19/11/2024

Trục lợi người lao động trẻ

Trong vai lao động ngoại tỉnh tìm việc giữa Sài Gòn, người viết chứng kiến nhiều câu chuyện đắng lòng suốt hành trình từ tìm việc, làm việc và cả sự bế tắc của những người trẻ “từ làng ra phố” tìm kế sinh nhai.

 

Trục lợi người lao động trẻ

 

Trong vai lao động ngoại tỉnh tìm việc giữa Sài Gòn, người viết chứng kiến nhiều câu chuyện đắng lòng suốt hành trình từ tìm việc, làm việc và cả sự bế tắc của những người trẻ “từ làng ra phố” tìm kế sinh nhai.  

 

Trục lợi người lao động trẻ 1
Môi giới tên Long đang ký giấy nhận 250.000 đồng từ Công ty Khang Phú Hưng

 

Hết môi giới này đến môi giới khác

Sau khi nhận của tôi và 2 lao động khác mỗi người 300.000 đồng (không biên lai), Nguyễn Trung Phương – Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phương Dung (334 QL1A, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM) – chuyển chúng tôi cho một môi giới lao động tên Long.

Vừa nhận người, Long đã tuyên bố dõng dạc trước cửa công ty: “Kể từ giờ phút này, công ty này đã hết trách nhiệm rồi và không còn liên quan gì nữa. Nghe rõ chưa?! Có gì thắc mắc điện cho anh, anh là người điều hành trực tiếp”.

Sau đó, Long chở chúng tôi đến hẻm 15 – 34 Bình Đường 1 (P.An Bình, TX.Dĩ An, Bình Dương) rồi thu thêm của 2 công nhân kia mỗi người 100.000 đồng (tiền nhận việc)! Quay sang tôi, Long bảo: “Thấy em hiền lành lại cùng là người Bắc (Long 45 tuổi, quê Thanh Hóa) nên anh sẽ chở em xuống Sài Gòn tìm việc khác nhẹ nhàng, lương cao hơn”.

Long chở tôi xuống Công ty Khang Phú Hưng (Q.11), nhận 250.000 đồng tiền phí môi giới từ công ty này và quay sang tôi, nói: “Bây giờ anh phải về công ty gấp để chở lao động đi nhận việc, để họ chờ lâu lại bỏ đi thì mất toi mấy trăm ngàn. Chú cố gắng làm tốt nhé, sau này thành công thì đừng quên gọi điện cảm ơn anh”.

Theo tìm hiểu của người viết, hầu hết lao động ngoại tỉnh khi đến TP.HCM tìm việc đều phải thông qua môi giới lao động và trung tâm môi giới việc làm. Tính (19 tuổi, ngụ tại Trà Vinh) kể: “Em vừa xuống Bến xe Miền Tây thì được xe ôm chở đến một trung tâm giới thiệu việc làm gần vòng xoay Phú Lâm (Q.6). Bây giờ em vẫn nhớ trung tâm đó nằm ở đâu nhưng nó không có địa chỉ cụ thể cũng không để bảng hiệu. Em phải nộp 700.000 đồng cho trung tâm này và phải viết cam kết không được nhận lại tiền. Sau đó, trung tâm cử xe ôm chở em đến nhận việc tại một cơ sở massage nữ ở Bình Tân nhưng cơ sở này đang bị công an lập biên bản nên chú xe ôm chở thẳng em tới đây (hẻm 34, liên khu 2-5, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân – cơ sở tương ớt) và lấy của chủ 350.000 đồng tiền môi giới. Tiền này em phải làm công để trả nợ cho chủ”. 

 

Trục lợi người lao động trẻ 2
Bà Mai đang trả tiền phí dịch vụ cho môi giới Vinh

Trục lợi người lao động trẻ 3
Công nhân bị thương ở chân do đi chân đất khi làm việc 

Trục lợi người lao động trẻ 4
Công nhân làm việc trong xưởng của bà Mai bị bụi sơn dính từ gót chân đến đỉnh đầu – Ảnh: Hải Nguyên

 

Không lối thoát !

