Giá mua cào bằng, nông dân bỏ VietGAP
Theo nhiều nông dân tại Lâm Đồng, lý do khiến họ không mặn mà sản xuất rau củ theo chuẩn VietGAP là các siêu thị, nhà vườn cào bằng giá mua rau an toàn với rau VietGAP. Và để đáp ứng hàng cho siêu thị, các nhà cung cấp phải vơ vét rau bên ngoài…
Giá mua cào bằng, nông dân bỏ VietGAP
Người tiêu dùng tại TP.HCM chọn mua rau dán nhãn VietGap tại một siêu thị trên địa bàn – Ảnh: T.Đạm
Tại Lâm Đồng, diện tích rau khoảng 40.000ha, trong đó diện tích rau an toàn khoảng 700ha, nhưng chỉ có 260ha được chứng nhận VietGAP.
Rơi rụng VietGAP…
Ông Nguyễn Quang Đạo (P.12, thành phố Đà Lạt) trước kia làm 2ha rau VietGAP, nhưng đến năm 2012 chứng nhận của ông hết hạn thì ông không theo nữa. Ông nói: “Chi phí làm thủ tục để công nhận VietGAP không phải quá cao nhưng làm VietGAP quá cực so với một nông dân đã quen kiểu làm nông truyền thống, quan trọng hơn công sức mình đổ ra nhiều mà rau cũng chẳng có giá cao hơn”.
Ông Đạo nhẩm tính với 2ha rau VietGAP mỗi năm cho ông thu nhập thấp hơn 10% so với làm rau thông thường bán ra các chợ, vựa rau. Chi phí chủ yếu cho nhân công phục vụ việc ghi chép quá trình sản xuất rau.
Theo Lê Văn Minh – giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân chính khiến nông dân không mặn mà với việc trồng rau VietGAP là do chi phí bỏ ra rất nhiều nhưng sản phẩm bán ra chỉ ngang với rau sản xuất theo kiểu truyền thống. Chưa kể để được chứng nhận VietGAP cho 10ha rau củ, nông dân phải tốn 10-20 triệu đồng để thực hiện các thủ tục. Trước đây, riêng vùng rau của tỉnh Lâm Đồng có hơn 700ha được chứng nhận chuẩn VietGAP, chi phí do Nhà nước và nhiều tổ chức khác tài trợ. Sau khi chứng nhận hết hạn, rất ít nông dân tiếp tục gia hạn bằng tiền của mình, do vậy diện tích rau đạt chuẩn VietGAP teo tóp dần.
Hiện Lâm Đồng có 260ha rau được cấp chứng nhận VietGAP, chủ yếu là mới đăng ký từ năm 2012 đến tháng 9-2013 và chi phí từ ngân sách nhà nước tài trợ. “Nói điều này để thấy VietGAP không có sức hấp dẫn đối với nông dân do các công ty mua cào bằng giá. Các siêu thị, các nhà thu mua phải công bằng với nông dân, bắt họ phải làm tiêu chuẩn này tiêu chuẩn kia bán cho mình mà giá cả không sòng phẳng, không công bằng và không khuyến khích được người nông dân nâng chất vườn rau của mình…Nếu không công bằng, sẽ đến lúc các siêu thị không còn rau VietGAP để bán và giữ uy tín với khách hàng” – ông Minh bức xúc.
Tương tự, ông Mai Văn Khẩn, chủ nhiệm HTX Tân Tiến (P.12, Đà Lạt), đơn vị có 4,5ha rau đạt chuẩn VietGAP, cho rằng: “Giá rau có chứng nhận VietGAP phải cao hơn giá rau trôi nổi mới kích thích được nông dân làm VietGAP, còn như hiện nay không sớm thì muộn người nông dân cũng bỏ VietGAP”.
