23/01/2025

Mỹ càn quét khủng bố châu Phi

Quân đội Mỹ bất ngờ mở chiến dịch tấn công rầm rộ nhắm vào các nhóm khủng bố ở hai nước châu Phi là Somalia và Libya.

 

Mỹ càn quét khủng bố châu Phi

Quân đội Mỹ bất ngờ mở chiến dịch tấn công rầm rộ nhắm vào các nhóm khủng bố ở hai nước châu Phi là Somalia và Libya.

Các biệt kích SEAL của hải quân Mỹ - d
Các biệt kích SEAL của hải quân Mỹ – Ảnh: Navyseals.com 

Ngày 5.10, Lực lượng đặc nhiệm hải quân Mỹ (SEAL) đã mở cuộc đột kích vào một căn cứ của tổ chức Hồi giáo cực đoan al-Shabaab tại thị trấn Baraawe ở Somalia. Cùng lúc đó, tại Libya, quân đội Mỹ phối hợp với các đặc vụ FBI và CIA đã tóm gọn một thủ lĩnh al-Qaeda khét tiếng bị truy nã suốt 15 năm qua.

Tấn công chớp nhoáng ở Somalia

Sau khi đổ bộ vào Baraawe từ Ấn Độ Dương, SEAL bắt đầu tấn công căn cứ trên với sự yểm trợ của trực thăng. Một số nhân chứng cho biết đã nghe thấy tiếng súng đạn trong hơn một giờ từ rạng sáng 5.10, theo AFP. Sau đó, khu vực xảy ra đụng độ đã bị các tay súng al-Shabaab phong tỏa. Baraawe là một thị trấn nhỏ ven biển ở phía nam thủ đô Moghadishu nhưng nổi tiếng là nơi tập trung nhiều phiến quân của al-Shabaab.

Tờ The New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết mục tiêu của đợt tấn công chớp nhoáng là bắt giữ một chỉ huy “đang bị truy tìm gắt gao” của al-Shabaab. Nhiều khả năng người này đã bị tiêu diệt. Khu nhà bị biệt kích Mỹ tấn công còn được cho là nơi trú ngụ của 12 phiến quân đang được huấn luyện đặc biệt. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức vì lực lượng đặc nhiệm phải nhanh chóng rút quân để tránh gây thiệt hại cho dân thường và không kịp kiểm tra số lượng thương vong của nhóm al-Shabaab. Không biệt kích nào của SEAL bị thương. Trong khi đó, phát ngôn viên tổ chức al-Shabaab tại Baraawe tuyên bố vụ tấn công làm một tay súng thiệt mạng, nhưng viện binh nhanh chóng có mặt để đẩy lùi “kẻ thù ngoại quốc”.

Cuộc đột kích ngày 5.10 được xem là đợt tấn công lớn nhất của Mỹ tại Somalia từ 4 năm qua và đã được lên kế hoạch từ hơn 1 tuần trước đó. Đây là hành động đáp trả vụ bắt cóc con tin đẫm máu của al-Shabaab làm 67 người thiệt mạng tại Trung tâm thương mại Westgate ở thủ đô Nairobi (Kenya) ngày 21.9. Theo tờ Le Monde, tổ chức này được thành lập năm 2006 tại Somalia, tiền thân là nhánh cực đoan của tổ chức Liên minh các tòa án Hồi giáo. Từ năm 2008, al-Shabaab từng kiểm soát 2/3 Somalia trước khi bị lực lượng quân sự các nước Tây Phi đẩy lui khỏi thủ đô Mogadishu vào năm 2011. Tuy đã giảm tầm ảnh hưởng một cách đáng kể so với giai đoạn 2008 – 2011 nhưng tổ chức này vẫn bị xem là một mối đe dọa lớn đối với an ninh của khu vực. Đặc biệt, năm 2009, thủ lĩnh al-Shabaab Mohammed Abdi Godane công khai khẳng định quan hệ với al-Qaeda. Hiện al-Shabaab có khoảng 5.000 tay súng và vẫn kiểm soát nhiều vùng nông thôn rộng lớn ở Somalia.

