23/01/2025

Đổi mồ hôi lấy đường đến trường

Nhận giấy báo điểm, ngay sau niềm vui là nỗi âu lo canh cánh ập đến với các bạn: tiền đâu để có thể đến trường. Vậy là các bạn phải lăn vào đời kiếm tiền. Có tiền mới dám nghĩ đến chuyện bước vào giảng đường ĐH.

Đổi mồ hôi lấy đường đến trường

Nhận giấy báo điểm, ngay sau niềm vui là nỗi âu lo canh cánh ập đến với các bạn: tiền đâu để có thể đến trường. Vậy là các bạn phải lăn vào đời kiếm tiền. Có tiền mới dám nghĩ đến chuyện bước vào giảng đường ĐH.

Nguyễn Thị Định bứt rèng về làm chổi bán – Ảnh: Quốc Nam 

Đi về những vùng quê nghèo Quảng Trị, chúng tôi không khỏi xót lòng vì bắt gặp rất nhiều tân sinh viên như thế…

Từ gánh chổi rèng

Gio Mai (Gio Linh, Quảng Trị) mùa này gió Lào thổi quần quật. Trên đồi cát, hai chị em Nguyễn Thị Định và Nguyễn Thị Hà liêu xiêu với gánh cây rèng hối hả về nhà. Trời ban trưa, cát trắng bỏng rát, hai chị em như vừa đi vừa chạy. ”Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là nhập trường, nên phải tranh thủ đi bứt rèng về làm chổi bán. Tiền ăn học của mấy chị em ở đó” – Định, cô chị, chia sẻ.

Nhà Định nằm khuất sâu trong hẻm dẫn về làng Lâm Xuân. Bố mẹ Định ở nhà cũng chưa kịp chuẩn bị cơm trưa, đang cặm cụi trước hiên nhà ngồi buộc từng nắm rèng thành chổi. Vừa về, hai chị em Định vội cởi tấm áo choàng lao động bên ngoài rồi lao vô cùng bó chổi với bố mẹ. Định là tân sinh viên Trường ĐH Nông lâm Huế, sinh năm 1991, là chị thứ hai trong gia đình có sáu người con, nhưng năm nay mới thi năm đầu. Định kể vừa tốt nghiệp cấp III em không đi thi ĐH ngay. Ngày các bạn lên tàu đi thi, cũng là ngày em xách balô vào Sài Gòn làm thuê. Ông Nguyễn Tài Ánh, bố Định, nói Định học khá nhưng phải đi làm bởi bốn em đang đi học. Ngay cả anh trai đầu của Định là Nguyễn Tài Nhân cũng không được đi thi ĐH ngay mà phải sang Lào làm thuê hơn hai năm. Hai anh đầu phải nhường quyền đi học cho bốn em sau.

Hai năm lăn lộn ở đất Sài Gòn làm công nhân, đầu năm 2013 Định lại nhớ chữ nghĩa, nhớ trường lớp. Em lẳng lặng tự đi mua sách cũ về ôn. Ngày đi làm, đêm nào không tăng ca thì đem sách ra học. Đến ngày 30-6 vừa rồi Định mới từ Sài Gòn trở về nhà để đi Huế thi ĐH. “Em thi được 22 điểm khối C. Ngay cả em cũng bất ngờ” – Định nói.

Định đi làm công nhân, mỗi tháng gửi về phụ giúp gia đình gần 2 triệu đồng. Nay em đậu ĐH, bố mẹ Định cứ vò đầu bứt tai tìm nguồn tiền cho em học bốn năm, cũng như nuôi các em khác đi học. Em gái thứ tư của Định cũng đậu luôn vào khoa luật thuộc ĐH Huế. Từ khi hai chị em Định đậu ĐH, bố Định tuy vui nhưng ít nói hẳn. “Con trai đầu tui năm ni vô năm cuối hệ CĐ ĐH Nông lâm Huế. Con gái thứ ba chuẩn bị vô năm 2 ĐH Ngoại ngữ Huế. Tính hai đứa ni đậu nữa, tức là năm nay tui phải nuôi cùng lúc bốn đứa học ĐH. Đó là chưa kể con trai thứ năm đang học lớp 12 Trường chuyên Lê Quý Đôn (Đông Hà) và con út đang học lớp 6. Không lo sao được!”.

