24/01/2025

Cần giám sát đặc biệt các tập đoàn, tổng công ty

Quốc hội bước vào kỳ họp thứ 6, bà Lê Thị Nga (ảnh) – phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội – một lần nữa bày tỏ sự trăn trở về cơ chế quản lý, giám sát các “ông lớn” trong nền kinh tế trước diễn biến mới nhất của vụ Vinalines.

Cần giám sát đặc biệt các tập đoàn, tổng công ty

Quốc hội bước vào kỳ họp thứ 6, bà Lê Thị Nga (ảnh) – phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội – một lần nữa bày tỏ sự trăn trở về cơ chế quản lý, giám sát các “ông lớn” trong nền kinh tế trước diễn biến mới nhất của vụ Vinalines. 

Bà Lê Thị Nga là đại biểu từng đăng đàn về vấn đề thể chế pháp lý đối với các tập đoàn, tổng công ty tại nhiều kỳ họp Quốc hội trước đây. Trả lời Tuổi Trẻ, bà Nga nói:

 

– Đối với vụ việc xảy ra ở Vinalines, qua những thông tin đã được công bố thì điều khó chấp nhận có lẽ không chỉ đối với riêng tôi là: Vì sao với cương vị là người đứng đầu một tổng công ty lớn như vậy, sinh hoạt trong nhiều tổ chức, chịu nhiều cấp quản lý giám sát chặt chẽ, thường xuyên mà Dương Chí Dũng lại có thể trục lợi tiền nhà nước với số lượng lớn một cách dễ dàng và có những sai phạm nghiêm trọng, kéo dài đến như vậy? Đây cũng là một câu hỏi lớn về trách nhiệm quản lý, giám sát tài sản của Nhà nước, của nhân dân tại doanh nghiệp nhà nước và “lỗ hổng” trong cơ chế giám sát, đánh giá thực chất về mức độ hoàn thành nhiệm vụ và đạo đức, phẩm chất lối sống cán bộ.

Trách nhiệm của Quốc hội

* Như vậy, từ vụ việc cụ thể đó, ở tầm chính sách vĩ mô của Quốc hội phải trả lời được câu hỏi lớn bà vừa nêu?

– Chúng ta ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua, nhưng từ thực tế đổ vỡ và sai phạm đã diễn ra ở một số tập đoàn, tổng công ty và mới đây nhất là những sai phạm của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) do Thanh tra Chính phủ công bố cho thấy cần nhanh chóng khắc phục hai loại nguyên nhân sau:

Thứ nhất là thiết lập lại kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, giám sát tập đoàn bằng cách phải chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm khi xảy ra sai phạm, không chỉ dừng ở người trực tiếp thực hiện là lãnh đạo doanh nghiệp như chúng ta đã làm vừa qua mà cả các cơ quan quản lý, trước hết là trách nhiệm của các bộ quản lý chuyên ngành, quản lý tài chính, kế hoạch đầu tư. Việc EVN có những sai phạm lớn như vậy, khó có thể chấp nhận là bộ quản lý chuyên ngành đứng ngoài cuộc, chí ít cũng phải xác định trách nhiệm một lãnh đạo bộ phụ trách trực tiếp. Nếu quyền của cán bộ quản lý không đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm trên thực tế thì dù chúng ta có nói “phát huy, đẩy mạnh, tăng cường, siết chặt” bao nhiêu chăng nữa cũng không thể bảo vệ và phát triển được khối tài sản lớn của Nhà nước và nhân dân tại doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai là khắc phục nguyên nhân về thể chế pháp lý. Thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực xây dựng các nghị định về quản lý doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, theo tôi, các tập đoàn và tổng công ty nắm giữ một nguồn lực rất lớn của Nhà nước, cần được điều chỉnh ở tầm luật định để đảm bảo cơ sở pháp lý và nhất là xác định trách nhiệm một cách đầy đủ, trong đó có cả trách nhiệm giám sát của Quốc hội.

