Phải có trách nhiệm với từng đồng của dân
Trước tình trạng ngân sách mất cân đối nghiêm trọng, phải nâng mức bội chi và phát hành trái phiếu chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng tại phiên thảo luận tổ (sáng 25-10) rằng: đã đến lúc phải tái cơ cấu chi tiêu quốc gia.
Phải có trách nhiệm với từng đồng của dân
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Phùng Quốc Hiển, Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) (từ trái qua) - Ảnh: Việt Dũng
Đồng thời, các đại biểu cho rằng phải căn cứ vào nguồn thu để dự chi, kiểm soát chặt chẽ từng đồng tiền của dân, đặc biệt là tiền đi vay, nếu không VN sẽ đứng trước “núi nợ”.
Đặt Quốc hội vào thế đã rồi
“Nếu nói từ thời kỳ đổi mới đến nay thì đây là năm đầu tiên chúng ta không hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, mà hụt thu rất lớn, tới 63.000 tỉ đồng. Câu hỏi được đặt ra là không hiểu tại sao GDP tăng 5,4%, chỉ dưới mức chỉ tiêu một chút (5,5%) mà lại hụt thu lớn như thế, vậy chúng ta tính GDP có sát không?” – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hụt thu có mấy nguyên nhân: “Đầu tiên là tăng trưởng kinh tế không đạt được yêu cầu đề ra. Thứ hai là do dự báo tình hình kinh tế sẽ phục hồi khá hơn, nên chúng ta đưa chỉ tiêu thu cao. Thứ ba là nợ đọng thuế rất lớn. Nghĩa là doanh nghiệp khó khăn, cố tình chây ì, vấn đề ở đây không phải là doanh nghiệp thua lỗ không có tiền nộp thuế mà đã có thuế phát sinh nhưng chưa nộp. Vấn đề cuối cùng, nằm ở công tác quản lý điều hành, chẳng hạn như còn để nợ đọng thuế. Quốc hội mấy năm qua ra nhiều nghị quyết giãn, hoãn, miễn thuế, rõ ràng cũng ảnh hưởng đến thu ngân sách một khoản khá lớn – bà Ngân phân tích – Hụt thu thì phải giảm chi, nhưng cái giảm chi của ta chưa mạnh mẽ và cương quyết lắm. Dư luận cho rằng còn nhiều lãng phí, đơn cử quá nhiều lễ hội… báo chí đã nêu nhiều tôi không nhắc lại”.
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) lên tiếng: “Tôi thấy rằng việc chấp hành kỷ luật ngân sách trong năm 2013 không tốt. Dự toán ngân sách do Quốc hội quyết định, có tính pháp lý, nhưng trong khi thu hụt rất nhiều thì chi không những không giảm mà lại vượt dự toán. Chính phủ cần giải thích rõ vấn đề này. Ví dụ chi quản lý hành chính dự toán 95.000 tỉ đồng, nhưng thực chi 97.000 tỉ đồng”. Ông Tâm khẳng định ngân sách trong tình trạng không lành mạnh, bội chi năm 2013 Quốc hội đã quyết 4,8% nhưng bây giờ lên 5,3%, chắc chắn Quốc hội phải bấm nút quyết thôi vì số đó đã chi rồi, tức Chính phủ đặt Quốc hội vào tình thế chuyện đã rồi. Bội chi năm 2013 không dành hết cho đầu tư phát triển, mà phải dành một phần để bù đắp cho các khoản chi khác. Sang năm 2014 thì còn tệ hơn, chi đầu tư phát triển quá thấp, bội chi phải dành một phần để trả nợ.
Đèn vàng hay đèn đỏ?
