20/11/2024

Chạy đua đón đầu TPP

Việc thuế nhập khẩu giảm xuống 0% khi VN tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tạo ra một cuộc chạy đua quyết liệt giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để tận dụng cơ hội này.

 

Chạy đua đón đầu TPP

Việc thuế nhập khẩu giảm xuống 0% khi VN tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tạo ra một cuộc chạy đua quyết liệt giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để tận dụng cơ hội này.

 

Chạy đua đón đầu TPP
Các DN may vẫn đang loay hoay tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để đón đầu cơ hội từ TPP – Ảnh: D.Đ.M

 

Đổ xô xây nhà máy tại VN

Khi TPP được ký kết, thuế nhập khẩu (NK) các sản phẩm dệt may vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là Mỹ (thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của VN) sẽ giảm từ 17 – 32% hiện nay xuống 0%. Rất nhanh, hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài đã đổ xô mở nhà máy tại VN để tận dụng mức thuế hấp dẫn này.

Tập đoàn Texhong (Hồng Kông) đã khánh thành nhà máy dệt nhuộm tại Quảng Ninh có vốn đầu tư 300 triệu USD. Từ năm 2006, Texhong cũng đã xây dựng một nhà máy dệt tại KCN Nhơn Trạch (Đồng Nai) với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD. Công ty Unisoll Vina, thuộc Hansoll Textile Ltd, Hàn Quốc cũng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất hàng may mặc và các sản phẩm từ da, lông thú với công suất 90 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 50 triệu USD.

 

 
 

Nếu không thay đổi ngay từ bây giờ, các sản phẩm dệt may của VN cũng không thể hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu vào các nước Mỹ, Canada như thỏa thuận. Vì vậy, nhà nước phải cấp bách có những chính sách phù hợp như hỗ trợ lãi suất các dự án đầu tư sợi, dệt và nhuộm cho ngành may hay thuộc da cho ngành da giày. Đồng thời quy hoạch cụ thể về các cụm, KCN riêng cho các dự án dệt nhuộm

 

Ông Phạm Xuân Hồng - Phó chủ tịch Vitas

 

 

Nhiều thông tin cho thấy TAL – tập đoàn chuyên về dệt may của Hồng Kông – cũng đang chuẩn bị mở rộng đầu tư tại VN bằng dự án sản xuất sợi, dệt, nhuộm và may mặc với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 200 triệu USD…

Trong cuộc họp với các doanh nghiệp (DN) dệt may mới đây, ông Uông Tiến Thịnh, Giám đốc điều hành Tập đoàn dệt may VN (Vinatex), cho biết các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tăng tốc mở rộng hoạt động ra các tỉnh thành trên cả nước, không chỉ trong lĩnh vực may mặc mà cả sợi, dệt, nhuộm. Một số DN Trung Quốc cũng đang tìm hiểu và có sự chuyển dịch đầu tư sản xuất sang VN để tranh thủ cơ hội TPP.

Còn theo Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM, các tập đoàn như Toray International và Mitsui (Nhật Bản), Lenzing (Áo), Sunrise (Trung Quốc)… cũng đến VN để tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhằm tận dụng điều kiện xuất xứ khi TPP có hiệu lực.

DN trong nước yếu thế

Để được hưởng mức thuế suất ưu đãi, các DN dệt may phải đáp ứng được điều kiện sản phẩm có xuất xứ “từ sợi trở đi” trong khu vực TPP. Đây là điểm yếu lâu nay của DN trong nước. Vì vậy, nhiều DN phải tìm mọi cách khắc phục.

Chọn cách liên kết với đối tác nước ngoài là Tập đoàn Sotoh – nhà sản xuất vải len hàng đầu của Nhật Bản, Tổng công ty 28 (Agtex 28) đang xây dựng nhà máy sản xuất vải len chuyên dụng may veston tại Gò Vấp (TP.HCM) với công suất 450.000 mét/tháng. Phía Agtex 28 đầu tư hạ tầng với trị giá 2,5 triệu USD, còn Sotoh sẽ đầu tư toàn bộ trang thiết bị trị giá 5 triệu USD. Dự kiến nhà máy đi vào hoạt động từ giữa năm 2014. Ban đầu, nhà máy sản xuất veston xuất khẩu công suất 35.000 bộ/tháng của Agtex 28 sẽ bao tiêu 1/3 số vải len của liên doanh, dần dần tiến đến bao tiêu toàn bộ. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Agtex 28, phân tích: “Những loại vải cao cấp như vải len dùng để may veston thì VN không sản xuất được do thiếu công nghệ, thiếu máy móc hiện đại. Vì vậy, rất khó để Agtex 28 gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào các nước thành viên TPP như Mỹ, Canada… Trong khi đối tác đến từ Nhật Bản cũng muốn gia tăng cơ hội cho mình vì chi phí xây dựng và sản xuất nguyên liệu tại VN rẻ hơn nhiều so với xây nhà máy tại Nhật. Chọn cách liên doanh là nhất cử lưỡng tiện cho cả đôi bên”. Ông Hùng tính toán, chỉ tính riêng nhà máy sản xuất veston mỗi tháng Agtex 28 sẽ không phải lo tìm kiếm 2 – 2,2 triệu USD để nhập khẩu 150.000 mét vải.

