11/01/2025

Kho báu tỉ đô trong chiếc hộp Pandora

Tờ The Wall Street Journal ví von việc công bố ‘kho báu’ gồm những tác phẩm nghệ thuật trị giá tới 1,3 tỉ USD bị thu giữ từ thời Đức quốc xã tựa như việc mở chiếc hộp của nàng Pandora trong thần thoại Hy Lạp, bởi theo sau đó sẽ là vô số phiền toái.

 

Kho báu tỉ đô trong chiếc hộp Pandora

Tờ The Wall Street Journal ví von việc công bố ‘kho báu’ gồm những tác phẩm nghệ thuật trị giá tới 1,3 tỉ USD bị thu giữ từ thời Đức quốc xã tựa như việc mở chiếc hộp của nàng Pandora trong thần thoại Hy Lạp, bởi theo sau đó sẽ là vô số phiền toái.

Ngôi nhà ở Munich, nơi phát hiện 1.500 bức tranh từ thời Đức quốc xã  - d
Ngôi nhà ở Munich, nơi phát hiện 1.500 bức tranh từ thời Đức quốc xã – Ảnh: Getty 

Cách đây hơn 1 năm, khi điều tra căn nhà ở Munich của ông Cornelius Gurlitt – một đối tượng bị nghi trốn thuế, nhà chức trách Đức đã phát hiện khoảng 1.500 tác phẩm mỹ thuật, trong đó có tranh của những danh họa như Pablo Picasso, Max Beckmann, Marc Chagall để lẫn với các hộp đựng thực phẩm. Các bức tranh này được cho là từng thuộc về cha của Cornelius Gurlitt – ông Hildebrand, người từng làm việc dưới thời Đức quốc xã. Sự việc lập tức gây ồn ào khi bị tiết lộ trên tạp chí Focus của Đức vào đầu tháng này.

‘Giữ bí mật xuất sắc’

Dư luận và giới nghệ thuật chấn động với tiết lộ rằng 1.500 tác phẩm ấy không chỉ được giấu ở căn hộ nhỏ tại Munich, mà Sở thuế Đức – cơ quan đã tiến hành cuộc đột kích vào căn hộ – cũng tiếp tục giữ bí mật về kho báu tỉ đô này suốt hơn 1 năm nay. ‘Việc bảo mật thật quá xuất sắc’ – The Wall Street Journal châm biếm – ‘Chủ nhân của kho của cải này thì chẳng tìm thấy đâu, tranh thì đã được giữ ở một địa điểm khác không được tiết lộ, và chẳng có một bản kiểm kê nào được cung cấp’. Một chuyên gia Anh quốc về tác phẩm nghệ thuật bị cướp đoạt thời Đức quốc xã nói rằng vụ này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” khi ngày càng có nhiều chủ nhân các tác phẩm bị mất cố gắng tìm lại, đòi lại tài sản của họ.

Do phản đối của dư luận, các nhà chức trách đã phải tổ chức họp báo tại Augsburg (Đức) về vụ việc này. Trên tờ Los Angeles Times, E.Randol Schoenberg, một luật sư ở Mỹ, cho rằng sẽ rất gian nan để chủ nhân các bức tranh hay con cháu họ đòi lại chúng. Ông từng là luật sư trong vụ đòi lại một bức tranh của danh họa Gustav Klimt từng bị Đức quốc xã lấy đi cho gia đình một nữ thân chủ.

The Wall Street Journal giễu cợt: “Rồi đây chắc chắn những vụ phát hiện kho báu thời chiến sẽ càng nhiều, khi mà thế hệ trong chiến tranh và cả hậu duệ của họ, đều đã qua đời. Sự khác biệt giữa việc công bố vừa rồi và những sự việc trước đó là ở con số: kho báu này được cho rằng trị giá cả tỉ đô, con số đó thực sự gây ấn tượng”.

Hai tội ác liên quan tới nghệ thuật

Bài viết trên BBC cho rằng vụ việc trên cho thấy 2 tội ác liên quan tới nghệ thuật. Tội ác thứ nhất là cuộc vơ vét của Adolf Hitler nhằm lấp đầy Bảo tàng Fuehrermuseum của ông ta ở Linz (Áo), với những tác phẩm hội họa có giá trị nhất thế giới mà Đức quốc xã đã cướp đoạt, tịch thu và mua được ở những đất nước họ từng chiếm đóng: Pháp, Hà Lan, Bỉ, Áo, Czechoslovakia, Ba Lan và Nga.

Tội ác thứ hai là che giấu sự thật trong việc tìm ra những tác phẩm từng bị cướp đoạt. Có lẽ nghệ thuật là lĩnh vực cuối cùng vẫn chưa giải quyết xong của Thế chiến 2. Mặc dù quân Đồng minh đã phát hiện số lượng lớn những bức tranh bị mất cắp năm 1945 tại mỏ muối Alt Aussee gần Salzburg (Áo), hay trong một lâu đài phía nam Munich (Đức) một số lượng không rõ tranh đã bị mất vĩnh viễn. Nước Nga đã giữ hơn 120.000 tác phẩm nghệ thuật thu được trong thời gian chiến tranh ở 3 bảo tàng xung quanh Moscow. 5 năm trước, Áo đã công bố sự hiện hữu của hơn 10.000 bức tranh và tác phẩm điêu khắc vốn được giấu từ năm 1945 tại các tu viện dọc sông Danube và các trụ sở cơ quan. Người ta vẫn chưa tìm ra những người Do Thái là chủ nhân của chúng, mặc dù chính phủ Áo đã rất nỗ lực tìm kiếm tung tích họ. Những nhà buôn tranh London dự đoán rằng khoảng 100 – 150 bức tranh sẽ rời khỏi các bảo tàng Đức trong 25 năm nữa để trở về với gia đình của những chủ nhân ban đầu của chúng, nghĩa là chỉ một phần rất nhỏ trong số hàng ngàn tranh đã bị lấy đi.

 

Đốt 5.000 tác phẩm ‘nghệ thuật suy đồi’

 

Hildebrand Gurlitt là một trong 4 nhà buôn bán tranh được chỉ định tham gia Ủy ban Sung công của Đức quốc xã vào tháng 3.1938 theo mệnh lệnh từ Hitler, để bán “những tác phẩm nghệ thuật suy đồi” – những tác phẩm hiện đại bị Hitler cho rằng “quá Do Thái” hoặc đi ngược lại với văn hóa Đức nhằm thu về ngoại tệ.

4 người này đã lập một cửa hàng để bán gần 16.000 tác phẩm hội họa và điêu khắc được lấy từ các bảo tàng Đức trong năm 1937-1938. Những tác phẩm này trước đó được trưng bày ở Munich với 2 triệu lượt người xem, ở đó những nhà lãnh đạo Đức quốc xã khuyến khích nhạo báng các tác phẩm này. Hitler đã nói chuyện khai mạc triển lãm, sau đó nhổ nước bọt trong sự giận dữ.

Do việc bán các tác phẩm không thành công lắm, ngày 20.3.1939, họ đã đem đốt tổng cộng gần 5.000 tác phẩm hội họa và điêu khắc ở sân của Sở Cứu hỏa Berlin. Hành động trên lập tức đạt được sự chú ý như họ mong muốn. Đại diện các bảo tàng và những người yêu nghệ thuật bị sốc từ các nước khác đã kéo đến Đức để mua tranh. Người ta không biết được sau cuộc bán tháo này có bao nhiêu bức tranh mà Gurlitt giữ lại, bao nhiêu bức bị đã bán qua Thụy Sĩ và Mỹ nhằm thu lợi riêng.

 

Phạm Thu Nga