Thiếu “chất xám” trong khai thác khoáng sản
“Cấp phép thế này thì chết rồi” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thốt lên như thế khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Nguyễn Minh Quang báo cáo trong hai năm qua, các địa phương đã cấp 957 giấy phép khai thác khoáng sản thì có quá nửa vi phạm pháp luật.
Thiếu “chất xám” trong khai thác khoáng sản
TS Đỗ Quốc Bình – Ảnh: VIỆT DŨNG
Luật khoáng sản đã có hiệu lực thi hành cách đây 25 tháng nhưng câu chuyện “loạn cấp phép” vẫn chưa có hồi kết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS ĐỖ QUỐC BÌNH – chủ tịch Hội Khoáng sản VN – cho rằng chúng ta đang thiếu “chất xám” trong khai thác, chế biến và cả trong công tác quản lý, tư duy cát cứ, xin – cho, ăn xổi vẫn tồn tại cùng với kỷ luật, kỷ cương không nghiêm minh nên mọi chuyện mới xảy ra như vậy.
Lợi nhuận chảy vào túi một nhóm người…
Đừng đào bới nhiều quá! “Chúng tôi xin đề nghị các tỉnh và cũng muốn truyền đi thông điệp là đừng đào bới nhiều quá, nhân dân không được gì nhiều mà hậu quả thì rất lớn”. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Nguyễn Minh Quang đã nói như thế tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20-8. |
* Thưa ông, sự thật thì nước ta giàu hay nghèo tài nguyên khoáng sản?
– Có người nhận định rằng khoáng sản VN giống như cái mẹt của bà hàng xén, mỗi thứ có một chút nhưng không có gì nhiều. Đấy là nhận xét không đầy đủ và phần nào mang lối tư duy manh mún, ăn xổi. Sự thật thì tài nguyên của chúng ta rất phong phú, đa dạng, một số loại có trữ lượng lớn và giá trị kinh tế cao. Tôi lấy ví dụ chuỗi mỏ vàng ở Phước Sơn (Quảng Nam), nếu nhìn vào từng mỏ thì ít, nhưng trữ lượng của một chuỗi mỏ thì nhiều. Cho đến nay, công tác thăm dò, quy hoạch khoáng sản của chúng ta vẫn yếu và thiếu cụ thể.
Tài nguyên khoáng sản là tài sản trời phú cho mỗi quốc gia, nhưng không có nghĩa một đất nước có nhiều tài nguyên khoáng sản sẽ giàu có. Nếu đất nước anh nghèo và trình độ anh lại kém thì anh chỉ biết đào lên để xuất thô, hiệu quả kinh tế rất thấp trong khi hậu quả xấu với môi trường và xã hội có thể rất lớn. Cựu bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Phạm Khôi Nguyên từng nói trước Quốc hội rằng có quốc gia điều kiện tài nguyên khoáng sản tương tự VN nhưng họ đã thu từ khoáng sản tới 40% cho ngân sách, còn VN thì khoáng sản mới đóng góp 3% cho GDP, chúng ta có những mỏ nếu đem đấu giá có thể thu được cả tỉ USD…
Điểm yếu nhất của chúng ta trong khai thác khoáng sản là trí tuệ về công nghệ. Cùng là cát thủy tinh, người Nhật nhập của VN về làm ra rất nhiều sản phẩm, nhưng vì sao chúng ta không sản xuất được gì? Đơn giản là vì chúng ta thiếu “chất xám”. Một ông chủ được cấp phép khai thác mỏ vàng, mỏ bạc thì ông ấy chỉ lấy được vàng, bạc đem đi bán, chứ ông ấy đâu biết trong vàng có platin, trong bạc có paladi rất quý. Tôi từng chứng kiến người ta khai thác mỏ bạc nhưng thật ra đó là mỏ chì, kẽm vì hàm lượng chì, kẽm rất lớn, nhưng ông chủ mỏ chỉ khai thác mỗi bạc, còn bỏ hết. Thất thoát, lãng phí trước hết là ở chỗ này. Chúng ta xuất khẩu đá vôi trắng rồi lại nhập bột đá tinh đắt gấp mấy lần để làm giấy cao cấp, làm sơn, trong khi hoàn toàn có thể nhập công nghệ về nghiền đá.
