12/01/2025

5 đời tổng thống Mỹ và 7 cuộc chiến lớn

Từ hơn 3 thập niên qua, không có tổng thống Mỹ nào chưa từng điều động quân đội tham gia các chiến dịch quân sự nhằm vào các nước khác.

 

5 đời tổng thống Mỹ và 7 cuộc chiến lớn

Từ hơn 3 thập niên qua, không có tổng thống Mỹ nào chưa từng điều động quân đội tham gia các chiến dịch quân sự nhằm vào các nước khác.

Là đại diện đảng Cộng hòa hay Dân chủ, bị xem là “diều hâu” hay được đánh giá là ôn hòa, 5 đời tổng thống gần đây nhất của Mỹ đều can hệ tới chuyện binh đao. Tổng thống đương nhiệm Barack Obama, người từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 2009, cũng không phải ngoại lệ. Mới đây, ông Obama tuyên bố nếu được quốc hội phê chuẩn, quân đội nước này sẽ tấn công Syria, sau khi chính quyền Damascus bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học vào ngày 21.8. Trong số các lần động binh của Mỹ, không ít chiến dịch hoàn toàn đơn phương, không thông qua LHQ và bị cộng đồng quốc tế, kể cả một số đồng minh phương Tây, chỉ trích mạnh mẽ.

Ronald Reagan (đảng Cộng hòa, nhiệm kỳ 1981 – 1989)

Theo tờ The New York Times, từ tháng 9.1982, Mỹ tham gia chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ tại Li Băng. Ngày 23.10.1983, lực lượng Hezbollah và một tổ chức Hồi giáo cực đoan thực hiện 2 vụ tấn công liên tiếp nhằm vào các căn cứ của Mỹ và Pháp ở Beirut làm 241 binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Ngay sau đó, quân đội 2 nước đáp trả bằng một số cuộc không kích nhằm vào các trại huấn luyện của Hezbollah.

 Lính Mỹ bắt người dân Iraq trong những ngày đầu của cuộc chiến năm 2003 - d
Lính Mỹ bắt người dân Iraq trong những ngày đầu của cuộc chiến năm 2003 – Ảnh: The Australian

Cũng trong năm 1983, Tổng thống Reagan ra lệnh tấn công đảo quốc Grenada với đề nghị chính thức từ Tổ chức Các quốc gia đông Caribe (OECS). Từ năm 1979, quan hệ giữa Mỹ và đảo quốc này đã trở nên căng thẳng do chính quyền Grenada tỏ rõ sự ủng hộ đối với Cuba và Liên Xô. Ngày 19.10.1983, Thủ tướng Grenada Maurice Bishop bị lật đổ và xử tử. Lấy lý do “bảo vệ an toàn cho công dân Mỹ” và ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô và Cuba tại khu vực Caribe, quân đội Mỹ thực hiện chiến dịch Urgent Fury và nhanh chóng giành chiến thắng. Tuy nhiên, sự can thiệp của Mỹ bị Đại hội đồng LHQ và nhiều nước phương Tây phản đối. Đặc biệt, Anh đã tỏ ra khá giận dữ khi không được Mỹ thông báo gì về kế hoạch tấn công nhằm vào một nước thuộc khối Thịnh vượng chung.

Năm 1986, Washington một lần nữa bị cộng đồng quốc tế chỉ trích nặng nề khi không kích Libya để trả đũa việc nước này đứng sau vụ đánh bom vũ trường La Belle ở Berlin (Tây Đức), làm 1 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và 63 người bị thương. Đài BBC dẫn lời Tổng thống Reagan tuyên bố thẳng thừng: “Nếu một chế độ thù địch tấn công công dân Mỹ thì chừng nào tôi còn ở vị trí này, chúng tôi còn đáp trả”.

George H.W.Bush (đảng Cộng hòa, nhiệm kỳ 1989 – 1993)

Dưới thời Tổng thống George H.W.Bush, các chính sách về chính trị và quân sự của Mỹ không mấy thay đổi so với người tiền nhiệm. Ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ vào tháng 12.1989, ông Bush cha quyết định can thiệp quân sự vào Panama để lật đổ Manuel Noriega, lãnh đạo chính quyền quân sự nước này khi đó. Mỹ đã đưa ra các luận điểm sau: đảm bảo an toàn cho công dân Mỹ tại Panama; chống buôn lậu ma túy; bảo đảm thỏa thuận về kênh đào Panama không bị xâm phạm… Từ chỗ từng hợp tác với CIA, đến đầu thập niên 1980, tướng Noriega bắt đầu khiến Washington khó chịu do ông này bị cáo buộc cung cấp thông tin mật của Mỹ cho Cuba và ủng hộ các nước Đông Âu. Sau vụ lật đổ, ông Noriega bị dẫn độ qua Mỹ để xét xử các tội danh buôn bán ma túy và tham nhũng. Kết quả bỏ phiếu ngày 29.12.1989 cho thấy Đại hội đồng LHQ phản đối chiến dịch của Mỹ tại Panama với tỷ lệ 75 – 20.

