10/01/2025

Nobel Hòa bình cho nỗ lực giải trừ vũ khí hóa học

Ủy ban Nobel Na Uy đã có một quyết định rất thời sự khi trao giải Nobel Hòa bình 2013 cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW).

 

Nobel Hòa bình cho nỗ lực giải trừ vũ khí hóa học

Ủy ban Nobel Na Uy đã có một quyết định rất thời sự khi trao giải Nobel Hòa bình 2013 cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW).


Thanh sát viên OPCW điều tra vũ khí hóa học ở Syria - Ảnh: AFP 

Theo thông cáo đăng trên website Nobelprize.org ngày 11.10, Ủy ban Nobel Na Uy cho biết từ khi được thành lập năm 1997, OPCW đã nỗ lực thực hiện Hiệp ước Cấm sử dụng, sản xuất, tồn trữ vũ khí hóa học được ký vào năm 1993 thông qua nhiều hoạt động điều tra, kiểm soát phá hủy loại vũ khí hủy diệt này. Thông cáo viết: “Bằng cách trao giải cho OPCW, ủy ban muốn đóng góp vào công cuộc giải trừ vũ khí hóa học”.

Sau khi giải thưởng được công bố, Tổng giám đốc OPCW Ahmet Uzumcu nói ông hy vọng thành quả này sẽ thúc đẩy các quốc gia cấm dùng vũ khí hóa học cũng như nâng cao hiệu quả của hiệp ước, theo AFP. Giám đốc Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (Thụy Điển) Tilman Brueck và nhiều lãnh đạo các quốc gia cho rằng OPCW xứng đáng được tôn vinh và quyết định của Ủy ban Nobel sẽ góp phần tăng thêm áp lực cho các nước chưa tham gia OPCW.

Tính đến nay, OPCW gồm 189 thành viên, trong đó có Việt Nam. AP dẫn lời giới quan sát cho biết ngoài việc khuyến khích các nước chưa ký hiệp ước về vũ khí hóa học gia nhập OPCW, việc nhận giải Nobel Hòa bình sẽ giúp tổ chức này có thêm uy tín và nguồn lực cũng như tìm kiếm nguồn tài chính để thực hiện sứ mệnh giải trừ vũ khí hóa học. OPCW hiện có khoảng 500 nhân viên và ngân sách hằng năm khoảng 100 triệu USD. Kể từ khi thành lập, tổ chức đã phá hủy 57.000 tấn vũ khí hóa học, phần lớn từ thời Chiến tranh lạnh. 

Tuy lâu nay ít được dư luận chú ý nhưng OPCW hiện là một trong những tâm điểm thời sự của toàn cầu với sứ mệnh giải trừ kho vũ khí hóa học ở Syria theo nghị quyết của HĐBA LHQ được thông qua mới đây. Theo nghị quyết, các chuyên gia OPCW sẽ phá hủy hết kho vũ khí hóa học của Syria vào giữa năm 2014. Nghị quyết được đưa ra sau khi Mỹ và Nga nhất trí về cách xử lý vũ khí hóa học của Syria nhằm ngăn chặn tái diễn cuộc tấn công bằng khí độc sarin ở ngoại ô Damascus ngày 21.8, khiến hơn 1.400 người chết cũng như tạm thời chấm dứt khả năng phương Tây tấn công Syria.

Theo AFP, ngay sau khi nhận tin vui, nhóm thanh sát viên thứ hai của OPCW tại Syria đã tiến hành công tác kiểm tra, thống kê vũ khí hóa học, còn nhóm đầu tiên có mặt ở nước này từ tuần rồi. OPCW dự kiến sẽ điều tra 20 điểm chứa vũ khí hóa học ở Syria trong vài tuần tới, bao gồm cả những kho nằm ở các nơi xảy ra giao tranh khốc liệt giữa quân chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập. Syria được cho là cất giấu khoảng 1.000 tấn vũ khí hóa học bị cấm, trong đó có sarin, tại 45 địa điểm.

Đây là lần thứ 2 liên tiếp giải Nobel Hòa bình được trao cho một tổ chức. Giải năm ngoái về tay EU vì những đóng góp cho hòa bình, hòa giải, dân chủ và nhân quyền ở châu Âu. Tuy có một quyết định sát sườn với tình hình thế giới nhưng Ủy ban Nobel Na Uy cũng đã gây ít nhiều ngạc nhiên cho dư luận và giới quan sát vì năm nay có nhiều gương mặt cá nhân nổi bật trong danh sách đề cử Nobel Hòa bình.

Trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, nữ sinh người Pakistan Malala Yousafzai và bác sĩ Denis Mukwege ở CHDC Congo. Ông Putin được ca ngợi nhờ những nỗ lực mang lại hòa bình cho Syria còn bác sĩ Mukwege đã thành lập tổ chức giúp đỡ hàng ngàn phụ nữ bị các tay súng và binh sĩ cưỡng hiếp ở CHDC Congo. Ông Mukwege cũng từng là mục tiêu ám sát và phải sống lưu vong ở châu Âu. Trong khi đó, Malala, 16 tuổi, là gương mặt trẻ nổi bật nhất hiện nay khi dũng cảm kêu gọi bảo vệ quyền lợi nữ sinh trên khắp thế giới, bất chấp bị Taliban bắn trọng thương hồi năm 2012.

OPCW sẽ nhận giải thưởng trị giá 1,25 triệu USD tại thủ đô Oslo của Na Uy vào ngày 10.12, ngày mất của nhà sáng lập giải Alfred Nobel.

Văn Khoa