27/11/2024

Đánh giá bức tranh thực về kinh tế – xã hội

Sáng 30-9, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc tại Hà Nội, dự kiến kéo dài đến ngày 9-10.

 

Đánh giá bức tranh thực về kinh tế – xã hội

 
 

Sáng 30-9, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc tại Hà Nội, dự kiến kéo dài đến ngày 9-10.

Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014 và đánh giá ba năm thực hiện nghị quyết Đại hội XI về phát triển kinh tế – xã hội.

Hội nghị cũng sẽ bàn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết về chiến lược bảo vệ Tổ quốc và một số vấn đề về công tác xây dựng Đảng.

Ngoài ra, hội nghị sẽ cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, kiểm điểm hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư trong năm 2013 và công tác nhân sự.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Việc hoàn thành tốt các nội dung chương trình của hội nghị lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2014-2015, tiến hành thành công đột phá về thể chế, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ Tổ quốc và khởi đầu cho quá trình chuẩn bị Đại hội lần thứ XII của Đảng”.

“Thừa tiền, thiếu vốn”

Để thống nhất nhìn nhận bức tranh thực về kinh tế – xã hội năm 2013, Tổng bí thư đề nghị hội nghị làm rõ các vấn đề như: kinh tế vĩ mô ổn định đến đâu, liệu có còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại; tính thanh khoản và độ an toàn hệ thống ngân hàng thương mại như thế nào; tình trạng nợ xấu, sở hữu chéo giữa các ngân hàng, thị trường bất động sản bị đóng băng, “thừa tiền, thiếu vốn” được xử lý ra sao; kết quả của những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đạt được ở mức nào…

Phải chăng đến năm 2014 vẫn phải tiếp tục thực hiện mục tiêu củng cố, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi nhịp độ tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện ba khâu đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Đối với một số chỉ tiêu chủ yếu, Trung ương cần cho ý kiến định hướng để Quốc hội thảo luận, quyết định.

Theo Tổng bí thư, phải chăng thời gian qua việc tái cấu trúc ba lĩnh vực ưu tiên theo tinh thần kết luận của Hội nghị Trung ương 3 được triển khai một cách bị động trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không ổn định, cho nên chưa thực hiện được mục tiêu, yêu cầu đề ra; tới đây cần phải tiếp tục có những điều chỉnh và kiên trì tiến hành một cách bài bản, căn cơ hơn, gắn với tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế? Coi đột phá về thể chế, cải cách các chế độ và thủ tục hành chính, chống phiền hà, sách nhiễu là khâu trọng yếu, bảo đảm phát huy đầy đủ, đúng đắn cơ chế thị trường, tạo xung lực mới cho phát triển nhanh và bền vững?

Giáo dục mở, linh hoạt

Tổng bí thư cho rằng phải tạo được sự thống nhất cao và ban hành một nghị quyết trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cho xứng tầm để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển lĩnh vực luôn được coi là quốc sách hàng đầu này. Trung ương cần thảo luận, bàn bạc thật kỹ sự cần thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đánh giá thẳng thắn, đúng thực trạng tình hình, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm của những thành tựu, kết quả đã đạt được cũng như những yếu kém, hạn chế cần chấn chỉnh.

Theo hướng này, phải chăng có thể thống nhất cao với những đề xuất thuộc về quan điểm như: Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước một bước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Mục tiêu giáo dục là phát triển năng lực người học, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa và dân chủ hóa giáo dục. Chuyển hệ thống giáo dục cứng nhắc, thiếu tính liên thông sang hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, bảo đảm liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập suốt đời…

Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Tổng bí thư cho rằng: tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là việc làm hết sức cần thiết.

Theo Tổng bí thư, về thuận lợi, cơ hội, phải chăng đó là thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của gần 30 năm đổi mới và phát triển; tiềm lực kinh tế, uy tín, vị thế quốc tế của đất nước được nâng cao; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường; nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố; tiềm lực quốc phòng, an ninh, sức mạnh chiến đấu của quân đội nhân dân và công an nhân dân được nâng lên một bước?

Về khó khăn, thách thức, phải chăng bao gồm: sự biến động nhanh chóng, phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực, nhất là tình hình trên biển Đông; sự chống phá của các thế lực thù địch; những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế; những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội?…

Tổng bí thư đề nghị hội nghị cân nhắc việc ban hành nghị quyết mới của Trung ương về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới hay chỉ ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện nghị quyết này.

 

 

Ban hành quy chế bầu cử trong Đảng

Về công tác xây dựng Đảng, tại hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình xin Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng sau đây:

Một là, xem xét, quyết định việc ban hành quy chế bầu cử trong Đảng vì Hội nghị Trung ương 2 (khóa XI) đã quyết định nâng thẩm quyền ban hành quy chế bầu cử trong Đảng từ Bộ Chính trị lên Ban Chấp hành Trung ương. Nhiều khóa trước đây, việc thực hiện quy chế bầu cử trong Đảng đã tương đối có nền nếp và hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập và có những vấn đề mới đặt ra, đòi hỏi phải có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Vì vậy, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế bầu cử trong Đảng hiện hành theo nguyên tắc: Kế thừa tối đa những nội dung còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã bộc lộ bất cập trong thực tiễn thi hành. Những nội dung mới của dự thảo quy chế lần này chủ yếu tập trung vào các vấn đề: phạm vi điều chỉnh của quy chế; việc ứng cử, đề cử, bầu Bộ Chính trị, Ban bí thư, Tổng bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bầu bổ sung ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban bí thư, ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; thủ tục ứng cử, đề cử, bao gồm điều kiện để được đưa vào danh sách bầu cử, số dư trong danh sách bầu cử và dự kiến việc phân công nhiệm vụ sau khi trúng cử…

Hai là, quyết định việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XII của Đảng: Theo thông lệ và kinh nghiệm chuẩn bị các đại hội trước đây của Đảng, tại hội nghị này, Bộ Chính trị trình Trung ương dự kiến thành lập năm tiểu ban: tiểu ban văn kiện; tiểu ban kinh tế – xã hội; tiểu ban điều lệ Đảng; tiểu ban nhân sự và tiểu ban tổ chức phục vụ đại hội. Các tiểu ban có nhiệm vụ chuẩn bị báo cáo chính trị, báo cáo kinh tế – xã hội, Báo cáo tổng kết việc thực hiện Điều lệ Đảng và bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có) và báo cáo công tác nhân sự.

 

Theo TTXVN và Chinhphu.vn