10/01/2025

Lợi ích nhóm trong y tế

Bên cạnh mặt tích cực của việc xã hội hóa dịch vụ y tế, thực tế cũng tồn tại nhiều mặt trái, bất bình thường mà không ít người cho rằng đó là hiện tượng bỏ rơi quyền lợi người bệnh để phục vụ lợi ích cho một nhóm người.

 

Lợi ích nhóm trong y tế

Bên cạnh mặt tích cực của việc xã hội hóa dịch vụ y tế, thực tế cũng tồn tại nhiều mặt trái, bất bình thường mà không ít người cho rằng đó là hiện tượng bỏ rơi quyền lợi người bệnh để phục vụ lợi ích cho một nhóm người.

Điển hình và mới nhất là tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hoài Đức (H.Hoài Đức, TP.Hà Nội). Bên cạnh tố cáo gian lận xét nghiệm, nhiều bác sĩ còn tố cáo có những dấu hiệu lợi ích nhóm ở bệnh viện (BV) này.

 Lợi ích nhóm trong y tế
Minh họa: DAD

Máy công “đắp chiếu”, máy tư chạy “tẹt ga”

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tháng 12.2011 và tháng 8.2012, BVĐK Hoài Đức lần lượt tiếp nhận 3 thiết bị của Công ty cổ phần dược phẩm Hà Tây (Công ty dược Hà Tây), gồm máy huyết học, máy phân tích nước tiểu và máy sinh hóa máu bán tự động. Trước đó, BV này đã được trang bị bằng ngân sách nhà nước 2 máy huyết học và 1 máy sinh hóa máu bán tự động mới 100%. Tuy nhiên, các máy của BV dù được coi là loại xịn, do Đức sản xuất không hiểu vì sao luôn trong tình trạng hoạt động tậm tịt và bị “đắp chiếu”.

 

 
 

Sự thiếu minh bạch trong việc mua sắm máy móc cho BV, để máy móc “đắp chiếu” cũng như việc cho Công ty dược Hà Tây lắp đặt máy và bán hóa chất là những biểu hiện của lợi ích nhóm gây ảnh hưởng đến cán bộ nhân viên trong BV cũng như quyền lợi của người bệnh, cần phải được làm rõ

 

Trích đơn nhóm cán bộ bác sĩ BVĐK Hoài Đức gửi cơ quan báo chí

 

 

Trong văn bản gửi Công ty dược Hà Tây vào tháng 11.2011, Giám đốc BVĐK Hoài Đức Nguyễn Trí Liêm cho biết do máy móc của BV thường xuyên hỏng hóc, nguồn kinh phí tự chủ chưa có nên đề nghị phía Công ty dược Hà Tây cho mượn máy để phục vụ khám chữa bệnh. Thế nhưng, theo đơn tố cáo của nhiều bác sĩ BVĐK Hoài Đức, việc mượn, lắp đặt các loại máy nói trên tại BV là không minh bạch. Cụ thể, tổng giá trị của 3 chiếc máy nói trên chỉ khoảng 250 triệu đồng, hiện tại nhiều phòng khám tư nhân đã trang bị được, trong khi tổng thu hằng năm của BVĐK Hoài Đức khoảng 20 tỉ đồng nên không cần phải “than nghèo kể khổ” để mượn máy của doanh nghiệp. Mặt khác, dù được coi là thiếu máy móc nhưng lãnh đạo BVĐK Hoài Đức không lập kế hoạch mua bổ sung, cũng không xin cấp ngân sách để mua. Quan trọng hơn, các máy nhà nước trang bị cho BV cũng chỉ bị những lỗi nhỏ như hỏng dây bơm, bàn phím, bóng đèn nhưng lãnh đạo BVĐK Hoài Đức không sửa chữa, bảo dưỡng mà quyết định mượn máy từ Công ty dược Hà Tây.

Cùng với việc máy nhà nước nằm “đắp chiếu” hoặc hoạt động tậm tịt thì máy móc mượn của Công ty dược Hà Tây được đưa vào khu vực xét nghiệm ngoại trú, là nơi chiếm 97% khối lượng công việc xét nghiệm của toàn BV.

Để làm rõ hơn việc cho mượn máy, PV Thanh Niên đã có buổi tiếp xúc với Công ty dược Hà Tây. Điều bất ngờ là người đại diện của công ty này cho biết một số máy công ty không có mà phải đi thuê từ nơi khác với giá hàng chục triệu đồng để cho BVĐK Hoài Đức… mượn. Câu hỏi đặt ra là vì sao Công ty dược Hà Tây lại tốt đến mức sẵn sàng đi thuê máy rồi đem cho BVĐK Hoài Đức mượn?