Là nông dân, ruộng được mấy sào, hai vợ chồng ông Ánh chỉ còn biết dựa vào đồng cát mênh mông cạnh làng. Ngày hai buổi hai vợ chồng cùng mấy chị em Định lên đồng cát bứt rèng làm chổi bán. Khi rèng ở đồng gần hết thì phải đi đồng xa mới có. Có ngày mấy chị em Định phải đi bộ cả 5-7km để bứt rèng. Mỗi cái chổi rèng bán được 1.500 đồng. Mỗi ngày cả nhà làm được khoảng 40 cái, kiếm khoảng 60.000 đồng. Tháng gần đây phải làm đêm để kiếm thêm chút tiền cho bốn đứa con nhập trường. “Nhiều khi cũng kiệt quệ, vay nóng vay nguội đủ kiểu, nhưng kệ, cho con học đã rồi tính sau” – bà Thiện, mẹ Định, vẫn lạc quan.

Đến mẻ bánh tiêu

Cách nhà Định chỉ 20 cây số, tân sinh viên Mai Thị Tâm (ở Tân Định, Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị) cũng đang cặm cụi làm từng mẻ bánh tiêu, bánh ít, kiếm từng đồng để chuẩn bị nhập học. Mẹ Tâm mất khi em vừa ra đời, ba đi theo người đàn bà khác chưa đầy một năm sau đó, Tâm sống cùng ông bà ngoại từ đó đến nay. Ông bà ngoại Tâm đã ngoài 70 tuổi. Mừng cháu đậu vào CĐ Sư phạm Quảng Trị, bà ngoại chỉ biết cặm cụi thức khuya dậy sớm hơn để bán thêm từng cái bánh tiêu, từng trái cau, lá trầu…

Năm ngoái Tâm cùng bạn đi sinh nhật về. Một chiếc xe máy bất ngờ đâm phải em, Tâm bị hỏng luôn mắt trái. Thương cháu, ông bà ngoại bán hết tài sản trong nhà, cầm luôn sổ đỏ đem cháu ra Hà Nội để cứu mắt cho cháu, nhưng bất lực. Học lớp 12 Tâm phải xin cô cho ngồi bàn đầu để còn thấy được chữ. Ngày đi thi ĐH ai cũng lo cho Tâm. Riêng Tâm vẫn luôn quyết tâm như chưa hề bị khuyết mất một phần cơ thể. “Em nghĩ đến mẹ, đến sự lam lũ cưu mang của ông bà suốt chừng ấy năm để quyết đi thi. Ít ra sau này còn giúp được ông bà những năm cuối đời” – Tâm rơm rớm nước mắt.

Thương ông bà đã già lại còn phải lam lũ, từ ngày học cấp II Tâm đã biết giúp ông bà quán xuyến việc nhà. Đến cấp III, Tâm không dám đi học thêm nhiều bởi sợ ông bà thêm vất vả. Bà bán bánh tiêu, bánh ít nên Tâm quán xuyến tất cả việc làm bánh ở nhà. Sáng từ 5g Tâm đã thức dậy rán bánh tiêu cho bà đi bán xong mới đến lớp. Trưa về Tâm lại lao vào nhồi bột, nấu nhân, làm một mẻ bánh ít rồi mang ra chợ cùng bán với bà ngoại. Tối Tâm giúp bà gói bánh, hấp bánh rồi mới học bài. Mỗi ngày của Tâm luôn kết thúc sau 24g đêm. Những ngày này khi sắp nhập trường Tâm lại càng phải làm nhiều bánh hơn, vừa đủ bán mùa Vu lan, vừa kiếm thêm được ít tiền trang trải việc học hành sắp đến. ”Tâm nguyện duy nhất của em là ông bà được khỏe, ít nhất là sau khi em ra trường, để em còn được trả hiếu” – Tâm nói.

QUỐC NAM