Siêu chiến hạm giá hàng xôn
Dù từng là biểu tượng sức mạnh trên đại dương, nhưng nhiều chiến hạm Mỹ sau đó bị bán đi với giá rẻ mạt đến khó tin.
Dù từng là biểu tượng sức mạnh trên đại dương, nhưng nhiều chiến hạm Mỹ sau đó bị bán đi với giá rẻ mạt đến khó tin.
|
Những ngày này, hải quân xứ cờ hoa đang hồ hởi trông đợi siêu hàng không mẫu hạm đầu tiên thuộc lớp Gerald R.Ford chính thức ra đời, mang tên gọi USS Gerald R.Ford (CVN-78).
Người từ đỉnh cao, người về vực sâu
Theo báo cáo của quốc hội Mỹ được công bố ngày 22.10, chiếc CVN-78 có chi phí đầu tư khoảng 12,8 tỉ USD, dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm nay để chính thức biên chế vào tháng 2.2016. So với lớp tàu sân bay tiền nhiệm Nimitz, hàng không mẫu hạm Ford gần như tương đương về kích thước và độ choán nước (khoảng 110.000 tấn).
Tuy nhiên, khả năng triển khai tác chiến và trang thiết bị của nó thì lại vượt trội so với dòng Nimitz. Theo một số tài liệu, các hàng không mẫu hạm lớp Ford cho phép máy bay trên đó thực hiện trung bình 160 lần xuất kích mỗi ngày, nhiều hơn 25% so với lớp tiền nhiệm. Thậm chí, khi chính thức tham chiến, con số này có thể đạt 270 lần, cao hơn hẳn so với mức 192 của lớp Nimitz. Đó là chưa kể hàng loạt ưu điểm vượt trội về hệ thống điều khiển điện tử, radar, dò tìm và định vị… Chính vì vậy, USS Gerald R.Ford sắp được chào đón hoành tráng cũng là điều dễ hiểu.
Thế nhưng, cùng trong những ngày này, chiếc USS Forrestal, được xem là siêu tàu sân bay đầu tiên của xứ cờ hoa, lại đang được bán đi với giá “không tưởng”, chỉ 1 cent, tương đương 210 đồng, theo thông cáo báo chí ngày 22.10 của hải quân Mỹ. Gần 60 năm trước, USS Forrestal cũng từng nhận vinh dự như chiếc CVN-78 đang có. Theo Fox News, vào tháng 12.1954, USS Forrestal chính thức được hoàn thành với tổng chi phí khoảng 217 triệu USD, tương đương 2 tỉ USD tính theo thị giá ngày nay. Nó có chiều dài vào khoảng 300 m cùng độ choán nước toàn tải lên đến 80.000 tấn, tức không hề thua kém quá nhiều so với những tàu sân bay “hàng khủng” hiện tại của Mỹ. Thậm chí, nó lớn hơn những chiếc hàng không mẫu hạm mà phần còn lại của thế giới đang có hiện nay.
Đặc biệt, USS Forrestal còn được trang bị hệ thống đẩy để hỗ trợ máy bay cất cánh nên không cần phải thiết kế mũi tàu hếch lên như một số hàng không mẫu hạm của Nga, Trung Quốc. Đây là kỹ thuật mà Trung Quốc đang rất mong muốn sở hữu để phát triển tàu sân bay hiện đại. Vì thế, dù là “hàng phế thải” đối với Mỹ nhưng USS Forrestal vẫn có nhiều ưu điểm vượt trội đối với chiến hạm của nhiều nước khác. Vậy mà, nó chỉ được bán với giá 1 cent thì quả thực là quá “xa xỉ”.
Rẻ nhưng không dễ mua
Không đến mức giá bèo như USS Forrestal nhưng chiếc Sea Shadow của Mỹ cũng đã được bán với giá ít ai ngờ đến. Đến nay, con số chi phí đầu tư chính thức cho Sea Shadow vẫn chưa được công bố chính thức, nhưng theo các nguồn tài liệu đều cho rằng nó tiêu tốn khoảng 170 – 190 triệu USD. Vậy mà, hồi giữa năm ngoái, truyền thông quốc tế đưa tin Sea Shadow được bán với giá chỉ 2,5 triệu USD, sau khi được đưa lên đấu giá với khoản tiền cọc 10.000 USD. Trong khi đó, nó từng là một dự án tuyệt mật do Tập đoàn Lockheed Martin và Lầu Năm Góc hợp tác phát triển, đóng vai trò đối với việc cho ra đời những tàu chiến tàng hình tối tân ngày nay. Cho nên, dù chưa chính thức trở thành chiến hạm nhưng Sea Shadow vẫn tạm được coi là một tàu chiến do Washington phát triển.