Kết thúc cuộc săn lùng 15 năm

Cùng ngày, quân đội Mỹ mở chiến dịch tại Libya để bắt giữ thủ lĩnh al-Qaeda ở nước này là Abu Anas al-Libi. Đây là nghi can tổ chức vụ tấn công kép năm 1998 nhằm vào 2 đại sứ quán của Mỹ tại Tanzania và Kenya làm 224 người thiệt mạng. Washington ra giá 5 triệu USD cho người cung cấp thông tin giúp bắt giữ Anas al-Libi, theo Reuters. Sau 15 năm truy tìm, ngày 5.10, phát ngôn viên Lầu Năm Góc George Little thông báo Anas al-Libi đã bị quân đội Mỹ bắt giữ và hiện bị giam tại “một địa điểm an toàn bên ngoài Libya”. Trước đó, người thân của nghi can cho biết ông này “bị một nhóm vũ trang bắt giữ gần nhà”.

Abu Anas al-Libi, 49 tuổi, tên thật là Nazih Abdul Hamed al-Raghie, gia nhập al-Qaeda từ thập niên 1990. Ông này từng có thời gian tị nạn chính trị tại Anh do chống đối nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Sau vụ tấn công kép năm 1998, cảnh sát Anh đã khám xét nơi ở của Anas al-Libi và phát hiện nhiều tài liệu bằng tiếng Ả Rập về hoạt động Hồi giáo cực đoan, bao gồm “hướng dẫn” cài bom vào xe hơi, các biện pháp tra tấn…

Sau khi ông Gaddafi bị lật đổ, chính quyền mới của Libya gặp rất nhiều khó khăn trong việc thiết lập an ninh nên nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan đã quay lại nước này. Đài CNN hồi tháng 9.2012 đưa tin Anas al-Libi bị phát hiện tại thủ đô Tripoli. Trong khi đó, một nguồn tin tình báo cho biết ông này đã trở lại Libya vào thời điểm bùng nổ phong trào chống chính phủ vào năm 2011.

The New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ khẳng định chiến dịch bắt giữ Anas al-Libi được chuẩn bị từ nhiều tuần trước đó. Hiện vẫn chưa biết nghi can này sẽ bị dẫn độ đến nơi nào sau khi bị thẩm vấn trong nhiều tuần liền. Theo The New York Times, Anas al-Libi không bị tình nghi liên quan đến cuộc tấn công Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi cách đây hơn 1 năm dù có mặt tại Libya vào thời điểm đó. Ngoài cuộc tấn công kép năm 1998, các nhà điều tra muốn thẩm vấn Anas al-Libi để thu thập thông tin về quan hệ giữa al-Qaeda với các tổ chức Hồi giáo vũ trang ở nước này.

 

Bê bối hối lộ ở Hạm đội 7 Mỹ

 

Giới chức Mỹ vừa thông báo 2 sĩ quan hải quân nước này đang bị điều tra trong vụ bê bối hối lộ liên quan đến gái mại dâm, theo AFP.

Cụ thể, ông Daniel Dusek, sĩ quan chỉ huy tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard, đóng tại cảng Sasebo của Nhật, vừa bị cách chức để điều tra.

Theo cáo buộc, ông Dusek được Công ty Glenn Defense Marine Asia (GDMA) ở Singapore hối lộ tiền mặt, gái mại dâm và những chuyến du lịch sang trọng để đổi lại nhiều hợp đồng cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các tàu hải quân Mỹ. Bị điều tra về vụ này còn có ông Michael Misiewicz, từng chỉ huy một tàu khu trục và là sĩ quan tác chiến thuộc Hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Ông Misiewicz bị nghi đã ra lệnh tàu bè cập những cảng mà GDMA phụ trách cung cấp nhiên liệu, thực phẩm, nước và một số dịch vụ khác. Theo AFP, viên sĩ quan này đã được GDMA “lại quả” bằng gái mại dâm và những chuyến du hí miễn phí… Ông Misiewicz cùng Giám đốc điều hành GDMA Leonard Francis đã bị khởi tố các tội danh liên quan đến hối lộ.

Minh Trung

 

Lan Chi