần đoàn kết, giữ vững vai trò trung tâm.

Đặc biệt, thông cáo nêu nhiều học giả là luật sư uy tín quốc tế đều cho rằng yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc mập mờ và thiếu cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, các bên khác trong tranh chấp biển Đông cũng cần làm rõ yêu sách chủ quyền và vùng biển của mình. Yêu sách phù hợp với luật pháp quốc tế là cơ sở để xác định các vùng biển tranh chấp và phát triển mô hình khai thác chung. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy thảo luận Bộ quy tắc ứng xử (COC) có giá trị ràng buộc, có cơ chế rà soát và báo cáo để giám sát quá trình thực hiện nhằm quản lý căng thẳng và ngăn ngừa xung đột.

Tổng kết phiên thảo luận về quan hệ giữa các nước lớn và biển Đông, GS Vladimir Mazyrin, Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Nga), nêu đại diện Ấn Độ đã bày tỏ rõ ý định muốn đóng vai trò đối trọng chiến lược ở biển Đông. Ông cũng thẳng thắn khẳng định Nga thật sự muốn quay lại châu Á, đặc biệt Đông Nam Á, vì quốc gia nào coi mình là siêu cường sẽ phải tham gia khu vực này. Nga cũng muốn duy trì lợi ích quốc gia tại đây.

GS Vladimir Mazyrin nêu nhiều học giả phê phán việc sử dụng vũ lực để cưỡng ép các nước trong khu vực, trong đó “lo ngại chính dành cho Trung Quốc”. Đề cập việc các học giả Trung Quốc đã phản ứng, nói rằng Trung Quốc cũng phản đối sử dụng vũ lực, ủng hộ giải pháp ngoại giao, ông Vladimir Mazyrin cho biết các học giả cho rằng chạy đua vũ trang ở khu vực sẽ không thuận lợi cho các nền kinh tế khi kinh tế thế giới đang khó khăn.

Phát biểu bế mạc, GS Lê Minh Tâm – phó chủ tịch Hội Luật gia VN – nêu cảm nhận cá nhân về ý kiến tại hội thảo. Theo đó, các ý kiến đồng thuận cao rằng các bên liên quan cần giảm nhiệt tranh chấp tại biển Đông. Tranh chấp biển Đông thực tế không thuần túy là tranh chấp chủ quyền, mà liên quan đến chuẩn mực – nguyên tắc quốc tế. Theo ông Tâm, những nguyên tắc, chuẩn mực các bên áp dụng ở biển Đông sẽ tác động đến giải quyết các tranh chấp ở khu vực khác. Đây là lý do các bên phải ứng xử thận trọng và có trách nhiệm.

Các học giả đều mong muốn Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 cần là cơ sở để xây dựng lòng tin, thu hẹp yêu sách…

CẦM VĂN KÌNH