23/01/2025

Philippines muốn mở rộng hợp tác quốc phòng với Mỹ

Trong chuyến thăm Philippines tới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama được nói sẽ thảo luận với Tổng thống Benigno Aquino về hợp tác quốc phòng, trong đó có cả vấn đề an ninh hàng hải trên biển Đông.

 

Philippines muốn mở rộng hợp tác quốc phòng với Mỹ

 
 

Trong chuyến thăm Philippines tới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama được nói sẽ thảo luận với Tổng thống Benigno Aquino về hợp tác quốc phòng, trong đó có cả vấn đề an ninh hàng hải trên biển Đông.

Trưởng nhóm hoạch định chiến lược và phát triển thông tin của tổng thống Philippines, ông Ricky Carandang, cho hay cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo có thể diễn ra trong ngày 11 hoặc 12-10. Trả lời một đài phát thanh ở Philippines, ông Carandang nói ông Aquino và ông Obama sẽ thảo luận chi tiết về hợp tác quốc phòng hai nước, đặc biệt là “sự hiện diện luân phiên” của quân đội Mỹ tại Philippines.

Tăng cường an ninh cho Philippines

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tham dự hội nghị APEC

Theo báo điện tử Chinhphu.vn, nhận lời mời của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 tại Bali (Indonesia) từ ngày 6 đến 8-10.

 

Nhật báo Daily Inquirer trích lời ông Carandang cho biết ông chưa thể nói hai nhà lãnh đạo có ký kết gì trong chuyến đi của ông Obama hay không nhưng ông đảm bảo một điều rằng cuộc thảo luận với phía Mỹ sẽ hướng đến việc tăng cường an ninh cho Philippines. “Đây là lý do tại sao chúng tôi bước vào cuộc thảo luận này” – ông giải thích.

Cuộc hội đàm sắp diễn ra, theo ông Carandang, có thể sẽ đề cập vấn đề các nỗ lực phi ngoại giao của Trung Quốc trong tranh chấp trên biển Đông. “Tôi nghĩ chúng ta không thể tránh nói về vấn đề này bởi vì đó cũng là một phần trong hành động của chúng ta nhằm tăng cường an ninh hàng hải” – ông Carandang bày tỏ và nói thêm rằng đây cũng là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu không chỉ của Philippines mà cả các nước khác trong khu vực biển Đông và biển Hoa Đông.

Cùng với sự xoay trục của Mỹ về châu Á, ông Carandang khẳng định quan hệ Manila – Washington sẽ bền chặt hơn. Daily Inquirer cho biết Philippines và Mỹ đang trong giai đoạn đàm phán để tăng cường huấn luyện chung giữa lực lượng không quân, hải quân và lục quân của hai nước cũng như tăng cường sự hỗ trợ của Mỹ ở Philippines.

Thế nhưng, ông Carandang lại nhấn mạnh rằng đàm phán việc tăng cường sự hiện diện của binh sĩ Mỹ ở Philippines không phải là vấn đề gấp rút trong chuyến thăm sắp tới của ông Obama. “Về sự hiện diện luân phiên của quân đội Mỹ, chúng tôi đang có những bước tiến chậm nhưng chắc”. Quá trình thảo luận về vấn đề này được nói là đã diễn tiến nhiều tháng qua. Ngoài quốc phòng, ông Carandang nói đôi bên sẽ bàn thảo nhiều vấn đề khác như quan hệ kinh tế, văn hóa, lịch sử…

Trước đó, như AFP cho biết, trong cuộc gặp với các ngoại trưởng ASEAN tại New York, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ khu vực này là nơi có các bến cảng đông đúc nhất và các tuyến đường biển quan trọng nhất. “Vì vậy sự ổn định ở nơi các bạn đang sống ảnh hưởng sâu sắc đến sự thịnh vượng nơi chúng tôi đang sống” – ông Kerry phát biểu và nói thêm đây là một trong những lý do Mỹ muốn đảm bảo an ninh hàng hải và sự tự do lưu thông trên biển.

Ông Kerry cũng hối thúc các nước ASEAN nhanh chóng đạt được một bộ quy tắc ứng xử để giải quyết tranh chấp, không có sự đe dọa, ép buộc hay sử dụng vũ lực.

Không mở căn cứ ở Philippines

Ngay trước thềm chuyến thăm Philippines của ông Obama, hôm 18-9, Mỹ và Philippines cũng đã tổ chức tập trận chung thường niên tại một căn cứ hải quân nhìn ra biển Đông với sự tham gia của khoảng 2.300 quân nhân hai nước. AFP cho biết cuộc tập trận mang tên Phiblex này sẽ kéo dài ba tuần.

Mặc dù Manila và Washington đang có sự tăng cường hợp tác quân sự nhưng Mỹ nói họ không có ý định mở lại một căn cứ quân sự ở Philippines. Ngày 20-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết Washington và Manila đang thảo luận phương cách “tăng cường an ninh và ổn định cho Mỹ và khu vực” và cũng tuyên bố rõ rằng việc mở lại căn cứ quân sự ở Philippines sẽ không xảy ra.

Giới quan sát nhận định việc Mỹ mở lại căn cứ ở Philippines có thể sẽ gây tức giận trong một bộ phận người dân đất nước Đông Nam Á này. Năm 1992, Mỹ đã chấm dứt sự hiện diện quân sự thường trực của mình tại Philippines sau khi có các cuộc biểu tình của những người theo chủ nghĩa dân tộc.

Tuy nhiên, báo Wall Street Journal nhận định kể cả trong trường hợp Philippines đảo ngược điều cấm trong hiến pháp, cho phép quân đội nước ngoài lập căn cứ thường trực ở nước này thì Mỹ cũng vẫn không quan tâm lắm.

Giới quan sát nhận định các căn cứ như vậy sẽ trở thành mục tiêu dễ bị tổn thương và hơn hết rất tốn kém. Trong giai đoạn ngân sách đang bị cắt giảm, việc ký một hiệp ước với các nước đồng minh đảm bảo cho lực lượng của Mỹ được tiếp cận sẽ rẻ hơn nhiều so với việc thuê căn cứ. Wall Street Journal nhận định rằng người Mỹ “cần một nơi chốn hơn là một căn cứ”.

Hơn nữa, theo giới quan sát, Mỹ cũng sẽ phải thận trọng trong việc khiến Trung Quốc tức giận bởi Bắc Kinh là chủ nợ lớn nhất của Mỹ và là điểm đến đầu tư chủ chốt của các công ty xe hơi, các công ty bán lẻ và các nhà chế tạo máy bay của Mỹ.

VIỆT PHƯƠNG

Một binh sĩ nhảy từ trực thăng của lực lượng Mỹ trong cuộc tập trận chung tại thành phố Cavite, phía nam Manila hôm 20-9  – Ảnh: Reuters