10/01/2025

Về chốn thi ca

Hà Tiên từng được ca ngợi qua Hà Tiên thập cảnh. Nay 10 cảnh đẹp ấy đã thay đổi theo tác động của con người và thời gian.

 

Về chốn thi ca

Hà Tiên từng được ca ngợi qua Hà Tiên thập cảnh. Nay 10 cảnh đẹp ấy đã thay đổi theo tác động của con người và thời gian. 

Về miền thập cảnh

Hà Tiên (Kiên Giang) nổi tiếng qua 10 cảnh đẹp đi vào thi ca, gồm: Kim Dữ lan đào, Bình San điệp thúy, Tiêu Tự thần chung, Giang Thành dạ cổ, Thạch Động thôn vân, Châu Nham lạc lộ, Đông Hồ ấn nguyệt, Nam Phố trừng ba, Lộc Trĩ thôn cư, Lư Khê ngư bạc. Mười bài vịnh thập cảnh về Hà Tiên do Mạc Thiên Tích sáng tác đã được các thi nhân xướng họa lại hơn 300 bài. Thi sĩ Đông Hồ đã dịch mười bài thơ của Mạc Thiên Tích, chú giải Đông Hồ và Lộc Trĩ liền nhau một dòng nước chảy. Nam Phố với Lư Khê tiếp nhau một cánh bãi dài. Tiêu Tự thì chuông, Giang Thành thì trống. Châu Nham thì chim, Kim Dữ thì cá.

 

Theo dấu văn thơ - Kỳ 12: Về chốn thi ca 1 
Núi Kim Dữ đã dính với đất liền – Ảnh: T.D

 

Thập cảnh bây giờ ra sao? Cái gì còn, mất? Nếu bây giờ chạy xe qua cuối cầu Tô Châu vào thị xã sẽ thấy một hòn non ngay tay trái được gọi là núi Pháo Đài tức Kim Dữ xưa, nếu không chú tâm chẳng ai biết đấy là cảnh đầu tiên trong thập cảnh. Núi Kim Dữ xưa là tấm bình phong chắn gió làm cửa biển Hà Tiên thêm tráng lệ. Ngoài ra còn có vị trí quân sự quan trọng, xưa núi nằm cách xa đất liền nhưng năm 1930 Pháp đã bắt các tù chính trị làm con lộ thông ra núi nên dần dà hòn Kim Dữ thành đảo dính với đất liền, không còn bị con giao long dưới chân hòn làm cho dịch chuyển như tương truyền trước đây. Vì thế câu thơ: “Một dẫy non xanh nước bích liền/Giăng ngang cho mạnh đẹp sông Tiên/Đông Nam sóng biển bằng trang cả/Trên dưới trăng trời sáng rực lên” (trích bản dịch Kim Dữ lan đào do Đông Hồ dịch), quang cảnh quá khác xưa.

Đêm ngủ ở Hà Tiên mơ màng mong được nghe một tiếng “thần chung” để “phù sanh một giấc chiêm bao”, nhưng tiếc thay chẳng thấy…

 

Theo dấu văn thơ - Kỳ 12: Về chốn thi ca 2 
Châu Nham lạc lộ – một thập cảnh còn trong tranh cãi

 

Ra Đông Hồ thưởng ngoạn ánh trăng như bài thơ Đông Hồ ấn nguyệt: “Khói lạnh mây tan cõi diểu mang/Một vùng phong cảnh giữa hồng quang/Trời xa mặt sóng in đôi bóng…” sẽ khó trọn vẹn bởi hiện nay nhiều cồn nổi đã xuất hiện trong lòng hồ che bớt ánh trăng. Ngoài ra, đầm Đông Hồ ngày xưa có lắm tôm cá nhưng nay ít dần do nạn đánh bắt tận diệt. Gần đây, trong các lễ hội ngành chức năng phải cho thả cá xuống để tái tạo nguồn cá tự nhiên. Đó là chưa kể ô nhiễm đầm do rác thải và nhiều thứ khác thải xuống lòng hồ. Bên bờ Đông Hồ treo bảng quy hoạch xây hồ thành đảo công viên văn hóa và làng sinh thái Đông Hồ làm người dân vừa mừng vừa lo. Mừng vì Hà Tiên có thêm chốn vui chơi, khai thác du lịch, lo vì sợ cảnh xưa bị khai thác sẽ còn chăng vầng trăng sáng vằng vặc trên đầm Đông Hồ. 

