Sinh viên cũng bắt mặc cùng kiểu!?
Thay vì có quy định nhắc nhở sinh viên ăn mặc nghiêm túc khi đến trường, nhiều trường bắt sinh viên phải mặc luôn đồng phục và có những quy định hết sức vô lý, rất khó thực hiện trong thực tế.
Thay vì có quy định nhắc nhở sinh viên ăn mặc nghiêm túc khi đến trường, nhiều trường bắt sinh viên phải mặc luôn đồng phục và có những quy định hết sức vô lý, rất khó thực hiện trong thực tế.
|
Không được mặc quần jeans, áo thun
Theo Cẩm nang sinh viên ĐH và CĐ chính quy năm học 2012 – 2013 của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, sinh viên (SV) phải mặc đồng phục vào 2 ngày trong tuần. Ngày thứ hai, nữ mặc áo dài, nam mặc áo sơ mi trắng dài tay và quần sẫm màu. Thứ sáu, SV phải mặc áo sơ mi vàng tay lửng, nữ mặc váy màu đen và nam mặc quần sẫm màu. Tuy nhiên, điều khiến nhiều SV bất bình là quy định không được mặc áo thun không cổ, không đi dép lê khi đi học và ra vào trường, trường còn cấm SV mặc đồng phục thể dục vào trong lớp học, nghĩa là sau giờ thể dục SV phải thay trang phục trước khi lên giảng đường. Nếu SV vi phạm sẽ không được vào lớp học, thanh tra đào tạo lập biên bản để xử lý và chấm điểm rèn luyện cuối năm…
Trường ĐH Đồng Tháp cũng có quy định tương tự. SV không được mặc trang phục thể thao khi đến lớp. Đặc biệt, trường này yêu cầu SV phải mặc đồng phục tất cả các ngày trong tuần. Trong đó, nữ SV ngành sư phạm giờ học lý thuyết, vào phòng thi phải mặc áo dài hoặc bộ váy áo, đi giày hoặc dép quai hậu. SV nữ các ngành khác khi lên lớp phải mặc đồng phục gồm quần âu, áo sơ mi và áo bỏ trong quần. Riêng với SV các hệ liên thông, vừa làm vừa học và học viên cao học, khi đến lớp, vào phòng thi không được mặc quần jeans, áo thun. Nếu SV mặc trang phục không đúng quy định sẽ không được cho vào lớp.
Trường ĐH Phú Yên thì quy định dù chỉ là thường phục mặc hằng ngày nhưng khi ra vào trường SV nam phải mặc quần âu có đeo thắt lưng, đi giày và áo bỏ trong quần. SV nữ cũng phải mặc quần âu hoặc váy. Trường CĐ Viễn Đông cũng vừa ban hành quy định đồng phục học sinh, SV trong năm nay. Theo đó, SV vào lớp phải mặc đồng phục trường, cấm mặc áo thun không cổ kể cả khi đến trường vào ban đêm. Nếu vi phạm, SV sẽ bị mời ra khỏi lớp học, cấm thi, trừ điểm thi đua và xét hạnh kiểm.
Trường ĐH Quốc tế miền Đông còn quy định đồng phục riêng của mỗi khoa.
Thế giới không ai quy định đồng phục SV
|
Trao đổi vấn đề này, thạc sĩ Lê Tấn Phát, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, giải thích: “Hiện SV chính quy của trường đã chuyển hết xuống cơ sở tại Thủ Đức. Tại cơ sở này, ký túc xá nằm ngay trong khuôn viên trường nên rất nhiều SV khi ra vào cổng trường chỉ mặc đồ ngủ, đi dép lê. Trường ban hành văn bản này nhằm chấn chỉnh tình hình, kiên quyết lập lại kỷ cương học đường”. Thạc sĩ Phát nói thêm: “Quan điểm của tôi là SV nên mặc đồng phục, vì khi đó SV sẽ tự có ý thức hơn trong hành động của bản thân”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết quy định đồng phục trong SV. Ngay Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng nhận định: “Tôi thấy rằng trên thế giới dường như không có trường ĐH và CĐ nào quy định đồng phục cho SV. Tôi cũng đi nhiều nước, đến nhiều trường ĐH và thấy rằng SV của họ ăn mặc rất thoải mái”. Ông Ga nhấn mạnh: “Không nên quy định đồng phục SV giống như học sinh bậc phổ thông, SV cần được ăn mặc thoải mái để thể hiện cá tính riêng qua trang phục, miễn sao đảm bảo sự kín đáo, lịch sự”. Tiến sĩ Vũ Thị Hạnh Thu, giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cũng nhìn nhận: “Không nên quy định SV cần mặc gì cụ thể, chỉ cần SV phải ăn mặc kín đáo. Bản thân tôi khi đứng lớp, được nhìn thấy SV ăn mặc đẹp cũng thú vị hơn nhiều. Quần áo đồng phục, tôi cho rằng chỉ nên mặc vào các dịp lễ chứ không nên mặc trong ngày thường đi học”.
