09/01/2025

Chiếc váy phụ nữ Hà thành

Đầu thế kỷ 15, giặc Minh xâm lược nước ta đã bắt phụ nữ mặc áo ngắn, quần dài theo kiểu phương Bắc. Thế nhưng khi Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, đến triều vua Lê Thần Tông đã định phép ăn mặc cho dân.

 

Chiếc váy phụ nữ Hà thành

Không phải lúc nào phụ nữ Hà thành cũng được quyền thoải mái mặc váy.

Thăng trầm chiếc váy

Đầu thế kỷ 15, giặc Minh xâm lược nước ta đã bắt phụ nữ mặc áo ngắn, quần dài theo kiểu phương Bắc. Thế nhưng khi Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, đến triều vua Lê Thần Tông đã định phép ăn mặc cho dân. Theo Đất lề quê thói (Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu): “Vua Lê Huyền Tông còn cấm đàn bà con gái không được mặc áo có thắt lưng và mặc quần có ống chân”, nghĩa là buộc phải mặc váy. Cái váy ngỡ tưởng chỉ là “hạ y” che phần dưới của đàn bà thế nhưng nó lại bị sử dụng cho mục đích chính trị.

Để tách biệt với Đàng Ngoài, chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765), đã xưng vương gọi là Võ Vương, cho đúc ấn quốc vương, định ra các nghi thức triều đình và đưa ra một số cải cách. Về ăn mặc của người Kẻ Chợ, cuốn Về vương quốc Đàng Ngoài và Kinh thành Kẻ Chợ (xuất bản năm 1695, đăng lại trên tạp chí L.Cadiere) có đoạn “Trang phục người ta mặc ở xứ này là chiếc áo dài khoác ngoài, chiếc khăn chít trên đầu màu đen cao và tròn. Đàn bà cũng mặc kiểu áo ấy nhưng dài đến tận chân, bên trong họ mặc chiếc váy đen, tóc để xõa tự nhiên, hở mặt. Họ khá đẹp tuy nước da có hơi rám nắng”.


Thiếu nữ Hà Nội xưa mặc yếm và váy – Ảnh: Tư liệu 

Trong Việt Nam văn hóa sử cương, học giả Đào Duy Anh viết: “Vào khoảng năm 1744, chúa Võ Vương ở phương Nam bắt dân gian cải cách y phục. Theo giáo sĩ Koffler thì chúa bắt bỏ lối quần áo thô bỉ của người Đàng Ngoài mà châm chước theo lối quần áo người Tàu. Có lẽ từ bấy giờ đàn bà Đàng Trong mới mặc quần và áo cài khuy mà không mặc áo thắt vạt và mặc váy như người Đàng Ngoài nữa”.

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh xưng vương và lập ra nhà Nguyễn, đến đời Minh Mạng (1820 – 1841) ông vua này đã ra chỉ dụ bắt đàn bà con gái từ sông Gianh trở ra mặc quần. Quốc triều chính biên toát sử chép: “Tháng 10 năm 1828, truyền đổi cách ăn mặc từ sông Gianh ra Bắc”, dân Đàng Ngoài chế giễu chỉ dụ của Minh Mạng.

Tháng 8 có chiếu vua ra 
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì phải mượn quần chồng sao đang
Có quần ra quán bán hàng
Không quần ra đứng đầu làng trông quan

Tuy nhiên 10 năm sau, đàn bà từ Quảng Bình trở ra vẫn mặc váy bất chấp lệnh vua. Đại Nam thực lục chính biên ghi lại sự bực tức của Minh Mạng “Đàn ông, con trai đóng khố, đàn bà con gái mặc áo khép vạt vào nhau, dưới thì mặc váy… Một số nơi vẫn duy trì hủ tục, phải chăng cố ý trái lệnh trẫm. Nay truyền cho viên tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát các tỉnh phải giải thích, khuyên nhủ cho dân biết rõ ý trẫm. Lại ban hạn trong năm nay (1837) tất cả phải thay đổi quần áo. Nếu năm tới còn kẻ nào ngoan cố quần áo phải trị tội thật nặng”.

