20/11/2024

Nước mắt ‘vàng trắng’

Mồ hôi, nước mắt và máu của người dân các tỉnh miền Trung từng ước mơ đổi đời với ‘vàng trắng’ đã trôi tuột theo bão…

 

Nước mắt ‘vàng trắng’

Mồ hôi, nước mắt và máu của người dân các tỉnh miền Trung từng ước mơ đổi đời với ‘vàng trắng‘ đã trôi tuột theo bão…

 Nước mắt "vàng trắng"
Nhiều người dân không kìm được nước mắt trong vườn cao su bị gãy đổ – Ảnh: Nguyễn Phúc

Thảm họa cao su

Những vườn cao su thẳng tắp trước bão thì giờ ngổn ngang, xơ xác, tiêu điều. Đã gần 20 ngày cơn bão số 10 đi qua, hàng ngàn người dân trồng cao su của Quảng Bình, Quảng Trị vẫn chưa dám tin một sự thật rằng: họ đã trắng tay.

Anh Phạm Minh Đức, chị Nguyễn Thị Kim Huệ ở tiểu khu Thống Nhất (Bố Trạch, Quảng Bình) dẫn chúng tôi ra vườn cây 8 năm tuổi, than thở: “Nhà vay mượn chắt chiu trồng được 3 ha, bỏ công chăm sóc 8 năm trời mới cạo mủ được 2 lứa, chưa kịp mừng thì giờ đã tan tành mây khói. Tính bình quân, mỗi năm phải mất hơn 20 triệu đồng tiền chăm sóc, phân bón. Bà con chúng tôi những tưởng sẽ phần nào thoát nghèo, thế mà bây giờ…”. Có những hộ thiệt hại hàng chục tỉ đồng vì trồng diện tích lớn, khi vườn có cao su, họ mang sổ đỏ cắm ngân hàng để vay tiền sản xuất, giờ cao su không còn, chỉ còn những khoản nợ lớn. Một mình cầm rựa đứng giữa vườn cao su có diện tích 8 sào của gia đình, chị Trần Thị Hoa (45 tuổi, thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) không biết nên chặt cành, cây nào trước vì “nhìn đâu cũng gãy”. Mới đây thôi, chỉ cần sáng “mở mắt” là chị có vài trăm ngàn đồng tiền bán mủ thì giờ là con số không. Gia đình anh Trần Văn Lương ở thôn Hiền Dũng (xã Vĩnh Hòa) cũng có một vườn cao su hơn 3 ha ngay sát nách nhà, đã cạo mủ được 6 năm, mỗi ngày thu tiền triệu nhưng sau 2 tiếng bão quét qua thì mọi thứ tan hoang.

 Nước mắt "vàng trắng" 2
Cao su, loài cây cho “vàng trắng” giờ chỉ có giá trị là củi khô – Ảnh: Nguyễn Phúc

Công ty TNHH MTV Việt Trung có hơn 3.000 ha và bị gãy đổ đến 80% khiến hàng ngàn công nhân đứng trước nguy cơ mất việc. Không chỉ hàng ngàn héc ta cao su ở thị trấn Nông trường Việt Trung và các xã phía tây huyện Bố Trạch như Tây Trạch, Phú Định, Nam Trạch của tỉnh Quảng Bình… mà xẻ dọc huyện này đi từ đông sang tây từ Vĩnh Kim, Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa đến thị trấn Bến Quan, Vĩnh Hà của tỉnh Quảng Trị… đâu cũng thấy những vườn cao su gãy đổ.

 

 
 

Đa số diện tích cao su trồng từ năm 1998, tính giá “bèo” mỗi héc ta bây giờ có trị giá không dưới 300 triệu đồng. Nhân lên sẽ có con số thiệt hại kinh hoàng – 1.200 tỉ, lớn hơn tổng thu ngân sách tỉnh Quảng Trị năm 2012

 

Lê Văn Hiền
Chủ tịch UBND H.Vĩnh Linh (Quảng Trị)

 

 

Không phù hợp?

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình về tình hình thiệt hại do bão số 10 gây ra, có 13.797 ha cao su bị gãy đổ, giá trị thiệt hại gần 3.500 tỉ đồng (chiếm gần 1 nửa tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh). Trong đó, huyện Bố Trạch đứng đầu với 8.100 ha, Lệ Thủy 4.000 ha, Tuyên Hóa 1.028 ha, Quảng Trạch 500 ha, Quảng Ninh 153 ha, Minh Hóa 16 ha. Cách đây chưa lâu, một ngày sau khi cơn bão số 10 đổ bộ, gặp Chủ tịch UBND H.Vĩnh Linh (Quảng Trị) Lê Văn Hiền, ông thẫn thờ giữa vườn cao su gãy nát của người dân xã Vĩnh Trung mà chua xót: “Còn gì nữa đâu!”. Chỉ sau một buổi chiều, hơn 4.000 ha trong tổng số 6.000 ha cao su của toàn huyện bị ảnh hưởng nặng nề, có nhiều diện tích thiệt hại đến 70 – 80%. “Đa số diện tích cao su trồng từ năm 1998, tính giá “bèo” mỗi héc ta bây giờ có trị giá không dưới 300 triệu đồng. Nhân lên sẽ có con số thiệt hại kinh hoàng – 1.200 tỉ, lớn hơn tổng thu ngân sách tỉnh Quảng Trị năm 2012”, ông Hiền xót xa.

