11/01/2025

Căng thẳng ở biển Đông có hại cho tất cả

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết: “Nếu không có hòa bình, ổn định ở biển Đông, ASEAN khó lòng xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN. Vì lý do này ASEAN luôn kêu gọi và thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật Biển LHQ (UNCLOS) 1982”

 

Căng thẳng ở biển Đông có hại cho tất cả

Các bên còn theo đuổi lợi ích trước mắt, diễn giải khác nhau về luật quốc tế và trì hoãn việc xây dựng cơ chế hợp tác để quản lý tranh chấp, ngăn ngừa xung đột trên biển Đông.

 

Căng thẳng ở biển Đông có hại cho tất cả
Quang cảnh hội thảo – Ảnh: Ng.Phong

 

Đây là quan điểm của Giám đốc Học viện Ngoại giao, Đại sứ Đặng Đình Quý tại phiên khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 5 “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” khai mạc hôm qua (11.11) tại Hà Nội.

Xu hướng tiếp tục cứng rắn của Trung Quốc

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định trong năm qua tình hình biển Đông và các vấn đề liên quan đã có nhiều thay đổi theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Điểm tích cực là cộng đồng quốc tế và khu vực đã nhận thức được tầm quan trọng của biển Đông, trên cơ sở đó thúc đẩy hợp tác để kiềm chế xung đột. “Tuy nhiên các bên còn theo đuổi lợi ích trước mắt, diễn giải khác nhau về luật quốc tế và trì hoãn việc xây dựng cơ chế hợp tác để quản lý tranh chấp, ngăn ngừa xung đột trên biển Đông”, ông Quý nói.

Ông Quý dự báo trong giai đoạn 5 năm tới, biển Đông sẽ vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc và tiếp tục là khu vực tranh chấp phức tạp nhất thế giới. “Chủ nghĩa dân tộc quá khích đã xuất hiện và gia tăng trong một số nước; xu hướng tăng cường vũ trang, bán vũ trang đang mạnh dần lên; lòng tin giữa các bên liên quan tiếp tục suy giảm”. Theo ông Quý, cùng với những mặt chưa tích cực trong 5 năm qua, những xu hướng này sẽ làm cho tình hình biển Đông có thể diễn biến phức tạp hơn, không loại trừ khả năng bùng nổ xung đột vũ trang. 

 

 
 

Nếu không có hòa bình, ổn định ở biển Đông, ASEAN khó lòng xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN. Vì lý do này ASEAN luôn kêu gọi và thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật Biển LHQ (UNCLOS) 1982

 

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh

 

 

Trên thực tế tình hình biển Đông trong năm 2013 tiếp tục có những căng thẳng xuất phát từ sự cứng rắn gia tăng của Trung Quốc (TQ). Theo báo cáo của Robert Sutter và Chin-Hao Huang công bố hồi tháng 9.2013, hải quân TQ cuối tháng 5.2013 đã sử dụng tàu từ 3 hạm đội của mình để tiến hành một cuộc tập trận chung trên biển Đông. Đây là cuộc tập trận ba hạm đội đầu tiên kể từ năm 2010. Tiếp đó và tháng 7.2013 TQ đã công bố đưa Lực lượng Bảo vệ bờ biển mới hợp nhất của mình vào hoạt động ở vùng biển Đông và các vùng biển khác với lực lượng lên tới 16.000 người được chia thành 11 hạm đội. Nhiều đánh giá cho rằng lực lượng này sẽ được trang bị vũ khí tương tự như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Năm 2013, TQ cũng liên tục đưa các hạm đội tàu cá hàng chục chiếc với lực lượng hộ tống đánh bắt cá ở khu vực tranh chấp tại quần đảo Trường Sa. Mới đây Tân Hoa xã đưa tin về việc TQ sẽ thực hiện chuyến khảo sát tài nguyên đảo lần thứ hai, bao gồm 10.000 “đảo thuộc chủ quyền” trong vòng 5 năm tới. Cuộc khảo sát mới này được cho rằng là cần thiết để TQ hình thành bản “kế hoạch chiến lược” cho việc phát triển kinh tế biển đối với các đảo trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của TQ (2016 – 2020).