Chính vì quy định quá gò bó và những khoản cấm không thực tế nên hầu hết các SV đều phản ứng.
P.T.D, ngành ngôn ngữ Anh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, khẳng định: “Em thấy việc mặc gì không quan trọng, miễn sao nghiêm túc không hở hang là được. Chẳng hạn như cái áo thun em đang mặc đây, dù không có cổ nhưng vẫn kín đáo và rất lịch sự”. N.T.L.P, ngành tài chính ngân hàng, cho biết: “Nếu buộc SV không được mang dép lê tới trường, áo thun không cổ… thì quá khắt khe mà không cần thiết”. P. này còn nêu quan điểm SV nên được tự do lựa chọn trang phục vì ngoài ngồi học bài ở giảng đường, SV còn tham gia rất nhiều hoạt động khác như vào thư viện, tham gia hoạt động ngoại khóa, học bài theo nhóm… “Do vậy, nhiều trường quy định SV không được mặc quần jeans áo thun mà phải mặc đồng phục thì sẽ rất gò bó, đôi khi bất tiện cho SV trong quá trình di chuyển và học tập”, P. phân tích.
Với quy định không được phép mặc đồng phục thể dục vào giảng đường, N.T.T, ngành tài chính ngân hàng, phản đối: “Quy định này rất bất hợp lý, bởi xét về sự nghiêm túc thì đồng phục thể dục đã đảm bảo được cả chiều dài, rộng, sự thoải mái và kín đáo”. SV này còn lý giải nếu không mặc đồng phục thể dục vào lớp, trong ngày học thể dục, SV phải mang theo một bộ đồ khác để thay. Nếu quên mang theo quần áo thay, SV chỉ còn cách nghỉ học!
Trang phục cũng thể hiện cá tính và sáng tạo Tuổi SV là lứa tuổi trẻ trung, thoải mái, không còn quá nhỏ để bắt các em phải gò bó vào chuyện phải ăn mặc như thế nào. Hãy để các em thể hiện cá tính và sáng tạo của mình thông qua trang phục, không nên ép các em vào một khuôn mẫu chung. Nếu có, thì chỉ nên để SV mặc đồng phục (thiết kế phải đẹp, phù hợp với tính chất của ngành học) vào một ngày nào đó trong tuần. Còn lại nên để các em ăn mặc thoải mái. Tuy nhiên, các bạn trẻ cũng đừng vì thế mà mặc quần short, áo hai dây vào trường, hoặc mặc trang phục kệch cỡm, lố lăng, không phù hợp với môi trường học đường. Còn quần jeans, áo thun cổ tròn đơn giản mà đẹp và năng động, tôi nghĩ phù hợp với lứa tuổi SV. Nhà thiết kế LÊ THANH PHƯƠNG SV cần mặc đẹp SV cần ăn mặc theo phong cách của riêng mình. Bởi lẽ, ăn mặc là cách định hình nên tính cách riêng, cũng là một yếu tố khuyến khích sự tự do sáng tạo. Nếu trang phục đẹp, kết hợp với giày dép đúng cách SV trông sẽ thanh lịch hơn. Tuy nhiên, SV cần phải biết cách ăn mặc để hợp với hoàn cảnh, ví dụ trong trường học không nên mặc quần lửng, áo cổ sâu… Thạc sĩ tâm lý học NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU Ảnh hưởng đến tâm lý Việc quy định đồng phục quá chi tiết sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, tính cách của học sinh, SV. Khi học sinh, SV không thích màu sắc, hoặc kiểu dáng đó, các em sẽ dễ có tâm lý không thoải mái, chán ghét… dẫn đến bị ức chế và khó học tốt được. Thạc sĩ NGUYỄN THỊ MỸ LINH (giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tại TP.HCM ) Mỹ Quyên – Hà Ánh – Minh Luân (ghi)
|
Hà Ánh