Váy lĩnh cô kia quét sạch hè

Sự bực tức của Minh Mạng cũng chỉ gây nỗi sợ hãi cho đàn bà con gái thuộc tầng lớp khá giả hay vợ con các quan ở Hà Nội, họ buộc phải thay váy bằng quần, nhưng còn với dân thì chỉ dụ không làm họ sợ vì họ không nghĩ ra cái váy, đẻ ra là giống đái ngồi tất phải mặc váy để phân biệt với bọn đái đứng. Quan niệm của Minh Mạng “Ngày nay nước nhà cương thổ đã hiệp nhất thì chính trị, phong tục lẽ nào khác biệt” không sai, nhưng dùng quyền để cưỡng bức phong tục đã khiến chỉ dụ về ăn mặc thất bại. Cuối thế kỷ 19, vợ con quan chỉ mặc quần mỗi khi vua ra Bắc nhưng ngày thường hay tết nhất họ vẫn mặc váy. Theo bài Năm mới của Tú Xương (1870 – 1907) thì phụ nữ Hà Nội giàu có vẫn mặc váy:

Khéo báo nhau rằng mới với me
Bảo nhau rằng cũ, chẳng ai nghe
Khăn là bác nọ to tầy rế
Váy lĩnh cô kia quét sạch hè

Các bức ảnh do người Pháp Defieufil chụp Hà Nội và Bắc kỳ cuối thế kỷ 19 vẫn thấy đàn bà, con trẻ mặc váy. Trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam (xuất bản năm 1909), về cái váy, tác giả Henry Oger vẽ một người đàn bà mặc váy và chú bằng chữ Hán “Dã phụ y thử quần, tục danh quần đúm” (Váy của đàn bà nhà quê, tục gọi là váy đùm).

Váy xưa về cơ bản là có cạp, bằng vải hay bằng tơ tằm nhuộm, và có váy ngắn váy dài. Đi kèm với váy là áo thắt hai vạt trước với nhau. Do công việc đồng áng vất vả nên chiều dài và chất liệu váy ở quê cũng khác Thăng Long – Hà Nội, nơi tập trung nhiều thành phần trong đó có vợ con quan, gia đình khá giả, vợ con các nhà Nho… không chân lấm tay bùn. Kẻ sang ở Thăng Long – Hà Nội mặc váy lĩnh đen hay màu tam giang (giữa màu đen và màu nâu), bậc trung thì mặc màu đen và dân lao động thì cũng mặc màu thâm. Váy lĩnh cạp điều, nhưng phải là lĩnh dệt ở làng Bưởi, mặc với áo the được cho là nhã nhặn nhất, đó cũng là mơ ước của nhiều chị em.

Song dùng váy giết giặc ngoại xâm thì chỉ Thăng Long mới có. Chuyện kể rằng vào năm 1414, lúc đó quân Minh đô hộ nước ta, có cô đào tên Hoa, múa đẹp hát hay, đã cùng các đào nương khác mở quán rượu ngay gần hồ Lục Thủy (hồ Hoàn Kiếm hiện nay) để dụ quân Minh vào. Tối tối, các đào mặc váy lĩnh xếp ly, đeo yếm đào múa hát, đám giặc thấy các cô đào trẻ đẹp lại mặc váy và yếm, hai thứ chúng chưa thấy bao giờ ở phương Bắc nên vào quán uống rượu và xem hát múa. Khi đám giặc say mềm, các cô nhét vào bao buộc chặt lại rồi cho đám đàn ông khuân ra bờ đê ném xuống sông Cái. Tướng giặc thấy không đánh trận mà quân lính cứ mất dần đã bí mật cho theo dõi và chúng phát hiện ra việc làm của đào Hoa. Chúng bắt đào Hoa rồi treo cổ trên cây ven hồ. Sau khi đánh đuổi giặc Minh, nhớ công ơn của đào Hoa, Lê Lợi đã cho xây đền và gọi là Đông Hương với ý nghĩa là hương thơm ở phía đông thành. Dân trong vùng phong cô là “Phúc thần dân thôn Tự Tháp” và đổi đền thành đình.

Sau phong trào ăn mặc tân thời, cái váy truyền thống của phụ nữ Việt gần như không thấy ở Hà Nội dù rằng vẫn thấy ở các miền quê. Kể ra cũng hơi tiêng tiếc.

Nguyễn Ngọc Tiến