* Có ý kiến cho rằng nước ta còn nghèo như vậy thì có gì cứ khai thác đem bán để lấy tiền đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, nhưng ý kiến khác lại nói khai thác vừa thôi, đừng ăn mất phần của con cháu. Ý ông thế nào?
– Tôi nhớ lại câu chuyện tranh luận giữa hai nhà khoa học: một ông nói rằng trữ lượng vonfram trên thế giới sẽ cạn kiệt, cần phải tiết kiệm cho tương lai; ông khác thì khẳng định con người không thiếu trí tuệ để nghiên cứu ra những vật liệu thay thế vonfram và không thiếu trí tuệ để tìm ra những mỏ vonfram mới. Hai mươi năm sau, kết quả là người ta đã tìm ra thêm nhiều mỏ vonfram cùng công nghệ chế tạo ưu việt, và thế giới không khan hiếm vonfram. Tôi nghĩ rằng khi đã đói thì mình phải kiếm cái ăn, mà dễ nhất là tìm cái có sẵn trong tự nhiên. Nhưng ăn phải biết để dành, bởi hôm nay ăn hết rồi thì mai không còn mà ăn nữa. Đói mà không ăn sẽ chết đói, nhưng ăn mà lãng phí thì sau này con cháu sẽ oán trách.
Nếu khai thác cái mỏ mà dân địa phương không được hưởng quyền lợi gì, phải chịu hậu quả ô nhiễm môi trường, đóng góp ngân sách chẳng được bao nhiêu, còn lợi nhuận chảy hết vào túi chủ mỏ và vào túi người cấp phép khai thác thì không thể chấp nhận được. Chúng ta không sợ khai thác sẽ mất hết, mà sợ việc khai thác đó chỉ đem lại lợi ích cho một nhóm người. Vấn đề lớn nhất của ta hiện nay là “chất xám” trong khai thác, chế biến khoáng sản rất thấp và “chất xám” trong quản lý cũng không cao. Vì lẽ này, nhiều người mới cho rằng hãy để dành, khi nào “chất xám” nhiều hơn hãy khai thác, bởi khi đó nó sẽ đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao hơn.
* Loạn cấp phép, tình hình trật tự xã hội phức tạp ở những địa bàn khai khoáng, ô nhiễm môi trường… Cơ thể đất nước đầy “thương tích” bởi người ta đào bới khắp nơi. “Chất xám” ít, công nghệ lạc hậu, nhưng các mỏ khoáng sản vẫn như miếng mồi béo bở của một nhóm người nào đó, tiền chảy vào túi họ, còn xã hội dường như không được gì…
– Các cụ nói “chảo không mật mỡ kiến bò chi”, phải ăn được thì người ta mới xâu xé, chạy chọt. Luật pháp không thiếu, ví dụ như đã có quy định phải ký quỹ bảo vệ môi trường, tức là khi bắt đầu khai thác thì anh phải đóng một khoản tiền vào ngân hàng để sau khi khai thác xong phải hoàn trả mặt bằng, xử lý môi trường khu vực đó. Ở tất cả các nước đều thế, ông phải ký quỹ tôi mới cho ông bắt tay vào khai thác. Nhưng theo tôi biết thì ta vẫn chưa làm được. Vấn đề nữa là lợi nhuận ông thu được từ mỏ phải chia lại cho dân bản địa, tạo công ăn việc làm và phúc lợi. Đó là nguyên tắc phân chia lợi ích. Bây giờ thử hỏi doanh nghiệp khai thác khoáng sản thì dân trên địa bàn đó được cái gì? Xin thưa là không được gì cả. Người ta sống bao đời ở đấy, gắn với đất đấy, rừng đấy, vậy mà lại không được gì. Thế nên người ta mới phá.
