Nợ bủa vây người nuôi cá tra
Dù cá tra xuất khẩu đem về gần 2 tỉ USD mỗi năm, nhưng người nuôi cá tra càng làm càng lỗ. Nhiều người phải bán hết cả sản nghiệp vì thua lỗ, đi làm thuê kiếm sống qua ngày.
Nợ bủa vây người nuôi cá tra
Nông dân huyện Châu Phú, An Giang vét ao bỏ nuôi cá tra chuyển sang làm trứng nước (nuôi vi sinh làm thức ăn cho cá lóc con)Ảnh: ĐỨC VỊNH
Tại nhiều địa phương khu vực ĐBSCL, đến nay người nuôi cá mười phần đã phá sản hết chín, những hộ còn bám trụ với nghề chỉ hi vọng giá cá nhích lên để hoàn các khoản lỗ, trả nợ ngân hàng.
Càng nuôi càng lỗ
Ngồi nhìn ra làn mưa mịt mù, ông Nguyễn Hữu Nguyên, từng là một đại gia cá tra ở Châu Phú (An Giang), thở dài cho biết theo con cá từ buổi đầu, nắm trong tay nhiều chục tỉ đồng giờ gần như về tay trắng. “Bao nhiêu tiền của, đất đai đã theo con cá xuống ao hết rồi” – ông Nguyên đúc kết “thành tích” sau gần 20 năm gắn bó với con cá tra.
Ông Nguyên là một điển hình của người nuôi cá tra còn sót lại đến bây giờ. Bắt đầu với con cá tra nuôi lồng bè, sau đó bỏ lồng nuôi trong quầng, rồi lại bỏ quầng vào trong ao. Những năm trước 2007, ông Nguyên vung tiền mua đất ở Long Xuyên rồi Châu Phú đào ao nuôi cá. Có thời điểm mỗi năm ông bán ra trên 10.000 tấn cá tra, lãi hàng chục tỉ đồng.
Từ năm 2008 đến nay giá cá tra liên tục sụt giảm, Nhà nước lại thắt chặt tín dụng, lãi suất tăng nên đa số người dân phải bán lỗ. Ông Nguyên buộc phải bán dần đất và các ao cá để trả nợ vay, thu hẹp dần diện tích nuôi. Vào năm 2011 do tiếp tục thua lỗ nặng, ông Nguyên phải bán cả ao nuôi, bán luôn nhà máy thức ăn để trả nợ. Dù bán gần hết tài sản để trả nợ, đến thời điểm này ông Nguyên vẫn còn nợ ngân hàng khoảng 2 tỉ đồng.
Tình trạng bỏ trống ao, người nuôi phá sản đang là chuyện thường gặp tại An Giang cũng như những vùng nuôi cá tra khác ở ĐBSCL như Cần Thơ, Đồng Tháp… Ông Nguyễn Văn Sơn (Châu Phú), người từng giữ trong tay hàng chục tỉ đồng từ cá tra, nay đã bỏ nghề, bán hết cả ao cá cho người ta.
Gom số tiền cuối cùng còn lại, ông Sơn mua một mảnh đất nhỏ ở đầu lộ vừa làm nhà vừa bán tạp hóa và đồ ăn sáng để sinh sống. Hỏi chuyện con cá tra, ông lắc đầu: “Tôi bỏ nghề lâu rồi, bao nhiêu tiền của đất đai theo con cá tra cả”. Rồi ông chỉ tay về khoảng xanh giữa đồng lúa gần đó nói: “Đó, gần 15 công đất ông bà để lại tôi phải bán cho người ta để trả nợ cho con cá đó”.
Ông Lê Chí Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, cho rằng hiện có 80% nông dân đã ngưng đầu tư nuôi cá tra. “Do xuất khẩu khó khăn nên nhiều doanh nghiệp (DN) đè giá thu mua cá nguyên liệu thấp xuống” – ông Bình giải thích. Theo bà Phan Thị Yến Nhi, giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, giá thành nuôi cá tra hiện 23.000-24.000 đồng/kg, trong khi DN mua vào chỉ 18.000-19.000 đồng/kg, càng nuôi càng lỗ.
