10/01/2025

Làng tương Bần giữ nghề để giữ khách

Tương Bần là một trong những đặc sản của đất Hưng Yên, đã có hàng trăm năm tuổi đời. Để cạnh tranh trên thị trường, người làng Bần vẫn nói với nhau rằng: Chỉ có giữ nguyên nghề thì mới giữ được khách.

 

Làng tương Bần giữ nghề để giữ khách

Tương Bần là một trong những đặc sản của đất Hưng Yên, đã có hàng trăm năm tuổi đời. Để cạnh tranh trên thị trường, người làng Bần vẫn nói với nhau rằng: Chỉ có giữ nguyên nghề thì mới giữ được khách.

Nhiều đời nay, mỗi gia đình làm tương nơi đây vẫn sao y nguyên bản cách thức làm tương cổ truyền. Chính những giá trị đó đã làm nên thương hiệu tương Bần trong ẩm thực Việt Nam.

Một cơ sở sản xuất tương Bần.

6 đời làm tương

Hàng trăm năm nay, người dân làng Bần (huyện Mỹ Hào) vẫn làm tương như một nghề tay trái, tranh thủ lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập. Từ khi đất nông nghiệp phải nhường cho các khu công nghiệp phát triển, Quốc lộ 5 mở rộng, làng Bần lên phố và thị trấn Bần nằm ngay sát quốc lộ là điều kiện thuận lợi cho việc giao thương. Nhiều gia đình chuyển từ làm nông nghiệp sang kinh doanh; một số gia đình mở rộng nghề làm tương truyền thống.

Trong số 20 gia đình hội viên Hiệp hội Tương Bần tỉnh Hưng Yên, chỉ có 5-6 nhà làm tương với quy mô lớn. Chúng tôi đến cơ sở sản xuất tương Hường – Đạt của chị Nguyễn Thị Hường, một trong những gia đình còn giữ nguyên bản nghề làm tương cổ truyền. Gia đình chị là đời thứ 6 giữ nghề này. Theo chị Hường, để có được những mẻ tương ngon, mỗi gia đình có một bí quyết riêng, quyết định chất lượng và thương hiệu tương nhà mình.

Dù tương Bần chỉ bán chạy từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, nhưng các hộ làm tương ở thị trấn Bần quanh năm không hết việc. Mỗi xưởng như gia đình anh Đạt, anh Sơn, anh Thắng, chị Minh ngày bình thường cần 2- 3 thợ phụ. Khi vào vụ, cao điểm, như gia đình chị Hường phải thuê gần chục nhân công với thu nhập từ 3 – 4 triệu đồng/người/tháng.

Tương Bần không chỉ bán ở thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… mà đã có mặt ở các nước Nga, Hàn Quốc… Anh Sơn – chủ cơ sở sản xuất Sơn Triệu chia sẻ: “Sau khi đưa ra chum 4-5 tháng, khuấy lên thấy tương sánh, hạt đậu với cơm mốc nát nhừ, tương có màu vàng sánh như mật ong là có thể bán. Tương càng ngâm lâu và phơi ngoài nắng càng ngon”. Theo anh Sơn, mỗi ngày một cơ sở sản xuất lớn cho ra lò từ 10-15 chum (dung tích 1.000 lít/chum), mỗi năm thu lãi từ 300- 500 triệu đồng.

Cùng nhau giữ nghề

Thương hiệu tương Bần đã được Nhà nước bảo hộ và đứng vững trong lòng người tiêu dùng thì ngoài chất lượng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được các hộ gia đình và chính quyền địa phương quan tâm. 20 hộ thành viên Hiệp hội Tương Hưng Yên cam kết tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chị Nguyễn Thị Hường tiết lộ: “Nguyên liệu làm tương phải là đỗ tương loại 1, không có hạt mốc. Gạo nếp cái mua ở Thái Bình, Nam Định… Đỗ tương phải ngâm 1 tuần; mốc phải ủ đúng độ. Nếu bước này không cẩn thận thì cả mẻ tương mấy nghìn lít coi như mất trắng.

Chị Hường tâm sự: “Ngoài cái tâm với nghề của ông cha để lại thì cái tâm với người mua luôn được đặt lên hàng đầu. Hàng tháng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm huyện Mỹ Hào vẫn đều đặn xuống các cơ sở kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Hàng năm, tỉnh Hưng Yên mở lớp tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm cho chủ cơ sở. Các gia đình sinh hoạt trong hội trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau cùng giữ nghề”.

Ngày ngày, việc giữ nghề và truyền nghề vẫn âm thầm trong mỗi gia đình làm tương. Đó là niềm tự hào của người dân làng Bần. “Tre già măng mọc, thế hệ trẻ hôm nay sẽ giữ và tiếp tục truyền lại cho tương lai như bao đời nay người dân làng Bần vẫn làm như giữ gìn của gia bảo thiêng liêng”- anh Sơn tâm sự.