“Con số nợ công dưới 65% GDP nói là an toàn chỉ có ý nghĩa về mặt lý thuyết, nếu chúng ta không cân đối được ngân sách để trả nợ thì sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm. Một số nước rơi vào tình trạng vỡ nợ cũng chỉ có tỉ lệ nợ công ở mức 60-70% GDP” Đại biểu Nguyễn Thành Tâm(Tây Ninh) |
Ông Tâm bày tỏ lo lắng: “Con số nợ công dưới 65% GDP nói là an toàn chỉ có ý nghĩa về mặt lý thuyết thôi, nếu chúng ta không cân đối được ngân sách để trả nợ thì sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm. Một số nước rơi vào tình trạng vỡ nợ cũng chỉ có tỉ lệ nợ công ở mức 60-70% GDP”.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) phân tích: “Ta thường lý giải Quốc hội cho phép trần nợ công là 65% GDP. Đây chỉ là một yếu tố, một cách lý giải. Nhưng kinh nghiệm từ những nước vỡ nợ trên thế giới cho thấy: nếu phải dùng 25% ngân sách để trả nợ thì gọi là đèn vàng – tức là mức cảnh báo, vượt 30% thì là đèn đỏ – tức là nguy hiểm rồi. Tôi đề nghị Chính phủ cho biết bao nhiêu phần trăm thu dùng để trả nợ. Chúng ta phải tính ngưỡng an toàn để còn trả nợ, nếu vượt thì phải thổi còi ngay”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nêu con số: “Ta nói nợ công đang ở mức cho phép. Dẫn đầu về nợ công trên thế giới là Nhật, chiếm 211% GDP, Mỹ 101% GDP, châu Âu là 90%, còn ở Đông Nam Á, nhóm Asean 5 thì Indonesia 23,1%, Thái Lan 44,3%, Philippines 40,1%, Malaysia 53%. Vậy thì trong tốp 5 của Đông Nam Á, VN là cao nhất”.
Chưa nên đầu tư kênh truyền hình Quốc hội
“Ta thường lý giải Quốc hội cho phép trần nợ công là 65% GDP. Đây chỉ là một yếu tố, một cách lý giải. Nhưng kinh nghiệm từ những nước vỡ nợ trên thế giới cho thấy: nếu phải dùng 25% ngân sách để trả nợ thì gọi là đèn vàng – tức là mức cảnh báo, vượt 30% thì là đèn đỏ – tức là nguy hiểm rồi” Đại biểu Trần Du Lịch(TP.HCM) |
“Vấn đề đặt ra hiện nay là dự toán thu cho chính xác, thu cho đúng, cho đủ. Ví dụ, thu từ thuế VAT đừng thu quá nhiều lên, rồi lại phải hoàn thuế. Chúng tôi cũng có kiến nghị là phải thu cổ tức của các doanh nghiệp nhà nước. Bởi doanh nghiệp nhà nước làm kinh tế thì Nhà nước phải được cái gì chứ, lâu nay chúng ta để lại hết cho doanh nghiệp, còn thu bao nhiêu thì Chính phủ sẽ nghiên cứu và trình Quốc hội” – ông Phùng Quốc Hiển đề nghị.
Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) nói: “Cần phải thu cổ tức từ các doanh nghiệp nhà nước. Cổ phần hóa, bán các doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực không cần nắm chi phối. Vinamilk cần gì Nhà nước phải nắm, bán đi là có cả tỉ USD, tiền đó để làm đường, làm trường học”.
Ông Hiển nói thêm: “Hơn lúc nào hết, Chính phủ phải có thông điệp tiết kiệm chi tiêu. Chúng ta phải dựa vào cơ cấu thu để quyết định cơ cấu chi, vì nếu cứ chi như vậy thì tất nhiên nợ công sẽ tăng lên. Quốc hội cũng phải có trách nhiệm lớn hơn, khi quyết định một chính sách mới thì phải tính được nó sẽ tốn bao nhiêu tiền. Chi phải căn cứ vào mục tiêu và hiệu quả. Ví dụ các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay nói là trùng lắp, dàn trải (tới 16 chương trình) thì phải xem xét lại, tập trung cho những việc trọng điểm”.