Tuy nhiên theo GS Dong Wang (Giám đốc Trường Nghiên cứu quốc tế, ĐH Bắc Kinh, TQ) ngoài những quan điểm cứng rắn về biển Đông, phía TQ cũng có những học giả và nhà phân tích có quan điểm trung lập. Theo ông Dong Wang, nguyên Đại sứ TQ tại Pháp Ngô Kiến Dân, Ủy viên Ủy ban Cố vấn chính sách Bộ Ngoại giao TQ từng chỉ trích việc áp dụng các biện pháp quân sự để giải quyết tranh chấp biển.

Ông Ngô khẳng định nhiều người sai lầm khi cho rằng nếu chiến tranh xảy ra sau đó TQ thắng thì mọi thứ sẽ ổn. Thay vào đó ông Ngô nhấn mạnh việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp biển Đông sẽ làm cho TQ trở nên hỗn loạn. Tương tự, ông Dong Wang cho biết Chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc tế TQ Khúc Hưng cũng cho rằng căng thẳng ở biển Đông gây phương hại đến lợi ích quốc gia của mỗi bên và “tham gia cùng phát triển là sự lựa chọn của các nước trong tương lai”.

Ngăn chặn sự chia rẽ của ASEAN

Trong Thông điệp gửi tới hội thảo, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định ASEAN là một chủ thể có vai trò quan trọng đóng góp cho hòa bình, ổn định ở biển Đông do ASEAN có 8 nước ven biển Đông trong đó có 4 nước yêu sách chủ quyền lãnh thổ. “Nếu không có hòa bình, ổn định ở biển Đông, ASEAN khó lòng xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN. Vì lý do này ASEAN luôn kêu gọi và thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật Biển LHQ (UNCLOS) 1982”.

Tại hội thảo, GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) cho rằng những căng thẳng mới giữa TQ và Philippines (Philippines khiếu nại TQ lên Tòa trọng tài theo UNCLOS; TQ đưa tàu cảnh sát biển đến bãi Cỏ Mây; Philippines cáo buộc TQ có hoạt động xây dựng tại bãi cạn Scarborough) đã đưa đến việc TQ phải áp dụng chính sách “chia rẽ chính trị” nhằm cô lập Philippines với các thành viên ASEAN. GS Thayer cũng chỉ ra một vài dấu hiệu tích cực trong chính sách biển Đông của TQ trong đó có việc nhất trí bắt đầu tham vấn với ASEAN về COC trong khuôn khổ DOC. Tuy nhiên theo ông Thayer những thảo luận sẽ kéo dài, nếu không muốn nói là mãi mãi.

Theo TS Mark Valencia (Viện Nautilus, Mỹ) ASEAN hiện đang bị chia rẽ trong vấn đề tranh chấp biển Đông. TS Valencia cũng cho rằng việc TQ đồng ý thảo luận COC cùng ASEAN có thể chỉ là một động thái chính trị khéo léo nhằm tránh khỏi những cuộc bút chiến chống TQ và hy vọng tạo ra hoàn cảnh trong đó không bên nào muốn bị coi là nguyên nhân cản trở tiến trình.

TS Ralf Emmer (Singapore) cho rằng không loại trừ khả năng ASEAN bị chia rẽ đối với vấn đề biển Đông. Nếu điều này xảy ra nó sẽ làm hỏng tính trung lập và thống nhất của ASEAN cũng như sự liên quan của các thể chế mà ASEAN giữ vai trò trung tâm như ARF EAS ADMM+. “Một kết quả như vậy sẽ có tác động trở lại đáng kể trên cả lĩnh vực kinh tế và ngoại giao. Rủi ro này cần phải được các nước thành viên ngăn chặn vì sự chia rẽ trong khu vực sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vai trò của ASEAN”, TS Ralf Emmer khẳng định.

 

“Ngoại giao câu giờ”

 

Bình luận về những quan điểm được đưa ra tại hội thảo, một cựu đại sứ cho rằng sau một năm với nhiều diễn biến căng thẳng nhưng cách tiếp cận vấn đề biển Đông của các bên vẫn chưa có sự thay đổi. Theo cựu đại sứ này TQ đang tiếp tục tìm cách chia rẽ ASEAN, cô lập Philippines đồng thời không hề thực sự muốn có COC. Theo ông, việc TQ đồng ý thảo luận COC cùng ASEAN chỉ là động tác “ngoại giao câu giờ” của TQ trong bối cảnh TQ đang muốn lôi kéo ASEAN vào hiệp định tự do thương mại làm đối trọng với Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ.

 

Ng.Phong