26/11/2024

Tuổi thơ mong manh: Cạm bẫy đường phố

Theo thống kê của Sở Lao động – thương binh & xã hội TP.HCM năm 2012, trên địa bàn thành phố hiện có gần 2 triệu thanh thiếu niên, nhi đồng, trong đó 300.000 trẻ là người ngoại tỉnh và có khoảng 1.500 trẻ trong diện lang thang. Mỗi năm có khoảng 200 trẻ bị xâm hại tình dục.

Tuổi thơ mong manh: Cạm bẫy đường phố

10 giờ tối, Ngọc cầm xấp vé số đi bán ở những con hẻm tối ở quận 5, TP.HCM. Đèn đường vàng vọt yếu ớt, hẻm tối om quanh co nhưng sâu trong hẻm vẫn có hai, ba người đàn ông gọi em vào mua hàng. Khi Ngọc vừa đưa tờ vé số cho người đàn ông không rõ mặt, ông ta đã ngay lập tức nắm lấy tay cô bé xoa xoa rồi bất thần ôm chầm lấy em. Hoảng hồn, Ngọc vùng vẫy bật chạy ra. Tuy nhiên hôm sau, hôm sau nữa, cô bé vẫn quay lại bán ở khu vực này với lý do đơn giản “ở đây dễ bán nhất”.

Một em nhỏ đi bán quà vặt ở các quán ăn - Ảnh: Quang Định 

Ngọc năm nay mới 11 tuổi nhưng đã cao tới 1,5m và bắt đầu trổ những nét duyên con gái.

Nguy cơ hằng ngày

 

Những lý do trẻ đường phố luôn có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục bao gồm:

– Không có tiền (68,3%).

– Thiếu sự bảo vệ của người lớn (44,2%) buộc các em phải chấp nhận việc bị xâm hại để có tiền sống qua ngày, hay để nhận được sự chăm sóc từ “cha nuôi” hay “anh nuôi”.

– Không có một chỗ ở an toàn (35,8%).

Những hành động xâm hại mà các em phải trải qua nhiều nhất:

– Bị người khác chạm/ôm/ hôn gây sợ hoặc khó chịu (61,26%).

– Bị sờ mó vào nhiều bộ phận kín (49,55%).

– Bị rủ rê, cho xem những hình ảnh/phim khiêu dâm (45,05%).

(Nguồn: Nghiên cứu Vấn đề xâm hại tình dục trong nhóm trẻ em đường phố tại TP.HCM của Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) phối hợp với tổ chức phi chính phủ Fontana – Đan Mạch).

 

Ngọc chỉ là một trong số hàng chục ngàn trường hợp trẻ hiện đang sống đường phố tại TP.HCM phải từng ngày từng giờ đối mặt với các nguy cơ xâm hại tình dục. Theo nghiên cứu vừa công bố mới đây của Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) phối hợp với tổ chức phi chính phủ Fontana (Đan Mạch), có đến 92,5% trong số 120 trẻ em đường phố (8-18 tuổi) được phỏng vấn đã từng bị xâm hại tình dục ở nhiều hình thức khác nhau.

Chỉ riêng khu vực của Ngọc đã có khoảng 3-4 nhóm cùng bán vé số hằng đêm. Các nhóm tự phân chia địa bàn với nhau, quy ước không được xâm phạm. Trong mỗi nhóm, các khu vực lại được chia nhỏ ra cho từng em phụ trách. Đầu hẻm nào ở khu này cũng có quán nhậu. Thường Ngọc chỉ đi lòng vòng ở những chỗ đông người này để nài nỉ khách mua hàng. Hôm nào ế, Ngọc đánh bạo đi vào sâu trong hẻm thử kiếm xem có ai muốn mua không, vì “trong đó người ta mua nhiều hơn”. Đây không phải lần đầu tiên Ngọc bị khách hàng “bắt nạt”. “Ngoại dạy em nếu bị như vậy phải chạy đi, rồi la lớn lên cho người ta biết mà tới cứu. Nhưng em nghĩ ổng chưa làm gì nên chỉ chạy đi thôi”, Ngọc ngượng ngùng nói lại.

Ngọc cho biết như ông khách này là còn may, dù sao ông ta cũng mua hàng, trả tiền rồi mới giở trò bậy. Có một vài lần người ta chỉ kêu em lại, hỏi han rồi đụng vô người, em sợ quá phải bỏ đi mà không bán được tờ vé số nào. Một lần khác, em từ trong khu tối đi ra, có một người đàn ông đi theo em. Ông ta chạm vào người, thấy em cự lại dữ quá, ông ta sợ có người nhìn thấy liền quay sang giật túi tiền em treo lủng lẳng trước ngực.

Khác với trường hợp như Ngọc, nhiều trẻ em đường phố đã xem đây như một “nghề” để kiếm tiền. 3 giờ sáng, khu phố Tây (quận 1) vẫn xập xình tiếng nhạc, tiếng cụng ly “Dzô dzô, 100%, 100%” ồn ã, những đứa trẻ cắp một bên chiếc rổ nhỏ bán kẹo cao su, thuốc lá hoặc ôm trên tay chồng sách cao ngất ngưởng vẫn đang đi lại thoăn thoắt trên đường. “Đang mùa mưa ế quá trời, hôm nay mới bán được đó!”, Long (9 tuổi) trả lời nhưng mắt vẫn không ngừng nhìn vào các quán bar ở góc Đỗ Quang Đẩu – Bùi Viện.

