22/01/2025

Bệnh đau mắt đỏ lan rộng

Như Tuổi Trẻ phản ánh đầu tháng 9, số bệnh nhân đau mắt đỏ tăng mạnh trong vài tuần gần đây. Đến nay, các bệnh viện có khoa mắt hay chuyên khoa mắt vẫn tiếp tục đón nhận hàng chục lượt bệnh nhân mỗi ngày.

 

Bệnh đau mắt đỏ lan rộng

 
 

TT – Như Tuổi Trẻ phản ánh đầu tháng 9, số bệnh nhân đau mắt đỏ tăng mạnh trong vài tuần gần đây. Đến nay, các bệnh viện có khoa mắt hay chuyên khoa mắt vẫn tiếp tục đón nhận hàng chục lượt bệnh nhân mỗi ngày.

Cách đây hai ngày, chị N.L.H. ở khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội bắt đầu có biểu hiện ngứa mắt.

Vẫn tăng mạnh

Đến sáng thứ bảy, 14-9, chị H. không mở được mắt vì đầy ghèn, càng lúc mắt càng sưng, hai tròng trắng chuyển sang đỏ ngầu. “Khi đến khám tại Bệnh viện Mắt T.Ư, tôi mới biết đang có dịch đau mắt đỏ, rất nhiều trẻ con, người lớn mắc bệnh” – chị H. kể. Theo bác sĩ Trịnh Bích Ngọc – phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội, đợt đau mắt đỏ này đã kéo dài từ thời điểm Hà Nội mưa nhiều đến nay. Trung bình mỗi ngày có 20-25 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại bệnh viện. Vì là loại bệnh khá thường gặp nên bệnh nhân thường tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh để nhỏ mắt nhưng không biết dù là bệnh dễ chữa, song nếu chữa không đúng sẽ rất dễ dẫn đến loét giác mạc, giảm thị lực của người bệnh.

Tại một số bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, tuần qua số lượng bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám và điều trị tăng mạnh. Bác sĩ Huỳnh Thị Thu Ba, trưởng khoa mắt quốc tế Bệnh viện An Sinh, cho biết số lượng bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám chiếm 60-70% bệnh nhân tại khoa mắt. “Có nhiều gia đình đến khám vì cùng bị đau mắt đỏ” – bác sĩ Thu Ba nói. Bác sĩ Phí Vĩnh Bảo, trưởng khoa mắt Bệnh viện 175, cũng cho hay lượng bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám tại khoa trong mấy tuần qua rất đông, trung bình hơn 20 ca/ngày. Còn tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, bác sĩ Nguyễn Minh Khải, trưởng khoa mắt, cho biết số lượng bệnh nhân bị đau mắt đỏ mỗi ngày có 20-25 ca. Tình trạng này tương tự tại Bệnh viện Mắt TP.HCM. Theo bác sĩ Bùi Thị Thu Hương – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện, mỗi bàn khám tăng khoảng 30% bệnh nhân đau mắt đỏ so với 1-2 tuần trước đây. Tuy nhiên theo nhận định của một số bác sĩ, dịch đau mắt đỏ đang có dấu hiệu sẽ thoái lui trong một vài tuần tới.

Trong khi đó, bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng – giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai – cho biết gần đây bệnh đau mắt đỏ đã bùng phát tại huyện Tân Phú, Định Quán. Tại Trường mầm non Đắc Lua (huyện Tân Phú) vừa có 23 thầy trò bị đau mắt đỏ nên cán bộ y tế dự phòng đã đến hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh. Hiện ở TP Biên Hòa, Bệnh viên Đa khoa Đồng Nai cũng tiếp nhận số lượng bệnh nhân đến điều trị bệnh đau mắt đỏ tăng đột biến ở nhiều lứa tuổi.

Tại miền Trung, bệnh nhân đau mắt đỏ cũng gia tăng. Bác sĩ Đoàn Văn Xiêm – trưởng khoa mắt Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi – nói khoảng một tuần nay, trên địa bàn tỉnh số lượng bệnh nhân bị đau mắt đỏ gia tăng nhanh, lây lan rộng gấp 2-3 lần so với trước đó. Tại khoa mắt, từ đầu tháng 8 đến nay, cứ 30-50 ca đến khám mắt thì có trên 30% số ca là bị bệnh đau mắt đỏ. Tuy nhiên, chỉ trong gần một tuần nay, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 20/30 bệnh nhân đến khám do đau mắt đỏ.

Không tự ý chữa bệnh

TS Phạm Ngọc Đông – trưởng khoa kết, giác mạc Bệnh viện Mắt T.Ư – cũng cho biết thông thường đau mắt đỏ hay xuất hiện vào mùa xuân và từ tháng 7 đến tháng 9, là những tháng mưa nhiều. “Đau mắt đỏ có thể nhầm với các bệnh như viêm màng bồ đào, viêm phần trước giác mạc, nếu người bệnh tự điều trị sẽ rất dễ gặp biến chứng, nghiêm trọng nhất là giảm thị lực do loét giác mạc. Chúng tôi đã gặp bệnh nhân suy giảm thị lực đến 2-3/10 sau đau mắt đỏ” – bác sĩ Đông cho biết.

Theo bác sĩ Trịnh Bích Ngọc, gần đây gia tăng bệnh nhân viêm kết mạc có giả mạc, cũng là bệnh đau mắt đỏ nhưng biểu hiện hơi khác là ngoài sưng mắt là biểu hiện có chảy dịch màu hồng. Những bệnh nhân này thường có nước mắt màu hồng nhạt, khác với bình thường nước mắt có màu trắng hoặc trắng ngà. Bác sĩ Ngọc cũng cho biết trước đây ít gặp bệnh nhân viêm kết mạc có giả mạc, nhưng gần đây tỉ lệ này lên đến 30-40% bệnh nhân tới khám. “Nếu không được khám và điều trị kịp thời, giả mạc sẽ dính vào lòng đen, gây loét giác mạc và giảm thị lực của bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân thường tự ra hiệu thuốc mua thuốc chữa khi đau mắt đỏ, nhưng nếu nhân viên nhà thuốc tư vấn mua phải corticoid thì sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân” – bác sĩ Ngọc khuyến cáo.

 

 

Giữ vệ sinh mắt

Để phòng ngừa bệnh đỏ mắt nói riêng và bệnh mắt nói chung (như dị vật, bụi rơi vào mắt, đục thủy tinh thể…), nên mang kính chống nắng (còn gọi là kính râm) khi đi ra ngoài mà có nắng từ 9-10 giờ sáng đến 3-4 giờ chiều, thời điểm chứa nhiều tia cực tím (tia tử ngoại) nhất từ ánh sáng mặt trời. Mỗi lần đi ra ngoài và trở về nhà, sau một ngày học hành (trẻ em) hoặc làm việc (người lớn) mắt đã điều tiết khá mệt mỏi, nên nhỏ vào hai mắt vài giọt nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) để rửa sạch các chất bẩn từ bên ngoài, sau đó nhắm kín hai mắt và xoa nhẹ vào hai nhãn cầu (khối cầu của mắt) khoảng 10-15 lần giúp các cơ được “thư giãn” và các mạch máu nhỏ cung cấp dưỡng chất cho mắt lưu thông tốt hơn. Dĩ nhiên phải rửa tay sạch với xà phòng trước khi thực hiện thao tác trên. Không nên dùng chung khăn lau mặt và khăn tắm để tránh lây nhiễm vi trùng, virút gây đỏ mắt.

BS MAI VĂN BÔN

 

NHÓM PV TUỔI TRẺ