|
Theo báo The Sacramento Bee, dự án chế tạo Sea Shadow được hoàn thành vào năm 1985 nhưng đến năm 1993, nó mới xuất hiện trước công chúng với hình thù kỳ lạ, như một “quái thú” trên biển, với độ choán nước 563 tấn. Thiết kế độc đáo như vậy giúp Sea Shadow có khả năng tàng hình trước các radar và cực kỳ yên tĩnh khi hoạt động. Đặc biệt, Sea Shadow còn được chế tạo với các lớp vật liệu và hệ thống điện tử đặc biệt để đáp ứng khả năng tàng hình hoàn hảo.
Chính vì vậy, ngay cả khi bị liệt vào hạng bỏ đi và được tống khứ với giá rẻ bèo, Lầu Năm Góc vẫn rất cẩn trọng kiểm soát việc nó đi vào “nghĩa địa” như thế nào. Sự cẩn trọng này nhằm đảm bảo những vật liệu, kỹ thuật tàng hình và những công nghệ tối tân khác không bị rò rỉ cho các nước khác. Nhất là khi, nhiều nước, thậm chí là cường quốc, đến nay vẫn rất mong muốn phát triển chiến hạm tàng hình. Cụ thể, Công ty Bay Ship & Yacht, đơn vị trúng thầu mua chiếc Sea Shadow, chỉ nhận đống phế liệu, chứ không được du ngoạn thử một lần nào trên đó. Tương tự, đối với hàng không mẫu hạm USS Forrestal, đại diện hải quân Mỹ sẽ có mặt liên tục để giám sát quá trình tháo dỡ. Trước đó, các hạ tầng kỹ thuật quan trọng đã được tháo rời toàn bộ. Tất nhiên, đơn vị trúng thầu đã phải trải qua quá trình kiểm tra gắt gao và trình bày cặn kẽ quy trình xử lý để đảm bảo bí mật công nghệ quốc phòng.
Đây là điều mà Washington luôn đề cao. Điển hình là 2 chiếc tàu tuần tra lớp Hamilton, có tuổi đời cả nửa thế kỷ, mà Philippines “mua rẻ” của Mỹ. Dù Washington và Manila quan hệ mật thiết nhưng 2 chiếc tàu trên vẫn bị tháo gần như toàn bộ thiết bị điện tử, vũ khí hiện đại trước khi bàn giao cho bên mua. Chính vì vậy, không dễ gì mua các chiến hạm được Mỹ bán xôn, mà nếu mua thành công thì cũng rất khó khai thác hiệu quả, thậm chí chẳng thể dùng.
Mua “đểu” kiểu Trung Quốc
Nếu nhìn lại quá trình Trung Quốc sở hữu tàu sân bay Liêu Ninh thì sẽ hiểu lý do tại sao Mỹ luôn cẩn trọng trong việc bán xôn tàu chiến. Chiếc Liêu Ninh vốn là chiếc Varyag, thuộc lớp Admiral Kuznetsov, của Ukraine. Theo Bloomberg, sau những biến cố chính trị ở Đông Âu hồi đầu thập niên 1990, Ukraine quyết định không sử dụng tàu sân bay này nữa nên đưa ra quyết định sẽ bán đấu giá. Vào năm 1998, một chủ doanh nghiệp ở Hồng Kông tham gia đấu giá chiếc Varyag và khẳng định sẽ dùng nó để phát triển thành một khách sạn, sòng bài nổi ở Macau. Sau đó, người này thắng thầu và chiếc tàu qua một hành trình khó nhọc đã về đến Đại Liên, vùng đông bắc Trung Quốc, vào tháng 3.2002. Đến thời điểm ấy, Bắc Kinh vẫn khẳng định chiếc tàu sẽ trở thành sòng bài. Tuy nhiên, bất chấp những hứa hẹn trước đó họ đã hoàn thiện Varyag thành chiếc Liêu Ninh để hoạt động như một tàu sân bay đích thực.
|
Ngô Minh Trí