Bê bối nghe lén lan sang Đông Nam Á
Các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc phản ứng mạnh trước cáo buộc về việc Mỹ đặt cơ sở nghe lén tại đại sứ quán ở các nước.
Các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc phản ứng mạnh trước cáo buộc về việc Mỹ đặt cơ sở nghe lén tại đại sứ quán ở các nước.
|
Ngày 31.10, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan đã yêu cầu Mỹ đưa ra lời giải thích về cáo buộc sử dụng đại sứ quán để nghe lén và phục vụ các hoạt động gián điệp khác. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói: “Trung Quốc lo ngại nghiêm trọng về các bài báo và yêu cầu giải thích rõ ràng”. Trong một thông báo, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tuyên bố chính phủ của ông “không thể chấp nhận và cực lực phản đối trước tin tức về sự hiện hữu của các cơ sở nghe lén ở Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta”. Tổng thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanathabutr cho biết chính phủ nước ông đã nói với Mỹ rằng việc do thám là tội phạm theo luật Thái Lan.
90 cơ sở do thám trên thế giới
Trước đó, tờ tuần san Der Spiegel dẫn tài liệu mật do cựu nhân viên CIA Edward Snowden cung cấp tiết lộ Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã thành lập một nhóm hỗn hợp có tên gọi “Cục Thu thập đặc biệt” (SCS) để tiến hành chiến dịch do thám sâu rộng. Tờ báo Đức đăng tải một bản đồ mô tả 90 cơ sở của SCS trên toàn thế giới, trong đó có 14 cơ sở điều khiển từ xa và 2 trung tâm hỗ trợ kỹ thuật. Tấm bản đồ tiết lộ vị trí các cơ sở của Mỹ tại các đại sứ quán ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Myanmar.
|
Ở khu vực Đông Á, tài liệu nói trên cho biết Trung Quốc là mối quan tâm đặc biệt của NSA, với hệ thống theo dõi đặt tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, 2 lãnh sự quán ở Thượng Hải, Thành Đô. Tương tự, tại Nam Á, Washington thiết lập 8 cơ sở thu thập dữ liệu trong các cơ quan ngoại giao như đại sứ quán ở New Delhi (Ấn Độ), Islamabad (Pakistan)… Khu vực Trung Đông và Bắc Phi bao gồm ít nhất 24 cơ sở. Tấm bản đồ của Der Spiegel xác nhận mức độ bao phủ rộng khắp của các hoạt động tình báo Mỹ. Gần như tất cả các thủ đô lớn ở mọi lục địa đều có cơ sở thu thập tin tức tình báo của Mỹ. Lý do hàng đầu để NSA thiết lập hệ thống do thám tại đại sứ quán, lãnh sự quán vì những cơ quan này thường nằm gần các trụ sở trọng yếu của chính quyền sở tại. Cụ thể, Đại sứ quán Mỹ ở Berlin chỉ cách Văn phòng Thủ tướng Đức khoảng 350 m. Theo tờ The Sydney Morning Herald, các hoạt động nghe lén và do thám còn được thực hiện thông qua các đại sứ quán Úc ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Cũng theo tờ báo này, Đại sứ quán Úc ở thủ đô Hà Nội của Việt Nam cũng được sử dụng để phục vụ các hoạt động do thám và nghe lén. Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc đã từ chối bình luận về việc này trong khi phía Việt Nam vẫn chưa đưa ra phản ứng.
Chuyên gia tình báo hàng đầu ở Úc Des Ball nói với tờ The Washington Postông từng chứng kiến tận mắt các cột ăng ten bí mật tại những đại sứ quán được nêu tên trong bài báo của tờ The Sydney Morning Herald. Tuy nhiên, ông Ball nói các tiết lộ trên không gây nhiều ngạc nhiên bởi nhiều quốc gia thường xuyên sử dụng các đại sứ quán làm căn cứ để nghe lén và các thông tin này từng được tiết lộ cách đây vài thập niên.
Theo dõi qua cáp quang
Ngoài các kênh “tình báo ngoại giao”, một phương pháp phổ biến khác trong Chương trình theo dõi toàn diện (PRISM) của NSA là sử dụng hệ thống Upstream chuyên thu thập dữ liệu từ các đường cáp quang ngầm trong lòng biển. Đây là chiến lược rất quan trọng vì hiện có 99% lượng thông tin liên lạc trên thế giới được lưu chuyển bằng cáp quang. Tờ The Washington Post ngày 30.10 dẫn tài liệu của Snowden cho biết NSA đã thực hiện chương trình có tên Muscular nhằm theo dõi máy chủ của Yahoo! và Google. Theo đó, cơ quan này đã xâm nhập vào hệ thống cơ sở hạ tầng nội bộ của 2 đại gia internet trên để thu thập thông tin ở nơi lưu trữ dữ liệu của khách hàng.
Với sự hỗ trợ của tình báo Anh, NSA đã chặn được những thông tin được truyền bằng hệ thống cáp quang nối các máy chủ với nhau. Từ đó, tình báo Mỹ đã lấy được thông tin của hàng trăm triệu khách hàng sử dụng các dịch vụ của Yahoo!, Google. Theo hãng Kyodo News, năm 2011, NSA từng đề nghị chính phủ Nhật hỗ trợ theo dõi hệ thống cáp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, qua đó có thể do thám mạng lưới điện thoại và internet của Trung Quốc. Tuy nhiên, Tokyo đã từ chối đề nghị này vì Hiến pháp Nhật cấm hợp tác về quốc phòng và tình báo với các nước khác. Trong một diễn biến liên quan, ngày 31.10, Nga chính thức bác bỏ thông tin cho rằng nước này do thám hàng trăm đại biểu nước ngoài tham dự Hội nghị G20 tại thành phố Saint-Petersbourg hồi tháng 9 bằng cách phát miễn phí các USB chứa mã độc, theo RIA -Novosti.
Lan Chi – Sơn Duân