Siêu thị: mua theo giá thị trường
Trong khi đó, ngày 17-9 bà Bùi Hạnh Thu, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết bản thân các nhà vườn khi sản xuất rau theo tiêu chuẩn an toàn hoặc VietGAP đều được sở NN&PTNT các tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ về nhiều mặt. Riêng với Saigon Co.op, chính sách giá đều áp dụng theo thị trường với hai loại rau trên. Tuy nhiên, có những chính sách đặc biệt riêng các vùng rau sản xuất theo chuẩn VietGAP, cụ thể như: Saigon Co.op ứng vốn trước khoảng 10 tỉ đồng cho các nhà vườn tại TP.HCM, Đà Lạt…, hỗ kỹ thuật cho nhà vườn, hỗ trợ thanh toán nhanh, hỗ trợ trưng bày trên quầy kệ ở siêu thị đối với sản phẩm rau VietGAP …
Liên quan đến Công ty Phong Thúy, đơn vị nhập rau từ nhiều nơi khác nhau về bán cho siêu thị trên danh nghĩa rau VietGAP, bà Bùi Hạnh Thu cho biết trước mắt đã ngay lập tức tạm ngưng nhập hàng của nhà phân phối này để xác minh, làm rõ. “Nếu sự thật đúng như bài báo nêu, chúng tôi sẽ chấm dứt hoàn toàn và không tái ký hợp đồng cung cấp với đơn vị này trong thời gian tới. Ở thời điểm hiện tại, sau khi tạm ngưng nhập hàng của Phong Thúy, chúng tôi đã đặt hàng tăng cường từ hai nhà cung cấp rau củ VietGap chính là HTX Anh Đào và Công ty Thảo Nguyên để bù đắp sản lượng. Việc tăng cường này vừa đảm bảo sản lượng đầu ra ổn định phục vụ người tiêu dùng, vừa đảm bảo các sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn chất lượng” – bà Thu nói.
Bà Thu cũng cho biết sẽ liên kết cùng sở NN&PTNT các địa phương nhằm tăng cường kiểm soát chặt chẽ, đồng thời mở rộng vùng nguyên liệu để chủ động về nguồn hàng chất lượng cao cung cấp đến người tiêu dùng. “Nhân đây, chúng tôi cũng xin được kiến nghị đến sở NN&PTNT các địa phương có công tác vận động, quảng bá lợi ích của các dự án sản xuất sản phẩm VietGap, chúng tôi sẵn sàng tham gia ứng vốn, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra để các đơn vị an tâm mở rộng sản xuất” – bà Thu Khẳng định.
MAI VINH – DŨNG TUẤN
Đồng Nai: nông dân cũng bỏ VietGap Sau một năm thực hiện trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), bảy hộ dân phường Trảng Dài, TP Biên Hòa (Đồng Nai) với 1,5ha rau đã quyết định quay về với cách trồng rau kiểu truyền thống do rau sản xuất VietGap không có đầu ra. Gần một năm nay tất cả máy móc, hệ thống đóng gói, sổ sách ghi chép theo tiêu chuẩn VietGap của HTX sản xuất rau an toàn Trảng Dài không còn sử dụng, do mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap không còn và HTX sản xuất rau trên cũng tự giải thể. Ông Đào Tiến Chương – nguyên phó chủ nhiệm HTX sản xuất rau an toàn Trảng Dài, một trong những hộ dân thực hiện trồng rau VietGap – cho biết được Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap nên HTX đã đầu tư cơ sở vật chất hệ thống rửa rau, đóng gói… Gia đình ông Chương cũng đầu tư lại vườn rau, công lao động ghi chép tỉ mỉ hằng ngày, cắt tỉa đóng gói, vận chuyển đều theo tiêu chuẩn khắt khe. Tuy nhiên, dù đầu tư nhiều hơn kể cả công sức lẫn tiền bạc nhưng giá bán của rau VietGap chỉ bằng rau thường, có lúc lỗ do không có đầu ra ổn định. NGÔ THIÊN PHÚC – ĐỨC TRONG |