Bán lỗ còn bị giật nợ
Trong một trang trại tiêu điều ở xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, ông Nguyễn Văn Khen cho biết gia đình mình gắn bó với nghề nuôi cá tra xuất khẩu suốt hơn chục năm nay, gần đây các DN chế biến thủy sản đều hạn chế thu mua nên người dân thường bán cho vựa cá tiêu thụ nội địa hay cơ sở làm khô phồng. Vừa qua một cơ sở ở thị xã Tân Châu mua cá của ông và bốn hộ khác tổng trị giá hơn 2 tỉ đồng không trả tiền rồi bỏ trốn bặt tăm. “Thấy nhiều người bỏ nuôi, gia đình tôi vay mượn thêm vốn cố duy trì hai ao nuôi với hi vọng giá cá sẽ nhích lên do thiếu nguồn cung. Nhưng giá cá tuột xuống dưới 20.000 đồng/kg, dưới giá thành nên tiếp tục thua lỗ. Vậy mà còn bị quỵt tiền nên giờ gần như trắng tay” – ông Khen bức xúc.
Ông Hồ Văn Nghĩa (Cần Thơ) kể ngoài việc liên tục lỗ lã do bán cá giá thấp, nông dân còn khốn đốn bởi nạn bị DN chiếm dụng tiền bán cá kéo dài. Ông bán cá cho Công ty V, DN này cứ lần lữa mãi không thanh toán như hợp đồng, sau khi qua tòa án giải quyết mỗi tháng chỉ trả cho ông 20 triệu đồng, hiện còn nợ khoảng 2 tỉ đồng. “Nhiều công ty làm ăn như vậy khiến người nuôi càng thua lỗ nặng nề đến chỗ khánh kiệt” – ông Nghĩa than thở.
Nhiều người nuôi cá cho biết dù sản lượng cá nguyên liệu thu hoạch chẳng bao nhiêu mà tiêu thụ vẫn rất khó. Thỉnh thoảng mới có DN hỏi mua cá trả chậm với giá chỉ 18.000-19.000 đồng/kg, thế nhưng mua xong sau hàng tháng trời mới thanh toán, thậm chí để nợ kéo dài.
Ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết hiếm có mặt hàng nào mà thỏa thuận mua bán dễ dàng như con cá tra. Mỗi ao cá bán ra có giá trị hàng tỉ đồng nhưng hợp đồng giữa bên mua và bên bán tạm bợ, thiếu tính pháp lý. Chính điều này tạo kẽ hở cho nhiều đơn vị làm ăn gian dối lợi dụng chiếm đoạt vốn và tài sản của người dân. Những đơn vị này sẵn sàng trả giá cao hơn từ 1.000-2.000 đồng/kg cá cho người dân và trả trước 30% hợp đồng, phần còn lại sẽ trả nốt sau một hoặc ba tháng. Với ao cá 500 tấn thì số tiền lời thêm đến cả tỉ đồng nên nhiều người dân chấp nhận bán. Khi mua được rồi thì doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách chậm trả tiền hoặc giật nợ của người dân.
Giảm sản lượng để tăng giá bán Ông Nguyễn Việt Thắng, chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN, cho rằng ĐBSCL có 70 nhà máy chế biến trong khi cả nước có tới hàng trăm đơn vị xuất khẩu, nên lâu nay tồn tại nạn cạnh tranh hạ giá bán rồi giảm chất lượng sản phẩm mà chẳng ai kiểm soát. Do đó, cần kiên quyết xử lý nạn cạnh tranh không lành mạnh nói trên, đồng thời phục hồi uy tín, giá trị cho con cá tra. Bên cạnh đó, cần giảm sản lượng nuôi khoảng 30% so với thực tế hiện nay, từ đó nâng cao chất lượng rồi xây dựng thương hiệu sản phẩm… để nâng giá xuất khẩu. “Cần phân bổ vùng nuôi phù hợp quy hoạch, cân đối được cung cầu, quan trọng là nên quy định DN có vùng nguyên liệu do tự đầu tư hay liên kết với nông dân mới được tham gia xuất khẩu” – ông Nguyễn Văn Kịch, tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex (Cần Thơ), đề nghị. Ông Lê Văn Nưng, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cũng đồng tình với việc giảm sản lượng để nâng cao chất lượng, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường kèm quảng bá thương hiệu với chất lượng cá tra VN. |
ĐỨC VỊNH – TRẦN MẠNH