23/01/2025

Cơ cấu an ninh quốc gia mới của Trung Quốc

Kết thúc Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khoá 18, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố thành lập hai cơ quan mới đó là Uỷ ban An ninh quốc gia và nhóm lãnh đạo chính sách kinh tế

 

Cơ cấu an ninh quốc gia mới của Trung Quốc

Kết thúc Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khoá 18, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố thành lập hai cơ quan mới

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) cùng ông Vương Hộ Ninh (giữa) và Thủ tướng Lý Khắc Cường - Ảnh: AFP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) cùng ông Vương Hộ Ninh (giữa) và Thủ tướng
Lý Khắc Cường – Ảnh: AFP
 

Đó là Uỷ ban An ninh quốc gia và nhóm lãnh đạo chính sách kinh tế. Việc Chủ tịch Tập Cận Bình cương quyết thúc đẩy sự ra đời của Ủy ban An ninh quốc gia đã thu hút sự chú ý đặc biệt bởi đây là kế hoạch mà hai người tiền nhiệm là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào ấp ủ nhiều năm nhưng vẫn chưa thực hiện được vì vấp phải nhiều phản đối, đặc biệt là phía quân đội.

Theo tờ The New York Times, giới chức Trung Quốc từng đề nghị phía Mỹ tư vấn về hoạt động của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC), vốn đảm trách cố vấn tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia, chính sách ngoại giao và phối hợp chính sách giữa những cơ quan chính phủ.

Theo nhận định của tờ The New York Times, nhiều khả năng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đứng đầu cơ quan trên, cho phép ông điều phối các chính sách ngoại giao và quốc phòng mà ít bị cản trở từ các lãnh đạo khác thuộc Thường vụ Bộ Chính trị. Do vậy, đây được xem là một trong những bước quan trọng để ông trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất nước kể từ thời ông Đặng Tiểu Bình, theo tờ The Washington Post.

Dù cơ cấu chính thức vẫn chưa được công bố, dự kiến cấu trúc cơ quan quyền lực mới của Trung Quốc sẽ khá giống NSC của Mỹ. Tuy nhiên, khác với nguyên mẫu, phiên bản Trung Quốc đảm trách nhiệm vụ kép cả về an ninh nội địa lẫn chính sách đối ngoại, theo giới chuyên gia trong nước. Điều này có nghĩa là cơ quan mới sẽ xử lý các vấn đề từ an ninh mạng cho đến các khu vực nhạy cảm như Tây Tạng và Tân Cương. Tất nhiên, trọng tâm của cơ quan mới vẫn là chính sách ngoại giao, nhưng sẽ liên kết với Bộ Công an về những vấn đề nội địa. Ngày 13.11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết việc thành lập ủy ban sẽ khiến mọi lực lượng khủng bố, ly khai và cực đoan “hoảng sợ”. Trong khi đó, truyền thông Nhật cho rằng động thái này có liên hệ với tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa hai nước. Tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời một chuyên gia nhận xét việc thành lập Ủy ban An ninh quốc gia “sẽ tối ưu hóa cơ chế ra quyết định và giúp đối phó với các vấn đế quốc tế ngày càng phức tạp một cách có hệ thống”.

Hiện giới quan sát đang rất nóng lòng theo dõi nhân sự mới cho các chức danh chủ chốt của Ủy ban An ninh quốc gia của Trung Quốc, chẳng hạn như vị trí cố vấn an ninh quốc gia, vốn vẫn là một ẩn số. Nhân vật hàng đầu cho chức vụ này được dự đoán là ông Vương Hộ Ninh (58 tuổi), Ủy viên Bộ Chính trị, tân Tổng thư ký Ủy ban Chính pháp Trung ương và là cố vấn thân cận về chính sách đối nội lẫn đối ngoại của ba đời chủ tịch Trung Quốc gần đây.

 

Nguy cơ xung đột Mỹ – Trung gia tăng

 

Nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng giữa lúc Bắc Kinh đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền tại những vùng biển tranh chấp ở châu Á.

Theo báo The Washington Times, thông tin trên được trình bày trong bản báo cáo sắp được công bố của Ủy ban Nghiên cứu an ninh và kinh tế Mỹ – Trung thuộc quốc hội Mỹ. Báo cáo cho biết thông qua những hành động ngoại giao và tái cân bằng tại châu Á, Mỹ đã tỏ ý định củng cố quan hệ với các đối tác và đồng minh ở Đông Á. Tuy nhiên, nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc cùng sự suy giảm sức mạnh của Mỹ do cắt giảm ngân sách đang làm thay đổi cán cân trong khu vực, đồng thời làm giảm hiệu quả răn đe của chính sách tái cân bằng. “Vì thế, đang có sự gia tăng nguy cơ rằng cách tiếp cận mang tính cưỡng bách của Trung Quốc đối với các tuyên bố chủ quyền sẽ dẫn đến xung đột lớn hơn trong khu vực”, báo cáo nhấn mạnh. Cũng theo báo cáo, Trung Quốc có thể sẽ triển khai tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm vào cuối năm nay.

Với tầm bắn 7.400 km, tên lửa JL-2 có thể vươn đến lãnh thổ Mỹ. Báo cáo của Ủy ban Nghiên cứu an ninh và kinh tế Mỹ – Trung dự kiến sẽ được công bố vào ngày 20.11.

Trùng Quang

 

Thụy Miên