Một trong những vấn đề lớn trong quản lý nhà nước đối với các tập đoàn hiện nay là khả năng kiểm soát độc quyền. Có những dấu hiệu của việc một số tập đoàn đã biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Khung pháp lý hiện hành, nhất là thực tế tổ chức thi hành Luật cạnh tranh, đã không kiểm soát được những biểu hiện độc quyền và lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của một số doanh nghiệp, ví dụ như việc tăng giá xăng dầu… và mới nhất là việc ba nhà mạng đồng loạt tăng cước 3G.

Đã đến lúc cần đặt các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước dưới sự giám sát đặc biệt của Quốc hội.

Trông chờ sửa đổi Luật đất đai

* Tại kỳ họp giữa nhiệm kỳ Quốc hội với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng lần này, ngoài vấn đề nêu trên, bà còn quan tâm đến những vấn đề nào khác?

– Cùng với sửa đổi Hiến pháp, tôi quan tâm nhất đến dự án Luật đất đai 2003 sửa đổi. Qua tiếp xúc cử tri nhiều kỳ, người dân chờ đợi, đòi hỏi việc sửa đổi luật lần này phải giải quyết được cơ bản những vấn đề bức xúc về đất đai trong thực tiễn. Đó là: chưa đảm bảo cân đối lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân có đất bị thu hồi, trong nhiều trường hợp lợi ích nghiêng hẳn về phía nhà đầu tư; tình hình khiếu kiện về đất đai vẫn diễn biến nghiêm trọng và phổ biến, kéo theo nhiều vấn đề xã hội; Nhà nước thu hồi, giải tỏa mặt bằng hết sức khó khăn; tình trạng đầu cơ về đất đai và bất động sản gắn liền với đất có những thời điểm rất nghiêm trọng, đẩy giá đất lên cao, đặc biệt ở đô thị; một bộ phận cán bộ, đảng viên lợi dụng chức quyền để trục lợi, tham nhũng…

Cùng với việc phát huy nguồn lực của đất đai cho phát triển kinh tế, nếu chúng ta giải quyết không tốt vấn đề thu hồi đất và giá đất thì những vấn đề xã hội liên quan sẽ vẫn còn tiếp tục phát sinh và ngày càng phức tạp. Cử tri đề nghị Quốc hội sửa Luật đất đai lần này phải đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế đi đôi với ổn định xã hội như chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra. Có thể nói đây chính là những mệnh lệnh từ cuộc sống, từ cử tri.

* Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về việc có áp dụng cơ chế thu hồi đất vì “lý do kinh tế – xã hội” hay không? Quan điểm của bà thế nào?

– Cái này còn tùy thuộc cả vào việc thông qua Hiến pháp. Nếu Hiến pháp quyết định có thu hồi đất để phát triển kinh tế thì theo tôi, Luật đất đai cần quy định rất chặt chẽ lý do thu hồi đất để phát triển kinh tế. Theo đó, chỉ nên quy định thu hồi “để phát triển kinh tế đối với những dự án đầu tư công, không vì mục đích lợi nhuận” và quy định cụ thể thu hồi trong trường hợp nào, ai có thẩm quyền quyết định, nghiêm cấm việc thu hồi ngoài những trường hợp luật định.

Nếu chỉ ghi chung chung “vì lý do phát triển kinh tế – xã hội” là quá rộng, không nên gắn từ “xã hội” vào sau từ “kinh tế” dẫn đến khi triển khai dễ bị lạm dụng lấy ý nghĩa xã hội của dự án để bao biện mục đích kinh doanh nhằm lọt vào diện được Nhà nước thu hồi đất. Những dự án có mục đích xã hội đơn thuần nên đưa vào diện thu hồi vì lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia. Cần hạn chế hết sức việc thu hồi đất để phát triển kinh tế vì mục đích kinh doanh của nhà đầu tư, những dự án này phải chuyển sang cơ chế thỏa thuận. Đương nhiên cơ chế thỏa thuận cũng phải có sự đổi mới so với hiện hành để tạo thuận lợi thu hút đầu tư.

VÕ VĂN THÀNH