 

 
 

Hiểu hết Hà Tiên bây giờ chỉ còn lại Trần Phình Chu (72 tuổi) và Trương Minh Đạt (77 tuổi). Lúc khỏe, ông Chu chuyên tâm viết tỉ mỉ Nghề đồi mồi Hà Tiên và Nghề huyền Hà Tiên in thành sách do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tài trợ. Bây giờ ông Chu sức khỏe đã kém. Trong các bài thơ xướng họa Hà Tiên, ông đã dịch được hơn 60 bài, đó cũng là một thành tích. Hiện nay ông quá yếu, đọc sách còn khó khăn, huống gì dịch thơ.

 

 

Mất tiếng “điểu đình”, đá hết nuốt mây

Châu Nham lạc lộ từng được ví von là “điểu đình” bởi ngày xưa vùng này chim cò bay đậu rợp trời như đúng câu thơ Đông Hồ đã dịch: “Bóng rợp mây dâm phủ núi non/Bay la bay lả trắng hoàng hôn”. Vài chục năm trước, mùa mưa đường vô núi sình lún phải đi bộ nhưng nay đường đất khá phẳng phiu, xe chạy một mạch. Bây giờ chim cò trên núi lác đác chỉ còn lại dư âm dai dẳng của cuộc “bút chiến” giữa nhà Hà Tiên học với các nhà nghiên cứu khác khi ông khẳng định Đông Hồ, Mộng Tuyết đã lầm khi cho rằng Châu Nham là Đá Dựng. Cùng với Châu Nham, vẫn còn cuộc bút chiến khác liên quan đến một trong thập cảnh ấy chính là Nam Phố trừng ba. Ông Đạt cho rằng Nam Phố trừng ba – tức bãi Nam sóng lặn không thể ở Bãi Ớt như Đông Hồ nhận định mà gần bờ hồ Đông Hồ. 

Điểu đình mất, núi Thạch Động cũng hết nuốt mây như câu thơ: “Chẳng hẹn khói mây thường lẩn quất”. Nếu đến đây với ý định ngắm mây bay ùa vào động sẽ rất khó. Thạch Động còn gắn liền với tích Thạch Sanh chui vào hang sâu chém đại bàng cứu công chúa. Nhưng gần đây do tai nạn, để đề phòng người rớt xuống đáy hang, người ta đã bịt miệng hang lại. Còn lối thông thiên lên trời – nơi đại bàng chui vào vẫn còn đó ngó trời xanh.

Vào sâu tham quan Thạch Động, khách sẽ được những người trong hang cầm cây sào tre nhỏ chỉ cho xem hình công chúa, hình Phật Bà Quan Âm nổi lờ mờ trên vách núi. Sinh thời Mộng Tuyết đã phê phán vì núi Thạch Động là núi đá vôi đẹp như khối ngọc bích, thạch nhũ quanh năm ứa ra nước mát, rất ngọt nên núi đã đẹp không cần thêm thừa những chuyện không đâu. Nữ sĩ cũng từng than thở khi đường ra Mũi Nai – tức Lộc Trĩ thôn cư cảnh cũ đã trở nên cứng ngắt, rặng dừa không còn thoai thoải bên bờ biển, thôn xóm không thơ mộng như xưa.

Hà Tiên thập cảnh giờ là vậy, cảnh xưa không mất đi chỉ biến đổi cùng thời gian. Nhiều người cho rằng giữ hồn xưa làm gì khi đời sống khó khăn, nhưng mà khai thác không giữ lại cái xưa thì Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh còn gì là giá trị thơ ca!

 Thanh Dũng