Vinatex cũng đang đẩy nhanh các dự án sản xuất sợi, dệt trên cả nước đi vào hoạt động trước khi TPP có hiệu lực, nhằm gia tăng tỷ trọng nội địa hóa, đáp ứng điều kiện của TPP. Một số dự án lớn đã đưa vào hoạt động như Nhà máy sợi Vinatex – Hồng Lĩnh, dự án Sợi Phú Bài 2, dự án Nhà máy sợi Đồng Văn… và đang tiếp tục triển khai hoạt động đầu tư sản xuất vải yarndyed với quy mô 6 triệu mét/năm hay dự án Nhà máy wash Tam Quan có quy mô 4,5 triệu sản phẩm/năm của Tổng công ty Phong Phú…

 

 
 

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), trong hơn 3.700 DN dệt may cả nước, số DN may chiếm đến 70%, dệt được 17%, kéo sợi 6%, nhuộm 4%, phụ trợ 3%.

 

 

 

Tuy vậy, nhìn tổng thể các dự án đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu của DN VN vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay và lợi thế đang nghiêng về các DN FDI. Bởi để đầu tư một nhà máy sợi, dệt, nhuộm tối thiểu cũng phải vài trăm tỉ đồng, điều này nằm ngoài khả năng của hầu hết DN trong nước. Điển hình như Công ty dệt may Gia Định, dù đã lên kế hoạch xây dựng dự án Nhà máy sợi tại KCN Tân Tạo (TP.HCM) với tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỉ đồng, nhưng vốn tiền mặt thì thiếu mà tài sản thế chấp để vay ngân hàng không có, khiến công ty như ngồi trên đống lửa nhìn cuộc chạy đua đầu tư ngày càng quyết liệt. Đó là chưa kể yêu cầu về thiết bị, công nghệ sản xuất phụ liệu hoàn toàn khác biệt với yêu cầu đơn giản của ngành may.

Cơ hội dễ vuột mất

Nhìn “tương quan” cuộc chạy đua đầu tư đón đầu cơ hội từ TPP, có thể thấy, các DN FDI đang chiếm ưu thế so với DN nước ngoài. Đó là lý do rất nhiều ý kiến lo ngại DN vừa và nhỏ nội địa khó tận dụng được cơ hội từ TPP, thậm chí không khéo lại phải làm thuê trên chính sân nhà.

“Sản xuất các loại vải cao cấp thì phải đầu tư lớn. Còn nếu sản xuất hàng trung bình thì không cạnh tranh nổi với vải Trung Quốc. Vì vậy chỉ có vốn nhà nước mới có thể đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm”, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Agtex 28, nói.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Vitas, cũng cho rằng ngoài vốn lớn, đầu tư vào nguyên liệu như dệt nhuộm có yêu cầu rất cao về công nghệ, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường khắt khe. Mà nếu không có nhuộm thì không có vải hoàn tất cho ngành may. Nghịch lý là có nhiều DN muốn đầu tư nhuộm nhưng đi đến đâu cũng bị từ chối khéo vì sợ bị ô nhiễm môi trường. “Nếu không thay đổi ngay từ bây giờ, các sản phẩm dệt may của VN cũng không thể hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu vào các nước Mỹ, Canada như thỏa thuận. Vì vậy, nhà nước phải cấp bách có những chính sách phù hợp như hỗ trợ lãi suất các dự án đầu tư sợi, dệt và nhuộm cho ngành may hay thuộc da cho ngành da giày. Đồng thời quy hoạch cụ thể về các cụm, KCN riêng cho các dự án dệt nhuộm”, ông  Hồng nói.

Mai Phương