11/01/2025

Lựa chọn khôn ngoan

Sinh viên đi làm thêm không còn là điều mới mẻ. Tuy nhiên, phải cân bằng giữa việc làm và việc học ra sao lại là câu hỏi mà không phải bất kỳ sinh viên nào cũng có thể trả lời.

 

Lựa chọn khôn ngoan

Sinh viên đi làm thêm không còn là điều mới mẻ. Tuy nhiên, phải cân bằng giữa việc làm và việc học ra sao lại là câu hỏi mà không phải bất kỳ sinh viên nào cũng có thể trả lời.

 Tuyết Nhi, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, làm thêm tại một nhà hàng ở TP.HCM - d
Tuyết Nhi, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, làm thêm tại một nhà hàng ở TP.HCM – Ảnh: H.N

Muôn nẻo làm thêm

Sinh viên (SV) đi làm thêm là vấn đề gần như đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống. Lý do đi làm thêm là vô kể nhưng hầu hết là để cải thiện tình hình tài chính, đỡ đần một phần cho gia đình. Ngoài ra, làm thêm còn là cơ hội đào luyện mình với thực tế. Cao Mỹ Ngân, SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Mình đang làm phục vụ ở một quán ăn, tuy lương không nhiều nhưng cũng giúp mình giải quyết được một ít chi tiêu trong cuộc sống, quan trọng hơn là mình có thể đỡ đần một phần nào đó cho gia đình”.

Trong thời buổi giá cả leo thang, hầu hết SV đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Thậm chí làm những công việc không hề liên quan tới ngành học của mình cốt là có thêm thu nhập.

Đi làm thêm có hai mặt, thuận lợi là kiếm được thu nhập, nhưng ảnh hưởng đến học tập, sức khỏe… Lê Vũ, SV Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, chia sẻ: “Mình làm phục vụ nhà hàng tiệc cưới, nhưng công việc chạy bàn rất mệt, xong tiệc dọn dẹp cũng phải đến khuya mới được về, sáng dậy đi học không nổi, thế là mình nghỉ. Còn mấy đứa bạn của mình, đi học không nổi thì cúp tiết, may lắm có đứa lên lớp để điểm danh và… ngủ, bài vở không chép, thầy cô giảng bài cũng chẳng hay”.

Cân bằng thời gian

Làm thêm cũng có nhiều dạng. Làm thêm có thời gian cố định như phục vụ, bán hàng, thu ngân… đòi hỏi SV phải biết sắp xếp thời gian và lên kế hoạch cụ thể cho việc học. Làm thêm không cố định thời gian như: phát tờ rơi, bán hàng trên mạng, thu âm đọc truyện… là những công việc mà SV có thể chủ động và thoải mái hơn trong quỹ thời gian của mình. Tuy nhiên, SV cũng cần có một thời gian biểu hợp lý, nếu biết cân bằng thì sắp xếp thời gian đi làm – đi học không quá khó. Mạch Thái Trung, SV Trường CĐ Phát thanh truyền hình 2, đưa ra kinh nghiệm: “Phải biết chọn công việc phù hợp với sức khỏe, ít mất thời gian. Đi làm nghiêm túc, chăm chỉ, tạo mối quan hệ tốt đẹp ở chỗ làm không những giúp bạn có thể được tăng lương, mọi người yêu quý mà còn được cấp trên tạo điều kiện luân chuyển thời gian làm việc để không ảnh hưởng tới việc học”. 

“Quản lý tốt quỹ thời gian, đặt ra mục tiêu và lên kế hoạch chi tiết cho việc học và việc làm. Hiểu rõ cụm từ “làm thêm”, nghĩa là làm chỉ là phụ, công việc chính của SV là học tập. Học tập tốt để tương lai có công việc tốt”, Huỳnh Thị Hồng Hạnh, SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng, chia sẻ. 

 

“Mỗi giai đoạn của cuộc đời mình có những hoạt động chủ đạo nhất định. Là SV, hoạt động chủ đạo nhất chính là học tập. Đó là điều mà SV cần phải đặt lên hàng đầu. Muốn cây phát triển xanh tốt, thì rễ của nó phải chắc và những kiến thức ở nhà trường chính là rễ của cây đó. Nếu rễ nông thì dù cây có cao đến đâu cũng sẽ bị gió quật ngã. Vì vậy, hãy lựa chọn công việc một cách khôn ngoan để vừa kiếm thêm thu nhập, vừa bổ sung thêm kinh nghiệm cho mình. Phải đặt ra được thứ tự các đối tượng ưu tiên và thời gian cho những ưu tiên đó một cách phù hợp. Lựa chọn tốt công việc thì việc dung hòa cũng sẽ giải quyết được”.

 

Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An
Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Tp.HCM

 

Hàn Nguyên