Bên trong, không ít “đồng nghiệp” của em đã chuyển “nghề” ngay khi có vài ông Tây đến lân la hỏi thăm. Lát sau, Ty (10 tuổi) từ quán bar đi ra cùng một người đàn ông. Ty có dáng vóc mảnh mai như con gái, gương mặt trắng hồng. Long cho biết: “Khách ruột đó, lúc đầu là nó đi bán với em, ổng kêu cho coi “chỗ đó” rồi ổng mới mua. Từ từ ổng cho nó bánh kẹo với tiền và dắt đi, gọi là con nuôi nhưng tối nào cũng ngủ chung”.

Hỏi Long rằng có biết đây là hành vi xâm hại tình dục không, Long thản nhiên: “Chừng nào bị ép mới là xâm hại, còn nó tự nguyện để kiếm tiền mà! Với lại có ông chỉ kêu vô phòng coi phim chung rồi sờ mó thôi, vậy đâu có sao!”. Đây là một trong số rất nhiều suy nghĩ non nớt, sai lệch của trẻ em đường phố về xâm hại tình dục. Thiếu kiến thức về giáo dục giới tính, sức khỏe tình dục, không có kỹ năng sống, nhiều em đã vô tình rơi vào cảnh huống bị lạm dụng tình dục mà không hề hay biết. Theo nhóm nghiên cứu Vấn đề xâm hại tình dục trong nhóm trẻ em đường phố tại TP.HCM, có đến 14/15 em được phỏng vấn chưa bao giờ nghe nói đến cụm từ “xâm hại tình dục” đã bị xâm hại tình dục. Ngoài ra, 45,5% em từng rơi vào tình huống bị dụ dỗ xem ảnh/phim khiêu dâm và sau đó dễ dàng bị dẫn dụ đến chỗ tự nguyện “thực hành” vì cảm giác tò mò, kích thích ở tuổi vị thành niên.

 

Ảnh: Quang Định

 

Lỡ rồi giữ làm gì nữa!

Lang thang trên đường phố, gia đình không còn là chỗ dựa nữa, các em dễ dàng phát sinh tình cảm với các bạn khác giới và đưa đẩy đến quan hệ tình dục một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, “Ngay cả trẻ trong cộng đồng còn lúng túng với các kiến thức giới tính dù được học trong trường lớp, làm sao các em sống trên đường phố biết đến các kiến thức này. Chuyện các em quan hệ tình dục không an toàn là hoàn toàn dễ hiểu. Nhiều em còn bị bạn bè tác động nên luôn có mặc định uống thuốc tránh thai sẽ không có con sau này hoặc khi quan hệ nếu cho tinh trùng ra ngoài sẽ không bị dính bầu”, một giáo dục viên đường phố cho biết. Trang năm nay 16 tuổi, bỏ nhà từ năm 13 tuổi và đi bán kẹo cao su, thuốc lá ở khu vực trung tâm thành phố, em có bạn trai cũng chung trong nhóm bạn. Tối tối khi đã vãn khách, cả nhóm tụ tập dưới chân cầu, chia keo (một loại hóa chất) ra hít, trong lúc phê thì bắt cặp với nhau quan hệ, sau khi tỉnh lại ai về nhà nấy. Lúc đó cũng đã 2, 3 giờ sáng. “Ở trên đường đâu có ai thương, khi có người quan tâm, chăm sóc mình thì dĩ nhiên mình phải thích rồi!”, Trang vô tư cho biết.

Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp các em đã không hề tự nguyện mà bị bắt ép một cách đầy thô bạo. Gương mặt già dặn, cách nói năng cũng giống hệt một người lớn thu nhỏ, Nhung, 17 tuổi, nhà trọ ở quận 12, chỉ trả lời nhát gừng những câu hỏi và đưa ra một câu chuyện chắp nối: “Lúc đó trời tối rồi, nhưng có một khu nhà trọ có ông khách kia sộp lắm nên em ghé qua mời ổng mua. Ổng xỉn nên kêu em vô nhà mua, xong rồi ổng đè em xuống. Bình thường em hay đi với cả nhóm, nhưng bữa đó trời mưa có mình em nên không làm gì được”.

Chuyện xảy ra năm Nhung chỉ mới 10 tuổi, chưa bao giờ biết mặc những loại trang phục kín đáo, em lại thường xuyên đi một mình bán vé số những nơi khá vắng vẻ ở vùng ven quận 12, huyện Hóc Môn. Về nhà, em định nói với mẹ nhưng rồi cảm thấy xấu hổ, tội lỗi, em im lặng. Năm năm trôi qua, Nhung lớn hẳn lên, đã có vài lời rủ rê của những người trong xóm trọ để em lên thành phố bán quán cà phê. “Cũng sợ bị bắt làm gái nhưng em nghĩ là lỡ rồi, giữ làm gì nữa!”, Nhung nói về quyết định “đổi đời” của mình trong thời gian sắp tới, tỉnh bơ, một phần vì em vẫn chưa hình dung được những hậu quả nặng nề đang chờ đợi mình phía trước…

ĐOÀN BẢO CHÂU – MAI HOA

 

 

Theo số liệu của Bộ Lao động – thương binh và xã hội năm 2012, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra trên 1.000 vụ xâm hại tình dục, năm sau thường cao hơn năm trước, trong đó số trẻ em bị hiếp dâm chiếm đến 65%. Số trẻ bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm 28,2% và số trẻ em bỏ học, sống lang thang và xâm hại tình dục chiếm 11,6% số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục.

Theo thống kê của Sở Lao động – thương binh & xã hội TP.HCM năm 2012, trên địa bàn thành phố hiện có gần 2 triệu thanh thiếu niên, nhi đồng, trong đó 300.000 trẻ là người ngoại tỉnh và có khoảng 1.500 trẻ trong diện lang thang. Mỗi năm có khoảng 200 trẻ bị xâm hại tình dục.