10/01/2025

Khi giáo viên phải làm tới 24 loại sổ sách

Năm học mới, rất nhiều giáo viên ở các tỉnh ĐBSCL lại than phiền về việc phải làm một đống sổ sách, đến mức không còn thời gian đầu tư nghiên cứu chuyên môn. Điều đáng nói là trong đó nhiều loại sổ có nội dung trùng nhau.

 

Khi giáo viên phải làm tới 24 loại sổ sách

Năm học mới, rất nhiều giáo viên ở các tỉnh ĐBSCL lại than phiền về việc phải làm một đống sổ sách, đến mức không còn thời gian đầu tư nghiên cứu chuyên môn. Điều đáng nói là trong đó nhiều loại sổ có nội dung trùng nhau. Thậm chí có nhiều giáo viên còn phải làm riêng một cuốn có tên gọi là “sổ của các loại… sổ”.

 
 
 

 

 

Cô N.M.P. – giáo viên Trường THPT Tứ Kiệt, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) – cho biết chỉ tính riêng công tác chuyên môn cô có tổng cộng 14 loại sổ sách phải hoàn thành gồm: giáo án lớp 10, giáo án lớp 11, giáo án hướng nghiệp, giáo án hoạt động ngoài giờ lên lớp, kế hoạch cá nhân, sổ báo giảng, sổ tự nghiên cứu, sổ điểm, sổ dự giờ, sổ lưu đề kiểm tra, sổ học nghị quyết, sổ họp chuyên môn, sổ họp hội đồng sư phạm, sổ học tập bồi dưỡng chuyên đề. Đó là chưa tính công tác chủ nhiệm có hàng loạt các loại hồ sơ, sổ sách phải làm. “Còn một loại sổ nữa là sổ ghi các loại sổ. Bây giờ muốn liệt kê hết các loại sổ này phải lật quyển sổ của các loại sổ ra xem chứ không ai nhớ hết được. Nếu không có đủ các loại sổ này, khi thanh tra đột xuất sẽ bị trừ điểm thi đua” – cô P. chia sẻ.

Còn theo cô N.N.T. – một giáo viên ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, ngoài các loại sổ sách về chuyên môn thì công tác chủ nhiệm cũng có hàng chục loại sổ sách liệt vào hàng “khủng” phải mất nhiều thời gian để làm. Tổng cộng có 10 loại sổ sách, hồ sơ học sinh gồm: kế hoạch chủ nhiệm, kế hoạch phối hợp với phụ huynh học sinh, kế hoạch theo dõi học sinh cá biệt, sổ chủ nhiệm, sổ điểm lớn, sổ theo dõi học sinh, sổ lưu hồ sơ, sổ kê khai đóng học phí, sổ điểm cá nhân, học bạ.

Nếu cộng luôn với các sổ thuộc công tác chuyên môn thì số lượng sổ sách lên đến con số 24. “Đi dạy về là cứ mở sổ ra ghi ghi chép chép nhức cả đầu. Cực nhất là mỗi lần có thanh tra của Sở GD-ĐT đến, hầu hết giáo viên phải thức trắng vài đêm hoàn thành tất cả sổ sách này rồi khệ nệ khiêng vào trường. Tuy nhiên, thực chất của giáo dục là quản lý con người chứ đâu phải quản lý sổ sách” – cô T. chia sẻ. Riêng giáo viên phụ trách thanh niên cũng có hơn 17 loại sổ sách khác nhau.

Trong các loại sổ thì làm sổ điểm lớn là giáo viên sợ nhất. Sổ này bao gồm sơ yếu lý lịch của tất cả học sinh. Từ trang 2 đến trang 10 là phần điểm danh của chín tháng trong năm. Mỗi trang tương ứng với số ngày trong tháng và phải chép lại danh sách lớp. Các trang còn lại là điểm bộ môn (13 môn), điểm học kỳ I, học kỳ II và cả năm. Chỉ tính riêng danh sách lớp phải sao chép tổng cộng 25 lần và phải viết tay, không được phép đánh máy. Đây là loại sổ chuẩn do Bộ GD-ĐT ban hành. Không riêng gì giáo viên bậc trung học phổ thông, các bậc trung học cơ sở và tiểu học giáo viên cũng phải gồng gánh rất nhiều loại sổ như thế.

Nếu bỏ qua các loại giáo án, sổ điểm, sổ dự giờ (là những loại hồ sơ bắt buộc giáo viên đứng lớp phải có) thì những loại sổ khác chỉ mang tính chất đối phó. Cùng một nội dung là kế hoạch giảng dạy (tuần đó dạy tiết nào, nội dung gì, lớp nào) nhưng phải ghi vào hai loại sổ là sổ kế hoạch cá nhân và sổ báo giảng. Sổ theo dõi học sinh lại có phần trùng lắp với kế hoạch theo dõi học sinh cá biệt, kế hoạch phụ đạo học sinh yếu kém. Trong khi đó cả ba loại sổ sách này lại nằm trong kế hoạch cá nhân của giáo viên. Trong sổ điểm lớn, phần theo dõi học sinh vắng thay vì phải sao chép chín lần danh sách lớp và phân chia số ngày trong tháng thành các cột, tương ứng với các thứ trong tuần thì chỉ cần quản lý theo kiểu học sinh này nghỉ bao nhiêu ngày trên tháng, đó là những ngày nào.

Cũng không thể phủ nhận việc ghi chép đầy đủ hoạt động trong giảng dạy là điều cần thiết. Vấn đề đặt ra là nếu giáo viên phải hoàn thành nhiều loại sổ sách thế này thì thời gian đâu để nghiên cứu chuyên môn và có những hoạt động thực tế giúp học sinh hiểu sâu bài. “Bây giờ phụ huynh, xã hội cứ phàn nàn giáo viên chỉ dạy mà không dỗ, nhưng việc có thời gian dạy và nghiên cứu chuyên môn là đã quý lắm rồi trong thời buổi hành chính hóa bộ máy giáo dục như thế này” – cô P. tâm sự.

NGỌC TÀI