Chiến hạm lớn nhất của Nhật gây xôn xao
Nhật Bản vừa trình làng tàu chiến mới nhất trị giá 1,2 tỉ USD trong một sự kiện hoành tráng tại Yokohama. Kyodo News dẫn lời giới chức Nhật cho hay đây là tàu khu trục chở trực thăng mang tên Izumo được thiết kế để phục vụ mục tiêu phòng vệ lẫn cứu trợ thiên tai, nhưng đặc biệt nhấn mạnh vào khả năng chống tàu ngầm và theo dõi lãnh hải.
Tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản kể từ thời Thế chiến 2 đang thu hút sự chú ý của nhiều nước trong khu vực.Nhật Bản vừa trình làng tàu chiến mới nhất trị giá 1,2 tỉ USD trong một sự kiện hoành tráng tại Yokohama. Kyodo News dẫn lời giới chức Nhật cho hay đây là tàu khu trục chở trực thăng mang tên Izumo được thiết kế để phục vụ mục tiêu phòng vệ lẫn cứu trợ thiên tai, nhưng đặc biệt nhấn mạnh vào khả năng chống tàu ngầm và theo dõi lãnh hải. Mặc dù Tokyo một mực phủ nhận đây là tàu sân bay, giới quan sát cho rằng chiếc tàu có năng lực tác chiến không thua kém, thậm chí vượt trội hơn nhiều tàu sân bay “thứ thiệt” trong khu vực. Lớn hơn cả tàu sân bay
Theo tờ Business Insider, tàu Izumo chở tối đa 14 trực thăng, có sàn phẳng dài gần 250 m, dễ dàng cho máy bay chạy đà và hơn hẳn một tàu sân bay chính thức hiện nay. Chẳng hạn như tàu HMS Invincible của Anh có đường chạy đà cho máy bay chiến đấu chỉ dài 209 m. Chiếc tàu có trọng lượng rẽ nước tối đa 27.000 tấn, nặng hơn khoảng 5.500 tấn so với lớp tàu lớn nhất của Nhật trước đó là Hyuga và được đánh giá là một sự nâng cấp mạnh mẽ về khả năng hoạt động. Hiện chính quyền Tokyo nhấn mạnh vào tác dụng phòng thủ của Izumo nên hầu như chưa có thông tin gì về hệ thống vũ khí trên tàu. Lực lượng Phòng vệ biển Nhật cũng khẳng định chưa nghĩ đến chuyện nâng cấp hoặc thay đổi chức năng từ tàu khu trục sang tàu sân bay. Tuy nhiên, AP dẫn lời giới quan sát nhận định điều này có thể dễ dàng được thực hiện nếu muốn. Izumo hiện không được lắp đặt hệ thống máy phóng chiến đấu cơ nhưng diện tích khổng lồ của sàn tàu hoàn toàn thích hợp cho các máy bay chiến đấu cần khoảng cất cánh ngắn. Đặc biệt là khi Nhật Bản lên kế hoạch mua chiến đấu cơ đa nhiệm F-35 của Mỹ. Được biết, ít nhất 2 trong 3 phiên bản F-35 có khả năng cất cánh trong khoảng cách ngắn và hạ cánh thẳng đứng, hoàn toàn phù hợp để sử dụng trên tàu Izumo. Theo Kyodo News, Bộ Quốc phòng Nhật ngày 29.6 đã thông báo hợp đồng mua 4 chiếc F-35 của Mỹ, dự kiến sẽ chuyển giao vào tháng 3.2017. Tổng cộng nước này đang tính mua đến 42 chiếc. Phản ứng trái chiều Tàu Izumo được giới thiệu giữa lúc chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đang có nhiều ý định cải cách theo hướng “cởi trói” hoạt động quân sự của nước này. Nhiều nước trong khu vực tỏ ra ủng hộ các động thái trên trong bối cảnh tình hình an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương đang có nhiều biến chuyển khó lường với sự gia tăng hoạt động của Trung Quốc cũng như căng thẳng dâng cao tại các vùng biển tranh chấp. Ở hướng ngược lại, các quốc gia từng bị quân phiệt Nhật chiếm đóng và hiện đang bất hòa với nước này đã lên tiếng bày tỏ lo ngại, đặc biệt nhắm trực tiếp vào Izumo dù đến năm 2015, tàu này mới chính thức được biên chế. Tân Hoa xã dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc bày tỏ quan ngại về tình trạng “leo thang liên tục về quân sự” của Nhật Bản. Trung Quốc đặc biệt lo ngại về khả năng chống tàu ngầm và theo dõi lãnh hải của tàu Nhật khi giữa 2 nước đang khá căng thẳng do tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Dù trước đó là nước đầu tiên trong khu vực Đông Bắc Á sau Thế chiến 2 công bố tàu sân bay, giới học giả và tướng lĩnh Trung Quốc vẫn cáo buộc việc Nhật công khai giới thiệu Izumo là hành động “cố tình khiêu khích”. Tờ PLA Daily của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc dẫn lời một số chuyên gia nước này gọi đây là “tàu bán sân bay” hay “tàu sân bay trá hình”. Chuyên gia Trương Quân Xã nhận xét rằng Izumo dễ dàng được tái cơ cấu theo hướng hỗ trợ chiến đấu cơ F-35. “Nó là tàu sân bay và Nhật Bản chỉ gọi là “tàu khu trục trực thăng” để làm giảm tính chất gây hấn”, Tân Văn xã dẫn lời ông này tuyên bố. Một số ý kiến khác cho rằng chiếc tàu trên có thể là nền tảng cho phép lực lượng Nhật Bản huấn luyện như đang tập huấn với tàu sân bay. Trong khi đó, hãng thông tấn KCNA của CHDCND Triều Tiên cáo buộc Nhật Bản đã vượt qua “ranh giới nguy hiểm”, và “cố tình đánh lạc hướng dư luận” chú ý vào chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng để tìm cách đẩy mạnh khả năng quân sự. Trước đó, tờ The Hankyoreh của Hàn Quốc cũng cảnh báo thắng lợi liên tiếp của đảng cầm quyền tại quốc hội Nhật Bản có thể làm tăng tốc nỗ lực thoát khỏi hiến pháp hòa bình của nước này.
|