Cao su thiệt hại quá nặng nề làm không ít người đặt lại câu hỏi cũ: “Cây cao su vốn rất giòn, dễ gãy, không chịu nổi sức gió cấp 8, có phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt miền Trung, đặc biệt là Quảng Trị?”. Giới nghiên cứu từng nhận định rằng từ phía bắc vĩ tuyến 17, không nên trồng cây cao su, lại càng không nên trồng ở các vùng phía đông, gần biển. Trao đổi với báo chí về vấn đề phát triển cây cao su trên địa bàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tuân cho biết: không phải vùng đất nào cũng có thể trồng được cây cao su, đó phải là vùng kín gió, có vành đai xanh cản gió mới bảo đảm được an toàn trong mưa bão.

 

Trồng cao su tại miền Trung có phải là sai lầm?

Chiều qua 19.10, ông Lê Văn Đức, Trưởng phòng Cây công nghiệp (Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT), đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên xung quanh vấn đề này.

* Thưa ông, nhiều người cho rằng, chúng ta đã sai lầm khi quyết định trồng cây cao su ở miền Trung nơi có nhiều bão lũ, vốn là “kẻ thù số 1” của loại cây này?

 

 
 

“Cần ngồi lại bàn thảo kỹ lưỡng”

Sau bão số 10, có nhiều ý kiến xung quanh việc trồng cây cao su tại miền Trung. Chúng tôi đã cử các đoàn công tác vào các tỉnh, thành tiến hành điều tra, đánh giá và sẽ có một cuộc họp bàn với các địa phương về việc phát triển cây cao su tại khu vực này. Cao su là cây nhiệt đới, kém chịu gió nhưng thời gian qua, nhiều bà con miền Trung đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ loại cây này. Miền Trung nhiều bão lũ, kinh tế khó khăn, kế sinh nhai của người dân vì thế cũng khó khăn nên người dân và chính quyền các địa phương vẫn muốn phát triển cây này. Chúng ta cần phải ngồi lại với nhau bàn thảo kỹ lưỡng nhằm đưa ra những giải pháp đồng bộ về cách làm, về quy hoạch, về khoa học kỹ thuật… để chống lại thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất có thể.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh

 

 

 

 

 

– Đúng là khả năng chống chọi với gió lớn của cây cao su không cao, gió cấp 8 – 9 sẽ làm gãy cành, cấp 10 – 11 làm gãy thân và làm đổ cây, siêu bão thì thiệt hại sẽ không nhỏ. Cây cao su cũng dễ bị hại khi rét đậm, rét hại. Miền Trung như chúng ta đã biết, lâu nay vẫn luôn là nơi gánh chịu nhiều thiên tai khốc liệt: bão lớn, rét đậm, rét hại, gió Lào khô nóng trong khi địa hình lại dốc từ tây sang đông.

Cây cao su đã được trồng ở miền Trung từ năm 1960 (cách đây 53 năm) tại Công ty cao su Việt Trung tỉnh Quảng Trị. Thực tế đã cho thấy, ở đây có nhiều bão và không chỉ cây cao su mà còn rất nhiều loại cây trồng khác đều bị thiệt hại mỗi khi xảy ra thiên tai. Các địa phương và người dân trong vùng đã đưa cây cao su tham gia vào cơ cấu cây trồng của vùng do phát triển cao su có hiệu quả kinh tế hơn một số cây trồng khác.

* Nhưng vòng đời của cây cao su tương đối dài, từ lúc trồng đến khi cho thu hoạch mất tới 5 – 7 năm, đồng nghĩa với rủi ro trước thiên tai càng lớn. Điều này đã khiến nhiều người dân đầu tư tiền của, công sức trồng và chăm sóc cây cao su, bỗng chốc trở thành tay trắng, chỉ sau một cơn bão?

– Đúng là vòng đời của cây càng dài, rủi ro càng lớn. Nhưng chúng ta cũng nhìn nhận một thực tế là nhiều mô hình sản xuất cao su chỉ sau 3 – 4 năm cây cao su cho thu hoạch, với giá cả ổn định thì người trồng đã thu hồi đủ vốn.

Trong quy hoạch phát triển cao su tại miền Trung cũng đã cảnh báo rõ về nguy cơ rủi ro từ thiên tai, nhất là về bão lũ trong vùng, đồng thời đưa ra các biện pháp như lựa chọn những vùng khuất gió, xây dựng vành đai rừng chắn gió…, khuyến khích người dân chọn giống có khả năng chịu gió bão, áp dụng các biện pháp kỹ thuật như tạo tán cao su thấp… Nếu thực hiện đúng, sẽ giảm thiểu thiệt hại một phần diện tích cao su tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh trong cơn bão số 10 vừa qua. Tại các địa phương vừa nêu, diện tích cao su tiểu điền của người dân thường phân tán, việc dựng vành đai rừng chắn gió gồm 3 tầng (thấp, trung, cao) như khuyến cáo chuyên môn còn rất hạn chế. Các địa phương cần tuyên truyền, kêu gọi và hỗ trợ người trồng cao su thiết lập vành đai rừng chắn gió đủ “mạnh”.

* Xin cảm ơn ông!

Quang Duẩn (thực hiện)

 

T.Q.Nam – Sơn Hóa – Nguyễn Phúc