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm cũng đồng ý “phải quyết liệt cơ cấu lại chi tiêu. Đặc biệt là cải cách bộ máy hành chính hiện nay đang quá cồng kềnh, kém hiệu quả. Cần khẩn trương thực hiện khoán lương theo vị trí công việc, vừa tiết kiệm chi tiêu cho bộ máy vừa có điều kiện cải cách lương. Chưa nên đầu tư riêng một kênh truyền hình Quốc hội. Quốc phòng cũng nên cân nhắc việc thay quân phục. Tôi nghĩ mỗi lần thay quân phục rất tốn kém, mà quân phục mới thay gần đây chứ đâu. Bây giờ thay quân phục thì có làm cho quân đội mạnh hơn không? Tôi nghĩ rằng những khoản chi như vậy cần phải được tiết kiệm”.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho rằng “cần quản lý chặt chẽ các nguồn lực, đặc biệt là đất đai hiện nay quản lý lỏng lẻo, thất thoát rất lớn. Nguồn lực khoáng sản cũng vậy, hiện nay thu về cho ngân sách rất thấp, rất lãng phí, những người khai khoáng mà có sai phạm thì cũng bị xử lý rất nhẹ. Khó khăn như hiện nay chưa cần bố trí kinh phí để ra kênh truyền hình của Quốc hội (khoảng 180 tỉ đồng – PV)”.
Kiểm soát nguồn trái phiếu chính phủ
“Tôi đồng cảm với phát biểu của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trên báo (Tuổi Trẻ ngày 24-10) sáng nay. Ông chỉ là người đi chữa cháy những tồn đọng đầu tư xây dựng cơ bản từ nhiệm kỳ trước. Bây giờ đúng là cần phải phát hành thêm trái phiếu để hoàn thành các công trình xây dựng đang dở dang” – đại biểu Nguyễn Thành Tâm nói. Và ông “đề nghị Quốc hội phải nắm rõ từng dự án, chứ không chỉ quyết định cả gói (Chính phủ đề nghị phát hành thêm 170.000 tỉ đồng trái phiếu trong ba năm 2014-2016 – PV) rồi không kiểm soát được. Tôi kiến nghị phải rà soát rất kỹ nguồn đầu tư từ trái phiếu chính phủ để Quốc hội xem xét, đến kỳ họp sau Quốc hội quyết định, nếu không thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải cam kết trước Quốc hội kiểm soát tốt nguồn này. Đây không phải là trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm trước đồng tiền của dân của nước”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ: “Tôi đồng tình phát hành thêm trái phiếu để làm quốc lộ 1 và quốc lộ 14, để làm vốn đối ứng cho ODA. Riêng khoản 73.320 tỉ đồng chi cho 875 dự án, tôi thấy lo quá. Các dự án này nên ưu tiên theo tiêu chí hiệu quả kinh tế – xã hội chứ quan điểm của Bộ Kế hoạch – đầu tư là cứ ưu tiên công trình hoàn thành trước mà không quan tâm hiệu quả thì không thể chấp nhận. Năm 2014 tổng lượng trái phiếu phát hành lên đến 400.000 tỉ đồng. Cái này đáng lo ngại vô cùng”.
L.KIÊN – M.HƯƠNG – V.V.THÀNH
Đề xuất lập một số điện thoại nóng cho tình huống khẩn cấp Chiều 25-10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy. Trước đó, Quốc hội đã nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy. Trong phần thảo luận, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đề xuất: “Thực tế khi có hỏa hoạn, cháy nổ hay chìm tàu, mưa bão, ngập lụt…, người dân thường rơi vào hoảng loạn, không biết, không nhớ phải cầu cứu ai. Điển hình như vụ chìm canô ở Cần Giờ, TP.HCM vừa qua – người bị nạn chỉ biết gọi điện cho giám đốc công ty. Trong khi đó, điện thoại chữa cháy, cấp cứu, công an, tìm kiếm cứu nạn… của ta mỗi thứ một số, lại rất khó nhớ. Tôi đề nghị Chính phủ phải có quy định thống nhất về một số điện thoại khẩn cấp cho tất cả các trường hợp – đây phải là số rất cực kỳ đơn giản, dễ nhớ. Bộ phận trực điện thoại này sẽ liên lạc với cơ quan chức năng để xử lý tin báo”. M.HƯƠNG |