Dựng rào bắt… trộm
Nhiều vùng nông thôn ở tỉnh Tiền Giang vốn ăn ngủ không yên vì nạn trộm cướp, giờ trở nên yên bình sau khi dân dựng cổng rào bắt trộm.
Dựng rào bắt… trộm
Cổng rào bắt trộm ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) – Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Hàng chục đối tượng trộm cắp phải tra tay vào còng sau khi lọt vào “mê hồn trận” cổng rào của dân.
Trộm vào thì… khỏi ra
Từ những bức xúc của người dân trước nạn trộm cắp, cướp giật hoành hành, tháng 6-2010 Công an huyện Cái Bè triển khai xây dựng mô hình “cổng rào bắt trộm” ở các điểm nóng. Do vùng Cái Bè có đặc trưng là đa số con đường giao thông chính ở các xã, ấp đều chạy cặp sông, rạch nên các cổng rào bắt trộm được dựng lên ở các con đường này.
Theo người dân, mỗi con đường của xã được xây dựng hai cổng rào chính ở đầu đường và cuối đường. Ngoài ra, nếu đường có nhiều nhánh thì ở mỗi nhánh lại có thêm cổng rào bắt trộm nữa. Tất cả cổng rào đều có ổ khóa để khóa lại vào ban đêm. Chìa khóa được giao cho 4-5 hộ dân sống gần cổng rào để tiện mở, đóng cổng hằng ngày. Ông Nguyễn Văn Tín, phó Công an huyện Cái Bè, cho biết: “Cách thức vận hành của cổng rào bắt trộm rất đơn giản. Khi người dân phát hiện các đối tượng trộm cắp hoặc khả nghi sẽ chủ động gọi điện cho những người giữ chìa khóa cổng rào ở các tuyến đường để đóng cổng lại, đồng thời gọi báo công an xã. Lúc này các cổng rào được đóng kín chỉ trong một vài phút. Bọn trộm cướp chẳng khác nào “cá nằm trong rọ”. Công an và người dân sẽ truy bắt rất dễ”.
Chỉ trong khoảng hai năm, các cổng rào ở huyện Cái Bè đã giúp công an và người dân bắt được 41 đối tượng trộm cướp, đánh nhau, gây tai nạn rồi bỏ chạy, giúp phá được 32 vụ án. Chị Phạm Thị Bé ở xã Mỹ Lương kể: “Tôi đang chạy xe máy trên đường thì bị hai đối tượng đi xe máy từ phía sau vọt lên giật túi xách chạy vào đường bêtông thuộc xã An Hữu. Tôi tri hô “cướp, cướp” thì có nhiều người dân đuổi theo hai đối tượng này. Một lúc sau tất cả cổng rào ở xã này đồng loạt đóng kín. Hai tên cướp vứt xe chạy trốn vào vườn cây ăn trái nhưng sau đó bị bắt cùng với túi xách của tôi”.
Anh N.V.T. ở xã Mỹ Đức Tây được người dân giao giữ chìa khóa cổng rào chống trộm trong xã. Anh cho biết tất cả hộ dân trong xã đều có số điện thoại của anh và những người giữ chìa khóa. Khi nghe báo tin có trộm, anh lập tức chạy ra đóng cổng rào và gọi những người khác ra hỗ trợ bắt trộm. Anh kể khoảng năm 2012, khi đang ở trong nhà ăn cơm, nghe báo trộm, anh liền chạy ra đóng cổng rồi hô to để mọi người xung quanh ra hỗ trợ… “Khoảng năm phút sau tôi nghe có tiếng xe máy rú ga chạy về hướng cổng rào. Hai thanh niên nằm rạp trên xe máy phóng xe với tốc độ rất cao, phía sau là người dân và công an đuổi theo. Tôi đứng ngay giữa cổng rào giơ gậy lên sẵn sàng… Hai đối tượng cướp giật thấy bị bao vây khó thoát khỏi cổng rào nên bỏ xe chạy bộ vào vườn và bị chúng tôi rượt theo tóm gọn. Từ vụ này sau đó ít khi nghe có trộm cướp trong xóm nữa” – anh T. kể.
Ăn ngon, ngủ yên, không còn sợ trộm
Một số tỉnh đến Tiền Giang học hỏi kinh nghiệm Ông Nguyễn Văn Tín, phó Công an huyện Cái Bè, cho biết mô hình cổng rào bắt trộm của huyện đã được các tỉnh bạn như Bến Tre và một số tỉnh phía Bắc đến nghiên cứu, học hỏi cách làm. Theo ông Tín, để cổng rào bắt trộm có hiệu quả cần phải xây dựng cổng rào ở tất cả các nhánh đường trong xã, nếu chỉ xây dựng ở các trục đường chính thì hiệu quả sẽ không cao. |
Thấy được hiệu quả tích cực từ việc dựng cổng rào bắt trộm, Công an huyện Cái Bè tiếp tục triển khai xây dựng thêm các cổng rào tại các xã khác trong huyện. Đến nay toàn huyện đã có tới 382 cổng rào bắt trộm được xây với chi phí thấp do người dân góp vật liệu làm là chính. Rồi người dân cũng tự hùn tiền xây dựng thêm 38 cổng rào khu vực mình ở. Công an huyện còn vận động người dân dựng cột, kéo dây điện, gắn bóng đèn thắp sáng các con đường nông thôn để dễ dàng phát hiện, truy bắt trộm.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân huyện Cái Bè cho biết họ rất mừng vì tệ nạn xã hội, trộm cắp đã lắng xuống. Miền quê sông nước Cái Bè giờ khá thanh bình như vốn có trước đây. Ông Nguyễn Văn Bảo ở xã Mỹ Đức Tây cho biết kể từ khi có cổng rào bắt trộm, ông và người dân ở đây đêm nào cũng được ngủ ngon, không còn nghe tri hô “cướp, cướp” thường xuyên như mấy năm trước.
Còn ông Nguyễn Văn Giám, 68 tuổi, ngụ tại xã Mỹ Đức Đông, nói dù bây giờ không xảy ra trộm cướp trong xã nhưng người dân vẫn rất cảnh giác. Thấy người lạ mặt có biểu hiện nghi vấn lảng vảng sẽ bí mật báo cho nhau biết để chốt chặn ở các cổng rào và theo dõi đối tượng.
Từ mô hình cổng rào bắt trộm hoạt động hiệu quả tại huyện Cái Bè, Công an tỉnh Tiền Giang đã nhân rộng cách làm này ra các địa phương khác như Chợ Gạo, Châu Thành, Cai Lậy, TP Mỹ Tho… Các cổng rào bắt trộm đã giúp công an bắt hàng trăm vụ trộm cướp, góp phần làm cho người dân có cuộc sống bình yên.
TR.GIANG – HOÀI THƯƠNG