Lạc đà chui qua ‘lỗ kim’ đăng kiểm
Một chiếc ụ nổi có tuổi đời gần 50 năm được thanh lý với giá sắt vụn đã được phù phép thành một con tàu đủ điều kiện hoạt động hàng hải rồi nhập khẩu về VN. Những hành vi này có sự đồng lõa, đổi trắng thay đen của cơ quan đăng kiểm.
Một chiếc ụ nổi có tuổi đời gần 50 năm được thanh lý với giá sắt vụn đã được phù phép thành một con tàu đủ điều kiện hoạt động hàng hải rồi nhập khẩu về VN. Những hành vi này có sự đồng lõa, đổi trắng thay đen của cơ quan đăng kiểm.
|
Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, vào tháng 3.2008, Tổng công ty hàng hải VN (Vinalines) ký hợp đồng mua ụ nổi 83M (hạng mục trong nhà máy đóng tàu dùng để sửa chữa tàu thủy) với Công ty AP của Singapore và vận chuyển từ Nga về VN. Trên thực tế, ụ nổi 83M thuộc chủ sở hữu là Công ty Nakhodka của Nga, còn Công ty AP chỉ là công ty môi giới. Ụ nổi được chủ sở hữu bán với giá 2,3 triệu USD, tương đương 37 tỉ đồng vào năm 2008 nhưng khi mua qua AP thì con số này được đội lên thành 9 triệu USD.
Theo quy định của Chính phủ, việc mua bán tàu biển phải được Cục Đăng kiểm VN kiểm tra, xác nhận tàu biển có trạng thái kỹ thuật phù hợp với yêu cầu về hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Nên trước thời điểm ký hợp đồng mua ụ nổi, Vinalines xác định đây là tàu biển và thành lập một đoàn công tác do Trần Hữu Chiều (Phó tổng giám đốc Vinalines) và Lê Văn Dương (đăng kiểm viên thuộc Cục Đăng kiểm VN) đi khảo sát tình trạng kỹ thuật ụ nổi. Tại cuộc khảo sát ở Nga, đoàn khảo sát biết rõ tình trạng ụ nổi không hoạt động được và bị cơ quan đăng kiểm Nga ngừng phân cấp từ năm 2006, không có giấy chứng nhận an toàn về trang thiết bị hoạt động và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, biết rõ Công ty Nakhodka bán ụ nổi dưới giá 5 triệu USD. Đích thân đăng kiểm viên Lê Văn Dương đã lập biên bản ghi nhận tình trạng nói trên.
Tuy nhiên khi về VN, các lãnh đạo Vinalines đã gặp Dương đề nghị giúp hợp thức hóa để mua ụ nổi. Dương đồng ý lập lại biên bản kiểm tra giám định, trong đó phản ánh không đúng thực tế kỹ thuật ụ nổi 83M, không ghi rõ trạng thái xấu vào phần kết luận theo mẫu của Cục Đăng kiểm VN.
Cũng theo quy định của Chính phủ, tàu biển trong diện được nhập khẩu phải không quá 15 năm tính từ thời điểm năm sản xuất tới năm nhập khẩu. Ụ nổi 83M được sản xuất tại Nhật Bản từ năm 1965, đến thời điểm khảo sát là 43 năm, nhưng “con lạc đà” này vẫn nghiễm nhiên chui được qua lỗ kim đăng kiểm. Ngày 6.6.2008, ụ nổi 83M được đưa về VN qua cảng Vân Phong (Khánh Hòa) và tiếp tục chui qua “lỗ kim” của Chi cục Hải quan Vân Phong – Cục Hải quan Khánh Hòa. Cụ thể, sau khi tiếp nhận, kiểm tra sơ bộ và đăng ký hồ sơ nhập khẩu ụ nổi do Vinalines nộp, ông Nguyễn Văn Thọ, công chức bước 1 (Chi cục Hải quan Vân Phong) báo cáo đề xuất kiểm tra chi tiết hồ sơ và được ông Huỳnh Hữu Đức (Phó chi cục trưởng) duyệt và chuyển hồ sơ cho Lê Ngọc Triện là công chức bước 2 thực hiện kiểm tra chi tiết hồ sơ. Khi kiểm tra hồ sơ phát hiện ụ nổi 83M không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng Triện không báo cáo với lãnh đạo mà chỉ tính thuế rồi chuyển cho Lê Văn Lừng. Lừng tiến hành kiểm tra thực tế thấy ụ nổi đã cũ, han gỉ, hư hỏng nhiều, máy phát điện không hoạt động, không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng vẫn báo cáo đề nghị Huỳnh Hữu Đức cho thông quan.
Chỉ riêng thương vụ này đã làm thiệt hại cho nhà nước tới 370 tỉ đồng, giúp ê kíp của cựu Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng tham ô 1,6 triệu USD.
Trong số 10 bị can liên quan đến vụ án này, Cơ quan cảnh sát điều tra xác định các bị can Lê Văn Dương, Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng đã có hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Thái Uyên – Hoàng Trang