23/12/2024

Đừng trì hoãn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Hôm qua, Ban Kinh tế trung ương tổ chức hội thảo quốc tế “Nhìn lại chặng đường phát triển kinh tế – xã hội 2011-2015 và những điều chỉnh chiến lược”. Rất nhiều nghiên cứu như thuế cao, tái cơ cấu chưa đạt yêu cầu, làm chính sách kiểu trên trời… đã được công bố.

 

Đừng trì hoãn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

 
 

Hôm qua, Ban Kinh tế trung ương tổ chức hội thảo quốc tế “Nhìn lại chặng đường phát triển kinh tế – xã hội 2011-2015 và những điều chỉnh chiến lược”. Rất nhiều nghiên cứu như thuế cao, tái cơ cấu chưa đạt yêu cầu, làm chính sách kiểu trên trời… đã được công bố.

Ông Vương Đình Huệ, trưởng Ban Kinh tế trung ương, đã nêu bật thực tế nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội mà Đại hội XI đề ra dự kiến không đạt, nguy cơ dẫn đến VN tụt hậu ngày càng xa so với các nền kinh tế khu vực. Việc huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển của VN còn hạn chế. Trong khi việc quan trọng hàng đầu là tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa đáp ứng nhu cầu.

Nguy cơ tụt hậu ngày càng xa

 

” Với việc các chương trình tái cơ cấu nền kinh tế được triển khai chậm chạp và phần lớn mang nặng tính hình thức, thì không có gì ngạc nhiên khi tốc độ tăng trưởng liên tục suy giảm… ”

“Việt Nam cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% hoặc thấp hơn vào năm 2015, đừng trì hoãn”

GS.TS TRẦN THỌ ĐẠT

 

 

Ảnh: Việt Dũng

“Nóng” nhất là báo cáo của GS.TS Trần Thọ Đạt, phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân. Được mời lên trình bày tham luận đầu tiên, ông Đạt khẳng định cả giai đoạn 2006-2010, VN là nước có tỉ lệ lạm phát cao nhất châu Á. Tăng trưởng có xu hướng giảm nhanh và liên tục từ cuối năm 2007 (năm nước ASEAN khác đều khởi sắc hơn từ cuối năm 2009, sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu).

 

Đặc biệt, ông Trần Thọ Đạt khẳng định tổng thu ngân sách tính trên GDP của VN dù mấy năm gần đây có giảm nhưng vẫn ở mức… cao so với các nước trong khu vực. Không khẳng định chính sách thu có “khoan sức dân” không nhưng ông Đạt dẫn số liệu cho biết tổng thu ngân sách/GDP của VN năm 2011 đã lên đến 27,7% GDP. Năm 2012 còn 25,5% GDP (tức tổng sản phẩm xã hội làm ra trong một năm là 100 đồng, Nhà nước thu vào ngân sách 25,5 đồng). Tuy nhiên, “sự giảm này là do suy thoái kinh tế chứ không phải do chủ định thay đổi định hướng của Chính phủ” – ông Đạt nói và tính toán tỉ lệ thu vào ngân sách/GDP trung bình hai năm gần đây của VN đang cao hơn Trung Quốc và Thái Lan gấp 1,2 lần. So với Ấn Độ, Indonesia, Philippines còn cao hơn, gấp 1,5 lần. So với Campuchia gấp tới 1,7 lần!

Chi ngân sách của VN cũng lớn, chiếm khoảng 31% GDP từ năm 2006 đến nay. Nêu số liệu của tổ chức quốc tế, ông Đạt cho biết mức này đang gấp 1,4 lần Trung Quốc và Thái Lan, 1,6 lần Indonesia và Philippines… Ông Đạt chỉ rõ: nguyên nhân khiến tình trạng thâm hụt ngân sách (thu không đủ chi) kéo dài nhiều năm là do chi ngân sách quá cao chứ không phải do thu thấp.

TS Phạm Thùy Giang, Học viện Ngân hàng, đồng quan điểm khi cho biết quan niệm nợ công của Ngân hàng Thế giới cũng như Hệ thống quản lý nợ và phân tích tài chính – Diễn đàn phát triển Liên Hiệp Quốc phải bao gồm: nợ chính phủ, nợ do chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương (như quy định của VN) nhưng còn phải thêm cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước. Ngay cả khi các doanh nghiệp này tự đứng ra vay cũng phải tính bởi Chính phủ sở hữu trên 50% vốn, doanh nghiệp phá sản thì Chính phủ phải đứng ra trả nợ. TS Giang khuyến cáo thêm: nợ trong nước đang tăng nhanh so với nợ nước ngoài để đảm bảo đúng chiến lược nợ công, nhưng nếu VN không thống kê đầy đủ, công bố minh bạch thì việc quản lý sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Nhiều đại biểu khác cũng đi tìm nguyên nhân kinh tế VN khó khăn. Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng nếu nói do khủng hoảng kinh tế thế giới thì sao Lào, Campuchia không đến nỗi như ta? Trên thực tế, “cái liên quan đến kinh tế thế giới thì lại khá, như xuất khẩu, vốn trực tiếp nước ngoài không đến nỗi nào, sao đổ tội cho nó?”. Còn nói do khó khăn nội tại nền kinh tế, nhưng chúng đã tồn tại mấy chục năm nay, sao trước đó không đến nỗi? Ông Vũ Khoan đề nghị cần phân tích rõ nguyên nhân mới có thể tìm ra hướng giải quyết.

