23/01/2025

Xây dựng con người văn hoá là kém nhất

“Đáng tiếc là sau 15 năm nhìn lại, có thể thấy xây dựng con người là lĩnh vực không thành công nhất trong những lĩnh vực không thành công của Nghị quyết 5”. – GS-TS Nguyễn Minh Thuyết đánh giá

 

Xây dựng con người văn hoá là kém nhất

“Đáng tiếc là sau 15 năm nhìn lại, có thể thấy xây dựng con người là lĩnh vực không thành công nhất trong những lĩnh vực không thành công của Nghị quyết 5”.

Đó là đánh giá của GS-TS Nguyễn Minh Thuyết tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc diễn ra tại Hà Nội ngày 8.8.

 Cảnh chen lấn tại lễ hội phát ấn đền Trần
Cảnh chen lấn tại lễ hội phát ấn đền Trần – Ảnh: Đức Văn

Xã hội đang có vấn đề về đạo đức?

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết nhắc tới hiện tượng thanh niên phổ biến trên mạng cho nhau các chiêu trò để trốn nghĩa vụ quân sự. Ông băn khoăn liệu có phải nó thể hiện sự phai nhạt tình cảm yêu nước, ý thức trách nhiệm với giang sơn. Hoặc liệu nó chính là một phản ứng xã hội. Trong khi đó, xây dựng con người Việt Nam có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc lại là một mục tiêu của nghị quyết của Đảng. “Chúng ta nói đến tinh thần tự cường. Nhưng tinh thần tự cường dân tộc để đi đâu khi người Việt phần đông chỉ sính hàng nước ngoài?”, ông Thuyết nói.

GS-TS Thuyết cho rằng mục tiêu đoàn kết và phấn đấu vì lợi ích chung đang bị các nhóm lợi ích ngang nhiên thách thức. “Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Liệu bây giờ có bao nhiêu phần trăm người dân tin rằng phần lớn cán bộ, đảng viên ta luôn trung thành với tư tưởng lấy dân làm gốc ấy?”, ông Thuyết hỏi.

 

 
 

Xã hội chúng ta đang ở trong tình trạng đạo đức bị xuống cấp, thậm chí có thể nói là bị một thương tổn rất nặng nề

 

GS-TS Hoàng Chí Bảo

 

 

Cũng theo ông Thuyết, từ công dân bình thường đến trí thức cấp cao mỗi khi có việc với chính quyền đều phải xin xỏ, chạy vạy. “Quen mãi với vị thế gãi đầu, gãi tai, ăn xó mó niêu, con người khó trở thành những người đàng hoàng. Càng khó trở thành những người có văn hóa và có năng lực sáng tạo văn hóa”, ông nói.

Trao đổi riêng với Thanh Niên, GS-TS Hoàng Chí Bảo – Hội đồng lý luận T.Ư – nói: “Xã hội chúng ta đang ở trong tình trạng đạo đức bị xuống cấp, thậm chí có thể nói là bị một thương tổn rất nặng nề. Xuất hiện gia tăng đáng lo ngại về tội phạm, tệ nạn thậm chí những hành động rất xa lạ với nhân tính… Sự không gương mẫu của người lớn từ gia đình, trong giao tiếp xã hội, thậm chí cả lãnh đạo, dẫn đến nhiều biểu hiện đáng lo ngại về khủng hoảng niềm tin”.

Theo ông Bảo, tuy chưa có kết quả điều tra cụ thể, song đứng về phương diện nghiên cứu, quan sát thực tiễn người ta có thể đưa ra nhận định về xuống cấp đạo đức như vậy. “Cảm quan chung từ nhiều năm nay là xã hội đang có vấn đề về đạo đức. Phải đặt lên đầu giải pháp đạo đức, thực hành đạo đức trong toàn Đảng, toàn dân, trong các tổ chức công quyền, trong đoàn thể”, ông Bảo đưa ý kiến.

Trung Quốc sang học cách giữ bản sắc

Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 cũng có những bức tranh tươi sáng. TS Trần Hữu Sơn, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Lào Cai, chia sẻ câu chuyện của địa phương ông. “Trước kia đi đâu cũng thấy thổ cẩm Trung Quốc thì giờ nó bị đẩy lùi. Thổ cẩm Mông Dao đã phát triển thương hiệu mạnh”, ông nói.

Thậm chí, nhiều chính sách của Lào Cai còn được láng giềng Trung Quốc sang học, cũng như “thụ hưởng ké”. Chẳng hạn, chính sách Hưng biên phú dân (tập trung giải quyết vấn đề làm thế nào để dân hay nhóm dân tộc thiểu số sống dọc biên giới giàu lên, PV) – vốn được ca ngợi là quốc sách của Trung Quốc, thì theo TS Sơn, cũng đã ghi rõ là học tập chính sách văn hóa và giáo dục của ta ở Tà Phìn. Thêm nữa, cộng đồng Dao ở Lào Cai giữ sách tốt đến mức Hiệp hội người Dao học của Trung Quốc ba lần sang ta để học cách làm sao cho người dân nghĩ được, giữ được sách như vậy.

TS Sơn cũng đề cập đến những chính sách không thành do không hiểu văn hóa dân tộc. Chẳng hạn, tiêu chí nông thôn mới, mỗi xã phải có một chợ. Nhưng ở Lào Cai, người dân tộc có chợ rất khác miền đồng bằng. “Tiêu chí cứ phải mỗi xã một chợ. Cuối cùng là tỉnh tôi hăng hái vừa xây dựng 73 chợ thì 19 chợ bỏ hoang. Xót lắm chứ. Tiền của dân xót vô cùng”, TS Sơn nói.

 

“Đạo đức lối sống nhân cách văn hóa của người Việt Nam chúng ta nhiều nơi nhiều lúc vẫn chưa được quan tâm đúng mức, ngay từ nhà trường, gia đình, từ sự tự giác giữ gìn xây dựng của mỗi con người. Sự tha hóa, lối sống xa hoa, giả dối, vô cảm có xu hướng phát triển. Bệnh thành tích và hình thức trong các hoạt động văn hóa ngày càng lan rộng.

Những yếu kém nêu trên không chỉ hạn chế sự phát triển kinh tế xã hội mà còn làm xấu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Theo tôi, đây là một nguy cơ, thậm chí còn là nguy cơ của mọi nguy cơ, trong bối cảnh chúng ta phải xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng”.

Trích phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị

 

Trinh Nguyễn