Đến tháng 1.1991, Mỹ cùng 33 quốc gia khác thực hiện chiến dịch quân sự để gây sức ép buộc Iraq phải rút quân khỏi Kuwait. Tổng thống Bush đã đi trước LHQ khi bắt đầu gửi quân đến khu vực vùng Vịnh trước đó nhiều tháng. Tuy giành chiến thắng nhưng liên quân không lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein.

Bill Clinton (đảng Dân chủ, nhiệm kỳ 1993 – 2001)

Dưới thời Tổng thống Clinton, tuy cắt giảm chi phí dành cho quốc phòng nhưng Mỹ vẫn thực hiện hoặc tham gia các chiến dịch quân sự ở nhiều nơi trên thế giới. Mở đầu là việc gửi quân cùng lực lượng 19 nước khác đến Haiti vào tháng 9.1994 để giúp khôi phục quyền lực cho Tổng thống Jean-Bertrand Aristide, vốn bị quân đội đảo chính từ tháng 9.1991.

Từ năm 1994, Tổng thống Clinton gửi lực lượng tham gia chiến dịch quân sự của NATO trong giai đoạn xảy ra chiến tranh Nam Tư . NATO đã thực hiện nhiều cuộc không kích nhằm vào các căn cứ của Serbia để tránh “cuộc tàn sát chủng tộc” đối với người Hồi giáo Bosnia. Tiếp đó, Mỹ lại gửi quân cùng lực lượng của NATO can thiệp vào xung đột Kosovo vào năm 1999.

Năm 1993, Mỹ thực hiện chiến dịch Gothic Serpent nhằm bắt giữ thủ lĩnh quân sự Mohamed Farrah Aidid tại Somalia. Tuy nhiên, trong các ngày 3 – 4.10.1993, khoảng 160 biệt kích Mỹ bị tới hơn 2.000 tay súng của Aidid bao vây tại Mogadishu. Hậu quả là 19 bính sĩ thiệt mạng, 84 người bị thương, 1 người bị bắt sống và 2 máy bay trực thăng bị bắn rơi. Đây là một cú sốc lớn cho Mỹ và Tổng thống Clinton buộc tuyên bố rút quân. Trận Mogadishu sau đó được đưa lên màn bạc với bộ phim nổi tiếng Black Hawk Down (tạm dịch: Diều hâu gãy cánh) hồi năm 2000.

George W.Bush (đảng Cộng hòa, nhiệm kỳ 2001 – 2009)

Sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001, Mỹ chính thức bước vào thời kỳ “chiến tranh phòng ngừa”: tấn công trước để khỏi bị tấn công, theo tờ Le Monde. Cuộc chiến đầu tiên khởi đầu ngày 7.10.2001 ở Afghanistan, Mỹ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ LHQ, EU, NATO. Được đà, Tổng thống Bush con tìm cách nhổ luôn “cái gai” là Tổng thống Iraq Saddam Hussein khi quy cho ông này che giấu vũ khí hủy diệt hàng loạt và có liên hệ với al-Qaeda. Tuy nhiên, những lý lẽ thiếu chứng cứ này đã không thuyết phục được nhiều nước thuộc Hội đồng Bảo an. Bất chấp tất cả, Mỹ vẫn đổ bộ vào Iraq ngày 20.3.2003.

Với sức mạnh quân sự vượt trội, Mỹ nhanh chóng chiếm được Afghanistan và Iraq nhưng “quá trình chuyển giao dân chủ” đã không diễn ra như mong đợi. Các vụ tấn công diễn ra như cơm bữa ở Iraq, Aghanistan và cả Pakistan. Ngoài ra, để “chống lại khủng bố”, Mỹ thực hiện nhiều vụ tấn công, không kích bằng máy bay không người lái làm hàng trăm ngàn người thiệt mạng.

Barack Obama (đảng Dân chủ, Tổng thống đương nhiệm)

Tổng thống Obama được đánh giá là ôn hòa hơn so với người tiền nhiệm nhưng dưới sự lãnh đạo của ông, Mỹ vẫn là một trong những nước đi đầu trong chiến dịch không kích vào Libya hồi tháng 3.2011 nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Và tính đến nay, Tổng thống Mỹ cũng là lãnh đạo phương Tây có quan điểm cứng rắn nhất về Syria.

 

‘Phớt lờ’ quốc hội

Việc Tổng thống Obama hỏi ý quốc hội về chiến dịch Syria gây ngạc nhiên cho dư luận vì động thái này đã phá vỡ tiền lệ trong nhiều thập niên qua.

Theo Hiến pháp Mỹ, quốc hội nước này được quyền ‘tuyên bố chiến tranh’ nhưng đã không “thực hiện” quyền này kể từ Thế chiến 2, theo AFP. Thông thường, các tổng thống Mỹ với tư cách Tổng tư lệnh quân đội sẽ trực tiếp ra lệnh tấn công nếu đó là những chiến dịch ước tính kéo dài dưới 60 ngày. Trong những trường hợp này, quốc hội hầu như chỉ được ‘thông báo’.

 

Nguyễn Ngọc Lan Chi