TS Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng việc quyết định đầu tư quá mức đã đặt nền kinh tế vào tình trạng phải tăng tín dụng, đẩy lạm phát lên cao. Trong khi đó, cấu trúc kinh tế theo trung ương – địa phương được duy trì quá lâu khiến “đầu tư phát triển ngành tràn lan trên các vùng, đầu tư phát triển vùng tràn lan trong tất cả các ngành”. Theo ông Chung, cơ chế phân cấp cho các địa phương, ngay cả công trình có tính liên vùng như cảng, sân bay cũng giao cho địa phương, đã tạo rào cản trong nâng hiệu quả đầu tư, lãng phí nguồn lực.

Đề nghị giảm thuế giúp dân

Hàng loạt kiến nghị đã được đưa ra cho Ban Kinh tế trung ương.

 

“Nếu nói kinh tế khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới thì sao Lào, Campuchia không đến nỗi như Việt Nam?”

Nguyên phó thủ tướng VŨ KHOAN

 

GS.TS Trần Thọ Đạt đề nghị cần cắt giảm các mức thuế, đồng thời cắt đầu tư công. Nêu thực tiễn trong giai đoạn đầu phát triển, thế giới thường áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) dưới 15%, khi kinh tế đã phát triển, thuế có thể tăng trên 30%. Với bài học Thái Lan sau khủng hoảng 1997 và mới đây là Ireland áp dụng thuế TNDN thấp đã thu hút được nguồn vốn khổng lồ, nhanh chóng hồi phục, ông Đạt đề nghị VN cần giảm thuế TNDN xuống 20% hoặc thấp hơn vào năm 2015 (theo Luật thuế TNDN 2013, mức thuế phổ biến là 22% – PV), đừng trì hoãn. Với việc Tổ chức Minh bạch quốc tế đã xếp hạng VN vào một trong những nước tham nhũng nghiêm trọng nhất (thứ 123/174 nước), tham nhũng ở VN đã lan sang cả lĩnh vực vốn được coi trọng đạo lý như giáo dục, y tế… nên ông Đạt đề nghị cần tăng cường nhà nước pháp quyền, cũng để giúp chi phí trên thị trường thấp hơn.

 

Ảnh: Việt Dũng

Ông Vũ Khoan cho rằng nhìn vào các chủ trương thì thấy bốn loại: thứ nhất là số ít chủ trương được thực hiện, thứ hai là những chủ trương được thực hiện một phần, thứ ba là có nhóm không được thực hiện và thứ tư là nhóm được thực hiện… ngược lại, như chủ trương phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, hay chủ trương xây dựng một số tập đoàn mạnh… “Nên rà soát từng chủ trương” – ông Khoan nói.

 

GS.TS Nguyễn Kế Tuấn, Đại học Kinh tế quốc dân, đặt câu hỏi: nói cải cách hành chính gắn với đẩy lùi tham nhũng, nhưng tham nhũng giảm hay tăng? Dư luận gần đây nói văn bản từ trên trời, do những “người trên trời” làm, ông Tuấn nhấn mạnh cần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng. Cải cách hành chính cũng không phải chỉ hướng vào những công việc mang tính kỹ thuật như đơn giản hóa thủ tục, mà phải đổi mới vai trò, chức năng nhà nước…

Ông Cao Sỹ Kiêm, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nêu có rất nhiều hội thảo, chính sách trúng, doanh nghiệp mừng, nhưng giải quyết thì hạn chế. Ông Kiêm đề nghị chính sách có rồi, cần xác định địa chỉ, cách giải quyết, ai làm, làm như thế nào, khi nào xong… để giúp nền kinh tế.

 

 

13% dân cho rằng cán bộ dùng của công lãng phí

“31% người dân cho rằng có tình trạng nhận hối lộ trong dịch vụ y tế công, xin việc vào khu vực nhà nước (29%), xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (21%), để giáo viên quan tâm hơn tới học sinh ở trường (17%) và trong cấp phép xây dựng (16%). Ngoài ra, có tới 13% người dân tin rằng cán bộ chính quyền dùng tiền của công một cách lãng phí”.

Nguồn: GS.TS Trần Thọ Đạt dẫn báo cáo năm 2012 của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc về “chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh VN 2011 đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân”.

 

CẦM VĂN KÌNH