Bán hóa chất và đưa phong bì

Theo bà Hoàng Thị Nguyệt, cán bộ Khoa Xét nghiệm BVĐK Hoài Đức, một trong những người đứng đơn tố cáo những sai phạm tại BVĐK Hoài Đức, thì bản chất việc mượn máy, lắp đặt tại BVĐK Hoài Đức là nhằm để sử dụng hóa chất do Công ty dược Hà Tây cung cấp. Làm việc với PV Thanh Niên, đại diện Công ty dược Hà Tây cho biết trong 2 năm 2011-2012, công ty này đã trúng thầu tổng cộng hơn 1 tỉ đồng hóa chất cung cấp cho BVĐK Hoài Đức. Giải thích nghịch lý đi thuê máy cho người khác mượn, vị đại diện cho công ty này nói là để… chiều theo ý khách hàng.

Theo nhiều bác sĩ BVĐK Hoài Đức, cùng với việc lắp đặt 2 máy huyết học và phân tích nước tiểu, Khoa Xét nghiệm đã được cung cấp các loại hóa chất có tên là Stronalyso, Cellclean, Cellpack, Mission để phục vụ cho máy hoạt động. Các loại hóa chất này không thuộc loại hóa chất do bộ phận chuyên môn dự trữ thực tế và không giống các loại hóa chất thường dùng trước đây. “Chúng tôi có hỏi thì được lãnh đạo trả lời  hóa chất được cung cấp theo máy, tức máy nào thì phải dùng theo hóa chất đó”, một bác sĩ cho biết. Đáng chú ý, trong khi một số bác sĩ Khoa Xét nghiệm phản ứng vì hóa chất do Công ty dược Hà Tây cung cấp có chất lượng không ổn định thì có người bắn tiếng sẽ trích “phần trăm” trên cơ sở lượng hóa chất được tiêu thụ.

Bà Hoàng Thị Nguyệt cho biết, vào ngày 13.11.2012, trong lúc bà đang được giao phụ trách Khoa Xét nghiệm do trưởng khoa đi vắng thì được một nam nhân viên Công ty dược Hà Tây đưa cho một phong bì và nói: “Đây là phần trăm dành cho chị”. “Trước tập thể khoa, chúng tôi bóc ra đếm được 5,1 triệu đồng và 1 mảnh giấy ghi số hóa chất để tiêu thụ”,  bà Nguyệt cho hay. Theo một số bác sĩ BVĐK Hoài Đức, việc đơn vị lắp đặt máy đưa phong bì không chỉ một lần, ngoài cán bộ thì lãnh đạo khoa phòng được đưa riêng.

Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện cho Công ty dược Hà Tây cho biết việc đưa tiền cần chờ kết luận của cơ quan điều tra, nhưng công ty đã tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ được phản ánh là đưa tiền “phần trăm” kể trên. Theo vị này, việc đưa tiền là vi phạm pháp luật, trái với quy định của công ty.

“Sự thiếu minh bạch trong việc mua sắm máy móc cho BV, để máy móc “đắp chiếu” cũng như việc cho Công ty dược Hà Tây lắp đặt máy và bán hóa chất là những biểu hiện của lợi ích nhóm gây ảnh hưởng đến cán bộ nhân viên trong BV cũng như quyền lợi của người bệnh, cần phải được làm rõ”, nhóm cán bộ bác sĩ BVĐK Hoài Đức kiến nghị trong đơn gửi cơ quan báo chí. (Còn tiếp)

 

Không phải cá biệt

Năm 2009, tại BV K, PV Thanh Niên từng phát hiện vụ việc tương tự. Theo đó, BV K được ngân sách đầu tư 1,4 triệu USD để mua máy gia tốc, kèm theo khoảng 60.000 USD/năm để duy tu, bảo dưỡng. Sau khi đi vào hoạt động, bình quân một ngày chiếc máy điều trị cho khoảng 150 bệnh nhân. Để giảm tải bệnh nhân và thực hiện xã hội hóa, BV K đã liên kết với doanh nghiệp bên ngoài lắp thêm một máy khác. Tuy nhiên, sau khi có máy của doanh nghiệp thì máy của nhà nước liên tục hỏng hóc và hoạt động cầm chừng khiến bệnh nhân phải điều trị bằng máy tư nhân. Theo quy định, bệnh nhân sử dụng máy nhà nước không mất tiền, nhưng sử dụng của tư nhân thì người có bảo hiểm y tế phải nộp khoảng 13 triệu đồng/đợt điều trị; không có thì phải chi khoảng 26 triệu đồng (!?). Sau khi báo đăng, Bộ Y tế đã vào cuộc chấn chỉnh tình trạng này ở BV K.

 

Thái Sơn – Liên Châu