08/09/2024

Biểu tình chống chèn ép trên biển

Ngày 24.7, người Philippines “kỷ niệm” 1 năm ngày Trung Quốc lập cái gọi là “TP.Tam Sa” nhằm độc chiếm biển Đông bằng đợt biểu tình khắp thế giới.

 

Biểu tình chống chèn ép trên biển

Ngày 24.7, người Philippines “kỷ niệm” 1 năm ngày Trung Quốc lập cái gọi là “TP.Tam Sa” nhằm độc chiếm biển Đông bằng đợt biểu tình khắp thế giới.

Đúng 1 năm trước, Trung Quốc đơn phương thành lập “TP.Tam Sa”, một thực thể hành chính phi pháp, và tự cho mình quyền quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Vào trưa 24.7, khoảng 2.000 người thuộc 30 nhóm do Tổ chức Liên minh biển Tây Philippines (tên Philippines gọi biển Đông – NV) dẫn đầu đã tập hợp trước Văn phòng lãnh sự thuộc Đại sứ quán Trung Quốc ở thành phố Makati, thuộc vùng đô thị Manila, để đánh dấu “Ngày phản đối toàn cầu thứ hai” chống các hành động phi pháp trên biển. Cảnh sát đã phong tỏa cổng vào tòa nhà này, vốn tạm đóng cửa “vì lý do an ninh”, theo AFP.

 Người Philippines trong cuộc biểu tình tại Makati ngày 24.7 - d
Người Philippines trong cuộc biểu tình tại Makati ngày 24.7 – Ảnh: Reuters

Mang theo biểu ngữ có in những dòng chữ như “Trung Quốc hãy tôn trọng chủ quyền Philippines”, người biểu tình kéo đến trước tòa nhà vào khoảng 11 giờ 30 phút để chuẩn bị cho “ngày phản đối” kéo dài từ 12 đến 14 giờ (giờ địa phương).

Tờ The Philippine Star dẫn lời phát ngôn viên của liên minh nói trên là ông Emman Hizon cho biết các cuộc biểu tình tương tự cũng được tổ chức trong ngày 24.7 bên ngoài cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm Mỹ, Canada và các nước châu Âu. Tuy nhiên, do vị trí địa lý và múi giờ khác nhau nên các sự kiện này không thể diễn ra cùng lúc. Ngày 11.5.2012, những người biểu tình do Liên minh biển Tây Philippines dẫn đầu, đã thực hiện ngày phản đối toàn cầu đầu tiên để kêu gọi Trung Quốc chấm dứt “xâm chiếm” bãi cạn Scarborough và sự kiện năm nay còn thu hút nhiều người hơn.

Theo AP, tham gia cuộc biểu tình tại Makati hôm qua có các cựu sĩ quan quân đội và chính khách, cùng một nhóm nhỏ người nước ngoài nhằm phản đối Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và “bắt nạt Philippines”. Người biểu tình cũng ký tuyên ngôn kêu gọi Trung Quốc rút tàu khỏi các khu vực Philippines tuyên bố chủ quyền ở biển Đông và tham gia phiên tòa quốc tế về tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này tại The Hague (Hà Lan).

Trung Quốc gần đây tiếp tục có những động thái như cấp giấy căn cước và thẻ cư trú cho “cư dân Tam Sa”, điều chuyên gia đến “nghiên cứu việc phát triển kinh tế xã hội” tại đây, đồng thời tuyên bố hoàn thành giai đoạn 1 của dự án cảng tại Phú Lâm, đảo lớn nhất thuộc Hoàng Sa nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và biến thành “thủ phủ Tam Sa”.

Trùng Quang