Hãy đưa mọi chuyện ra ánh sáng
* Chuyện từng xảy ra ở Bồng Miêu, Phước Sơn (Quảng Nam), Na Rì (Bắc Kạn) và nhiều nơi khác…
– Thử kiểm tra xem mỏ vàng Bồng Miêu mỗi năm nộp ngân sách được bao nhiêu tiền. Tại sao ở Phước Sơn, Bồng Miêu người dân cứ liều mình nhảy vào làm vàng, công an bắt người ta vẫn cứ nhảy vào? Bởi vì có thực tế là dân ở đó người ta làm vàng bao đời nay, nó là nghề, là nghiệp, là mưu sinh. Nếu vì lý do gì đó không được làm nữa, họ cũng không được tái đầu tư bằng cách giải quyết việc làm mới, tăng cường phúc lợi xã hội thì họ lại tìm mọi cách khai thác lậu, bất chấp hiểm nguy.
* Trong hai năm Luật khoáng sản có hiệu lực thi hành, địa phương cấp 957 giấy phép, hơn một nửa trong số này là trái luật. Dường như người ta không sợ luật. Tại sao vậy?
– Đấy là câu chuyện về quản lý nhà nước. Tôi nghĩ Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang biết rằng khi ông ấy làm chủ tịch UBND hoặc bí thư tỉnh ủy mà nói một câu thì anh giám đốc sở tài nguyên – môi trường rất sợ. Nhưng bây giờ ông làm bộ trưởng thì nói ông giám đốc đâu có sợ, chủ tịch tỉnh lại càng không sợ, bởi ông bộ trưởng đâu có quyền bổ nhiệm và cách chức một giám đốc sở tài nguyên – môi trường.
Lẽ ra theo ngành dọc thì bộ phải quản lý về mặt chuyên môn với các sở và phải thiết lập kỷ luật hành chính bằng cách ông sai thì tôi có quyền xử. Nhưng thực tế bộ không quản lý hành chính và cũng không quản lý chuyên môn được, vậy nên quan chức cấp tỉnh người ta là vua trong lãnh địa của mình.
Đấy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vừa nói rằng ông cho là có tiêu cực trong cấp phép và đặt ra câu hỏi thanh tra đâu, kiểm tra đâu, sai nhiều như vậy sao không ai bị xử lý? Có tiêu cực, sai mà không bị xử lý, vậy người ta sợ gì mà không làm sai, đặc biệt là trước những miếng mồi béo bở.
Chúng ta đã để tồn tại quá lâu cả một cơ chế xin – cho, tư duy bao cấp, cát cứ đè nặng lên công tác quản lý. Sự yếu kém trong quy hoạch, thẩm định giá trị của các mỏ cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng loạn cấp phép, loạn khai thác. Trước đây từng có tình trạng các doanh nghiệp đi xin giấy phép cứ yêu cầu thẩm định trữ lượng thật lớn, vống lên so với thực tế để sau đó bán lại giấy phép cho dễ. Rất may là vừa rồi chúng ta mới có quy định đấu giá mỏ, rồi ký quỹ… Cái mỏ có một triệu tấn bây giờ ông không thể nói vống lên có mười triệu tấn, bởi ông phải đóng thuế và ký quỹ tương đương với mười triệu tấn. Như vậy là buộc ông phải làm thật. Đáng tiếc là nhiều quy định của luật pháp lại chưa được thực thi.
* Vậy phải làm thế nào để lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản, thưa ông?
– Dễ thôi, đưa mọi chuyện ra ánh sáng. Trước hết là phải công khai thông tin quy hoạch khoáng sản, trữ lượng, thông tin đấu giá mỏ, ai trúng thầu, luận chứng kinh tế kỹ thuật đâu, đã ký quỹ môi trường chưa, tiền thuế đóng bao nhiêu… Mọi người sẽ nhìn vào đó để giám sát. Các quy định về đấu thầu khai thác mỏ, ký quỹ môi trường phải được thực hiện nghiêm túc. Các hội đồng đánh giá, thẩm định trữ lượng, giá trị của mỏ phải được tổ chức chặt chẽ, có chất lượng, làm việc công khai, minh bạch. Nếu mấy ông ngồi hội đồng thẩm định mà nhận phong bì chục triệu, thậm chí là trăm triệu để nhẹ tay ký vào thì Nhà nước có thể mất hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Cũng quan trọng không kém là mọi sai phạm phải bị xử lý nghiêm minh mới tránh được tình trạng “cấp phép thế này thì chết rồi”.
LÊ KIÊN