Tôi đã “ăn chực, nằm chờ” từ chiều hôm trước đến 10 giờ sáng hôm sau tại phòng trọ của môi giới lao động tên Vinh (184/5 Lê Đình Cẩn, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân) để chờ việc. Sau một hồi “thẩm vấn” kỹ càng, bà chủ Nguyễn Thị Tuyết Mai đồng ý trả Vinh 600.000 đồng phí dịch vụ (300.000 đồng/người) để nhận tôi và Minh (19 tuổi, quê Quảng Ngãi) vào làm việc.

Bà Mai chở chúng tôi đến xưởng sơn của mình trong con hẻm trên đường Võ Văn Vân (xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh). Tại đây, chúng tôi được bố trí vào ở một căn phòng ẩm thấp, bừa bộn, dơ bẩn và rất chật chội. Phòng chỉ chừng 10 m2 nhưng có đến 7 – 8 công nhân cùng ở.

Vừa mở cửa bước vào, một công nhân tên Đức đã nói ngay: “Ở đây không làm được đâu, mấy anh em đang chuẩn bị nghỉ việc hết rồi. Làm cực, độc hại mà không có tiền dư”.

Cơ sở của bà Mai chuyên phun sơn các loại khung sắt để làm giường, tủ, ghế, võng… và lúc nào cũng có gần chục công nhân làm việc trong môi trường nóng nực, bụi sơn bay dày đặc như sương mù buổi sớm ở vùng cao. Trời nắng to, mái tôn thấp, bụi sơn dày và công việc liên tục khiến công nhân mồ hôi vã như tắm. Họ chấp nhận hít bụi sơn độc hại chứ không thể bịt khẩu trang vì quá ngột ngạt.

Tất cả công nhân ở cơ sở của bà Mai đều không có hợp đồng, bảo hiểm, bảo hộ lao động. Họ đi chân đất hoặc dép lào, cởi trần quần soọc hoặc quần dài áo cộc khi làm việc. Ai có gì mặc nấy, ai thấy mình mặc gì, đi gì để “thoải mái” nhất khi làm việc thì tùy thích. Bà chủ không quản việc đó. Việc bà chủ quan tâm là hiệu suất công việc, là để ý xem ai làm chậm, làm sai để nhắc, để chửi mắng. Bà Mai “khoe” với tôi: “Ngày nào tao cũng phải chửi, phải la tụi nó mà tụi nó đâu có ngán”.

Làm việc ở xưởng sơn của bà Mai, nhiều công nhân bị bột sơn ăn lở loét từng vùng ở chân, tay, lưng, bụng… Một công nhân tên Nghĩa cứ thấy đau và rát ở lưng nhưng không biết bị làm sao, hỏi ra mới biết là bị sơn ăn và sau lưng đã loang lổ các vết đỏ đang phát ra những cục mụn nước.

Công nhân tên Đức (25 tuổi, quê Bình Định) không ngại cho tôi xem những cục mụn nước đã khô và tróc vảy nằm rải rác từng mảng trên tay, chân, bụng và khẳng định do bột sơn gây ra. Một công nhân khác quê Bến Tre vì đi chân đất khi làm việc nên giẫm phải vật nhọn dưới sàn, tóe máu. Anh này phải tự tìm vải buộc chặt vết thương ở lòng bàn chân để hạn chế tối đa việc bị bột sơn ăn và hy vọng không bị nhiễm trùng. Đức cho biết cứ đến ngày 30 là chốt công, nhưng bà chủ không trả lương ngay mà nhất định “giam” thêm 1 tuần nữa và chờ đến ngày 6 mới trả. Nhiều người cố làm hết tháng để lấy lương và xin nghỉ nhưng bà chủ không trả chứng minh nhân dân vì chưa làm qua 3 tháng nên vẫn nợ phí dịch vụ. Hơn nữa, bà Mai cho ứng tiền thoải mái, miễn là không vượt quá lương nên nhiều khi tính lương xong có người chỉ còn đúng… 2.000 đồng! Không tiền, không giấy tờ tùy thân nên lao động ở đây không sao thoát ra được dù ai cũng biết mình đang bị bóc lột, Đức trần tình.

Hải Nguyên