03/01/2025

Kiểm toán không loại trừ đơn vị nào

Tại cuộc họp báo hôm qua, Kiểm toán Nhà nước đã công bố những tồn tại, vi phạm trong thu chi ngân sách của Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chỉnh phủ, bên cạnh những tồn tại, yếu kém của các bộ ngành, đơn vị kinh tế nhà nước.

 

Kiểm toán không loại trừ đơn vị nào

Tại cuộc họp báo hôm qua, Kiểm toán Nhà nước đã công bố những tồn tại, vi phạm trong thu chi ngân sách của Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chỉnh phủ, bên cạnh những tồn tại, yếu kém của các bộ ngành, đơn vị kinh tế nhà nước.

 Kiểm toán không loại trừ đơn vị nào
Petrolimex thuộc nhóm “không bảo toàn được vốn” – Ảnh: Ngọc Thắng

Theo báo cáo kiểm toán năm 2012 niên độ ngân sách năm 2011 công bố sáng 25.7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiến nghị tăng thu ngân sách với Văn phòng Quốc hội (VPQH) hơn 488 triệu đồng, với Văn phòng Chính phủ (VPCP) hơn 1 tỉ đồng; giảm chi thường xuyên với VPCP hơn 1 tỉ đồng (trong đó giảm quyết toán các khoản đề nghị không đúng thủ tục gần 450 triệu đồng), với VPQH 948 triệu đồng. Yêu cầu VPQH thu hồi khoản chi sai chế độ hơn 64 triệu đồng, giảm quyết toán các khoản đề nghị quyết toán không đúng thủ tục 833 triệu đồng.

 

 
 

Đã là một đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thì không loại trừ tổ chức, cơ quan nào có đối xử khác nhau. Bất kỳ đơn vị nào sử dụng chế độ chính sách không phù hợp chúng tôi đều kiến nghị như các bộ ngành, đơn vị khác theo luật Ngân sách nhà nước

 

Ông Lê Minh KháiPhó tổng KTNN

 

 

“Với các vấn đề về sử dụng tài sản nhà nước của VPQH, VPCP và một số cơ quan Đảng, chúng tôi quan niệm đã là một đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thì không loại trừ tổ chức, cơ quan nào có đối xử khác nhau. Bất kỳ đơn vị nào sử dụng chế độ chính sách không phù hợp chúng tôi đều kiến nghị như các bộ ngành, đơn vị khác theo luật Ngân sách nhà nước”, ông Lê Minh Khái, Phó tổng KTNN cho hay.

Bộ, ngành… nhập nhèm thu chi

Theo ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – KTNN, thu ngân sách đã có chuyển biến tích cực, nhưng một số sai phạm trong công tác quản lý các khoản thu từ đất chậm được khắc phục (KTNN đã kiến nghị tăng thu 209,8 tỉ đồng tiền sử dụng đất, thuê đất, thuế nhà đất của các địa phương). Nợ đọng thuế cũng lên tới hơn 35.000 tỉ đồng, tăng 35% so với năm 2010. Kết quả kiểm toán cả năm 2011, KTNN đã kiến nghị tăng thu ngân sách 1.991,5 tỉ đồng. Ngoài ra, 23/28 tỉnh thành được kiểm toán đều chi vượt dự toán chi thường xuyên đầu năm, trong đó 13/28 địa phương chi quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể vượt trên 30%.

Ông Dũng cũng cho hay, việc bố trí vốn đầu tư của các bộ, ngành, địa phương còn dàn trải, thiếu tập trung, ảnh hưởng đến khả năng cân đối nguồn vốn. Đặc biệt, một số địa phương nếu tính theo kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2011 (gồm vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ) cũng phải mất nhiều năm mới đầu tư hết các dự án này. Như Hưng Yên theo tính toán phải mất 23,68 năm để thực hiện cho kế hoạch của năm 2011, Lâm Đồng mất 18,96 năm…

KTNN cũng phát hiện nhiều bất cập trong quản lý đầu tư, trong đó có công tác lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu chiếm tỷ lệ cao. Cá biệt còn tình trạng chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu như Bộ Nội vụ, chủ đầu tư phê duyệt giá gói thầu dưới 5 tỉ đồng để chỉ định thầu không đúng quy định với gói thầu Trung tâm bảo hiểm tài liệu lưu trữ quốc gia. Thậm chí lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực như một số gói thầu thuộc Bộ GTVT, Bộ LĐ-TB-XH, dự án thủy điện Sơn La…

Nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài nhiều năm nhưng không có biện pháp khắc phục như dự án Nhà văn hóa Lao động Thừa Thiên-Huế chậm bố trí vốn nên kéo dài 10 năm, Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1 chậm tiến độ 42 tháng…

Nhóm “không bảo toàn được vốn”

Theo kết quả kiểm toán, 23/27 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) có lãi, nhưng một số TĐ tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dưới 5%, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với năm 2010. Đặc biệt, TĐ xăng dầu VN (Petrolimex) lỗ 1.671 tỉ đồng, Cienco 8 lỗ 137,9 tỉ đồng, TCT CP xây dựng công nghiệp VN (Vinacoin) lỗ 19,8 tỉ đồng, TCT xăng dầu quân đội (Mipeco) lỗ 17,1 tỉ đồng. Tổng nợ phải thu của 27 TĐ, TCT tính đến hết năm 2011 là 54.133 tỉ đồng, nợ phải thu trên tổng tài sản là 20,56% và trên vốn chủ sở hữu là 82,97%. Một số TĐ, TCT quản lý nợ chưa chặt dẫn đến khách hàng chiếm dụng vốn lớn, nợ xấu cao, nguy cơ mất vốn do ứng trước tiền mua hàng với số lượng lớn (như Vinafood 1, Vinafood 2 ứng đến 80 – 90% giá trị hợp đồng)…

Tổng đầu tư tài chính của các TĐ, TCT được kiểm toán đến hết năm 2011 là 25.750 tỉ đồng, trong đó đầu tư dài hạn chủ yếu tập trung vào công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư của một số đơn vị thấp, nhiều công ty liên doanh, liên kết kinh doanh thua lỗ, mất vốn, đặc biệt các khoản đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán đều thua lỗ. TCT xây lắp dầu khí (PVC) lỗ 85,8 tỉ đồng do đầu tư vào công ty liên kết PVC – SG, PVC Land lỗ 66,4 tỉ đồng; Vinaconex: 3 công ty con do Công ty Xuân Mai góp vốn thua lỗ 78,5 tỉ đồng. Cá biệt Công ty CP xi măng Hạ Long lỗ lũy kế hết 2011 là 1.090 tỉ đồng (vượt vốn điều lệ 982 tỉ đồng). Đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, vận tải biển không hiệu quả, Vinafood 2 cũng thua lỗ khi đầu tư chứng khoán, như mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (VCB) 52,57 tỉ đồng nhưng giá niêm yết chỉ còn 16,64 tỉ đồng.

Nguồn vốn chủ sở hữu của các TĐ, TCT là 65.241 tỉ đồng (chiếm 24,7% tổng nguồn vốn), nhưng nợ phải trả chiếm 69,94% tổng nguồn vốn, cho thấy các đơn vị hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng. Đáng chú ý trong số đó là TCT đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC) có nợ phải trả/tổng nguồn vốn lên tới 97,9%, Cienco 4 là 89,3%, Vinaconex (lãi tiền vay phải trả của các đơn vị được kiểm toán trong năm 2011 là 1.523 tỉ đồng, chiếm 47,5% vốn điều lệ), Vinafood 1 là 68%, PVC là 67%, Vinafood 2 là 65%… 

KTNN cũng xếp Petrolimex, Mipeco, Cienco 8 vào nhóm “không bảo toàn được vốn”.

 

Nhiều rủi ro trong hoạt động ngân hàng, bảo hiểm

Kiểm toán 6 tổ chức ngân hàng, bảo hiểm cũng phát hiện một số hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro, nguy cơ mất vốn lớn. Tỷ lệ nợ xấu liên tục tăng từ năm 2007, đặc biệt năm 2011 tăng đột biến (năm 2007 nợ xấu là 1,55% thì 2011 là 3,07%). KTNN cũng đánh giá việc điều hành thị trường liên ngân hàng còn hạn chế, không kiểm soát được lãi suất (LS) cao bất thường, như tháng 3.2011 giao dịch LS 23%/năm, tháng 10.2011 lên tới 30%/năm, tháng 11.2011 có giao dịch LS 37,5%/năm, trong khi LS huy động trên thị trường theo quy định của NHNN là 14%/năm. Ngoài ra, các NH cũng có nguy cơ mất vốn cao khi đầu tư chứng khoán, như tổng giá trị chứng khoán của Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN năm 2011 suy giảm giá trị 62%, Ngân hàng TMCP Quân đội góp 102 tỉ đồng vào chứng khoán MHB (công ty này lỗ lũy kế hết năm 2011 là 114 tỉ đồng).

 

Mai Hà