Ngòi nổ sẽ được tháo?
Sáng 9-9 tại London, trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Anh William Hague, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bất ngờ nêu ra ý tưởng có thể tránh được chiến tranh nếu Chính phủ Syria chấp nhận giao kho vũ khí hoá học của họ cho cộng đồng quốc tế quản lý.
Ngòi nổ sẽ được tháo?
Người biểu tình phản đối tấn công quân sự vào Syria trước trụ sở Quốc hội Mỹ ở Washington DC hôm 9-9 – Ảnh: AFP
Sau đó trong ngày tại Matxcơva, khi họp báo chung với Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chẳng những nhanh chóng hưởng ứng ý tưởng do phía Mỹ nêu ra, mà còn thẳng thắn đề nghị Syria đặt kho vũ khí hóa học của mình dưới sự quản lý của cộng đồng quốc tế.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon lập tức tán thành ý tưởng của Mỹ và Nga, đồng thời đề xuất để Liên Hiệp Quốc nhận lãnh trách nhiệm kiểm soát tiến trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học nếu được Chính phủ Syria bàn giao.
Mọi người quan tâm lo lắng về những hệ lụy không thể lường hết nếu Mỹ phát động chiến tranh tàn phá Syria đều cảm nhận một sự bất ngờ thú vị khi đón nhận thông tin tốt lành này và đều cầu mong cho ý tưởng nêu trên trở thành hiện thực.
Đây quả là một lối thoát rất êm và rất đẹp với tất cả: Mỹ, Nga và cả chính quyền Syria. Nếu vũ khí hóa học tại Syria được giao nộp cho “cộng đồng quốc tế”, thì Tổng thống Mỹ Obama khỏi phải phát động chiến tranh mà vẫn đạt được mục đích “không để tái diễn sử dụng vũ khí hóa học tại Syria” mà ông từng công khai đòi hỏi.
Nga bớt lo về nguy cơ mất chỗ đứng chân cuối cùng tại Trung Đông. Chính quyền Syria tránh lâm vào cảnh bị vũ khí hiện đại của Mỹ tàn phá hạ tầng cơ sở, để phe đối lập tận dụng “thời cơ”…
Có lẽ vì thế mà Ngoại trưởng Syria, khi họp báo chung với Ngoại trưởng Nga Lavrov, đã “hoan nghênh” sáng kiến này của Nga. Tuy nhiên, ông al-Muallem vẫn buông một câu: “Chưa biết Tổng thống al-Assad có chấp nhận không?”.
Câu lấp lửng của ông al-Muallem thật đáng chú ý. Diễn biến của những phát biểu liên tiếp đưa ra từ phía Mỹ, Nga, Liên Hiệp Quốc dường như cho thấy có một sự “ăn ý nào đó”.
Cũng có thể suy luận rằng trong một chế độ như Syria, ngoại trưởng không thể nói “hoan nghênh” khi chưa biết ý của tổng thống thế nào.
Những động thái này cho thấy có do dự nào đó từ phía ban lãnh đạo Syria, mặc dù sau cuộc họp báo chung với ông Lavrov, Ngoại trưởng Syria đã họp báo riêng “khẩn cấp” và tuyên bố “ban lãnh đạo Syria hoan nghênh sáng kiến của Nga”.
Việc “ban lãnh đạo Syria” chấp nhận sáng kiến của Nga nhanh một cách bất thường như thế cũng gây hoài nghi. Ngoại trưởng Anh cho rằng không thể dễ dàng tin một người “vốn có quá trình thất tín” như tổng thống Syria.
Còn tướng Salim Idriss – chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng quân đội giải phóng Syria (FSA) của quân nổi dậy – khẳng định “cả chính quyền Syria và Nga đang đánh lừa thế giới”. Ông này nói với phóng viên aljazeera.net nhờ “cảnh báo người Mỹ chớ có mắc lừa”!
Trong khi đó, Loay al-Maqdad – cố vấn chính trị và truyền thông của FSA tại Paris – nhận xét với alarabiya.net: “Việc đáp ứng nhanh chóng chỉ trong vòng một giờ đối với sáng kiến của Nga là điều lạ lùng đối với chế độ như Syria”.
Ông này tuyên bố: “Hội đồng tham mưu trưởng của FSA bác bỏ mọi lời lẽ của ông al-Muallem hôm nay (9-9), coi đó chỉ là một nỗ lực nữa để bịt mắt cộng đồng quốc tế và kéo dài thời gian”.
Một số nhà bình luận Ả Rập bày tỏ sự hoài nghi khi nhắc lại những lần trước đây chính quyền Syria đã chấp nhận các sáng kiến của Ả Rập (cuối năm 2011) và của Liên Hiệp Quốc (nửa đầu năm 2012) rồi “lèo lái” để tất cả đều lâm vào ngõ cụt!
Diễn biến hôm thứ hai quá nhanh và có tính chất đột phá. Chắc cần thêm thời gian để xem đích thân Tổng thống al-Assad lên tiếng chính thức thế nào. Hi vọng tổng thống Syria có thể đưa ra câu trả lời tích cực cho ý tưởng của Mỹ và sáng kiến của Nga để tránh “một hành động quân sự” không ai mong muốn.
Sự chấp thuận của ông al-Assad (nếu có) còn được hiểu với ý nghĩa sâu rộng tích cực hơn nhiều, bởi đây có nghĩa là đồng minh “chống lưng” cho chính quyền Syria trên thực địa là Iran cũng chấp nhận giao nộp vũ khí hóa học của Syria cho cộng đồng quốc tế.
Nếu quả thật như vậy sẽ là một dấu hiệu để hi vọng vào đường lối cởi mở hơn của Iran liên quan đến cuộc khủng hoảng “chương trình hạt nhân” gây rất nhiều tranh cãi của nhà nước cộng hòa Hồi giáo.
NGUYỄN NGỌC HÙNG