Từ nỗi oan của cò
Số phận hẩm hiu của một con cò bị kết tội… nội gián ở Ai Cập là một trong những lo ngại mới nhất về việc sử dụng động vật trong hoạt động gián điệp.
Số phận hẩm hiu của một con cò bị kết tội… nội gián ở Ai Cập là một trong những lo ngại mới nhất về việc sử dụng động vật trong hoạt động gián điệp.
Con cò vô tội trong nhà giam Qena ở Ai Cập - Ảnh: Independent |
Giới chức Ai Cập mới đây đã bỏ tù một con cò vì tội làm gián điệp, do tưởng nhầm thẻ công nghệ di trú được gắn lên chân nó là thiết bị do thám. Theo tờ Independent, giới chức tỉnh Qena, cách Cairo khoảng 450 km về hướng đông nam, đã bắt sống con cò sau khi một công dân lưu ý thấy nó được gắn một thiết bị điện tử trên chân phải. Sau khi bắt được kẻ tình nghi, phía cảnh sát giám định con vật và chiếc hộp đó, và xác định đây không phải bom hay thiết bị do thám như đã tưởng. Cái hộp thật ra là thiết bị định vị do các nhà khoa học Pháp gắn lên con cò nhằm theo dõi hướng di chuyển của các loài chim di trú, chứ không phải do phía tình báo cố tình cài đặt để dòm ngó tình hình nội bộ của Ai Cập. Hài hước hơn nữa là phía cảnh sát công bố bức hình con cò bị nhốt đằng sau song sắt, với chú thích: “Thiên nga nước Pháp”.
Như đã thấy, con cò này hoàn toàn vô tội, cũng giống như nhiều động vật khác bị kết tội hoạt động nội gián trong những năm qua. Vào năm 2011, chính quyền Ả Rập Xê Út bắt một con chim kền kền bị nghi ngờ làm gián điệp cho cơ quan tình báo khét tiếng của Israel là Mossad, theo BBC. Một loạt các vụ cá mập tấn công gần khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh ở Hồng Hải vào năm 2010 bị một đài truyền hình tố là “tay sai khát máu” do Israel thuần dưỡng nhằm phá hoại ngành du lịch Ai Cập. Iran cũng hay cảm thấy bị đe dọa bởi các điệp viên động vật. Năm 2007, quân đội nước này bắt một nhóm gồm 14 “sóc gián điệp” gần một nhà máy làm giàu hạt nhân. Giới chức Tehran tuyên bố rằng đã thành công khi chặn đứng các nghi phạm “trước khi chúng có dịp ra tay hành sự”.
Dù vậy, không phải báo cáo nào về các động vật – gián điệp cũng đều đúng như trên thực tế. Tất nhiên, các chiến binh động vật đã xuất hiện trong quân đội từ đầu thế kỷ 20, khi người Đức lần đầu tiên gắn máy quay vào bồ câu để chụp ảnh từ không trung năm 1908. Rồi nỗ lực của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) nhằm cấy thiết bị nghe vào mèo, được gọi là Chiến dịch Thính giác Kitty, đã chấm dứt trong thất bại từ ngày đầu, khi con mèo vừa được tuyển mộ làm điệp viên bị xe cán chết ngoài Sứ quán Liên Xô tại Washington. Ước tính dự án này đã tiêu tốn hơn 14 triệu USD. Một dự án khác cũng rơi vào tình trạng tương tự như “bom dơi”, từng được Mỹ thử nghiệm trong Thế chiến thứ 2. Các nhà khoa học quân đội gắn các thiết bị gây cháy mini vào lũ dơi và quẳng chúng xuống Nhật Bản. Âm mưu ở đây là để dơi chui vào làm tổ trong các mái nhà làm toàn gỗ, gây hỏa hoạn. Sau đó, bom nguyên tử được chứng tỏ có hiệu quả hơn nhiều.
Có lẽ chiến binh được tuyển mộ và thành công nhất trong thế giới động vật chính là cá heo. Mỹ và Nga đã xác nhận sự tồn tại của các chương trình huấn luyện động vật biển có vú, theo đó cá heo và hải cẩu được dạy cách nhận dạng thủy lôi và vô hiệu hóa người nhái địch. Tuy nhiên, cũng như các binh sĩ trẻ, cá heo chứa đầy hormone và có thể đôi khi quên lãng nhiệm vụ, hay nói chính xác là đào ngũ. Vào tháng 3 năm nay, Bộ Quốc phòng Ukraine buộc phải bác bỏ những tin đồn về vụ 3 cá heo quân đội trốn thoát và chạy theo tiếng gọi của “bản năng gốc” ở Hắc Hải.
Phi Yến