10/01/2025

Bắc Kinh leo thang xâm phạm Hoàng Sa

Trung Quốc lại ngang ngược điều tàu tuần tra phi pháp vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

 

Bắc Kinh leo thang xâm phạm Hoàng Sa

Trung Quốc lại ngang ngược điều tàu tuần tra phi pháp vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 

Ngày 23.7, cổng thông tin China.org.cn đưa tin tàu Hải tuần 21 của Trung Quốc vừa rời đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam để thực hiện chuyến tuần tra phi pháp kéo dài 5 ngày. Theo kế hoạch, tàu Hải tuần 21 sẽ thực hiện các “nhiệm vụ” giám sát an toàn biển, điều tra sự cố trên biển, phát hiện ô nhiễm, tham gia công tác cứu hộ và tìm kiếm. Đây là một trong những tàu tuần tra lớn của Trung Quốc, có chiều dài 93,2 m, trọng tải 1.500 tấn, trang bị bãi đáp trực thăng và đạt tốc độ tối đa khoảng 40 km/giờ. Tầm hoạt động của tàu Hải tuần 21 có thể đạt đến 7.408 km mà không cần tiếp nhiên liệu. Cùng ngày 23.7, Tân Hoa xã đưa tin tàu Ngư Chính 306 cũng vừa nhổ neo rời đảo Phú Lâm để tuần tra trên biển Đông. Tuy nhiên, bản tin không nói rõ thời gian và địa điểm chi tiết mà Ngư Chính 306 sẽ hoạt động trong đợt này.

 

Bắc Kinh leo thang xâm phạm Hoàng Sa
Tàu Hải tuần 21 sau khi rời đảo Phú Lâm – Ảnh: China.org.cn

 

Đây là những hành động gây quan ngại mới nhất của Trung Quốc liên quan đến chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa. Vào ngày 22.7, Tân Hoa xã đưa tin chính quyền Tam Sa đã điều động 13 chuyên gia tiến hành các nghiên cứu “nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội” của cái gọi là “TP.Tam Sa” mà Bắc Kinh thành lập phi pháp hồi năm ngoái. Trước đó, vào ngày 17.7, Trung Quốc ngang ngược tổ chức lễ cấp giấy chứng minh nhân dân và thẻ cư trú đợt đầu cho “cư dân Tam Sa”. Ngoài ra, Trung Quốc cũng vừa thông báo hoàn thành giai đoạn 1 của dự án cảng tại Phú Lâm, được coi là “thủ phủ” của Tam Sa.

Trong một diễn biến khác, China.org.cn ngày 23.7 đưa tin Bắc Kinh sẽ đóng cửa văn phòng thị thực của Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila vào hôm nay, 24.7. Động thái này diễn ra giữa lúc các tổ chức phi chính phủ của Philippines trước đó tuyên bố sẽ tiến hành “một cuộc biểu tình toàn cầu chống Trung Quốc” vào hôm nay để phản đối hành vi của Bắc Kinh trên biển Đông. Về kế hoạch biểu tình này, Bộ Ngoại giao Philippines ngày 18.7 khẳng định chính phủ không liên quan, đồng thời nhấn mạnh người dân Philippines “có quyền bày tỏ ý kiến một cách tự do và hòa bình”.

 

Hôm qua, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin cơ quan quản lý đại dương vừa được hợp nhất đã chính thức hoạt động từ ngày 22.7. Hồi tháng 3, Thứ trưởng Công an Trung Quốc Mãnh Hồng Quân hồi tháng 3 chính thức kiêm nhiệm vị trí Cục trưởng Cục Cảnh sát biển và Cục phó Cục Hải dương quốc gia. Dựa vào đó, 2 cục này sẽ phối hợp và thống nhất chỉ đạo các lực lượng công vụ trên biển của Trung Quốc gồm hải giám, ngư chính, cảnh sát biển… Trước đó, các lực lượng này trực thuộc những bộ ngành khác nhau như: Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp, Bộ Giao thông… Sự hợp nhất này của Bắc Kinh được giới chuyên gia đánh giá nhằm tăng cường phối hợp đẩy mạnh các hoạt động kiểm soát ở khu vực tranh chấp trên biển Đông.

 

Trùng Quang