07/01/2025

Interpol đồng loạt tấn công hàng giả

Interpol bắt hàng ngàn người, tịch thu hàng triệu sản phẩm giả trong chiến dịch truy quét giới kinh doanh hàng nhái, phi pháp ở khắp 4 châu lục.

 

Interpol đồng loạt tấn công hàng giả

Interpol bắt hàng ngàn người, tịch thu hàng triệu sản phẩm giả trong chiến dịch truy quét giới kinh doanh hàng nhái, phi pháp ở khắp 4 châu lục.

Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ngày 18.7 thông báo nhiều mạng lưới tội phạm có tổ chức bị đột kích và hơn 6.000 nghi phạm bị bắt sau hàng loạt chiến dịch được tiến hành ở các châu Á, Âu, Mỹ và Phi. Ngoài ra, còn có khoảng 24 triệu sản phẩm nhái trị giá 133 triệu USD bị tịch thu, theo thông cáo được đăng trên trang mạng của Interpol. Những chiến dịch này được tiến hành trong tháng 5 và 6.2013, do Interpol dẫn đầu, phối hợp với giới chức của các nước tham gia.

 

Interpol đồng loạt tấn công hàng giả
Cảnh sát quốc tế trong chiến dịch truy quét hàng giả ở Namibia – Ảnh: Timesunion.com

 

Dầu ăn, dầu gội đầu, hàng điện tử…

Chiến dịch được thực hiện ở mỗi châu lục đều có tên gọi khác nhau. Trong đó, chiến dịch ở châu Á có tên Hurricane được tiến hành ở Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam…

Interpol nhấn mạnh đây là chiến dịch đầu tiên do tổ chức này dẫn đầu nhằm vào kinh doanh trái phép ở châu Á và đạt kết quả tốt. Theo đó, ở miền nam Trung Quốc, lực lượng chức năng đã đóng cửa một hệ thống sản xuất đứng đằng sau việc phân phối dầu gội đầu và kem đánh răng giả. Dây chuyền gồm có 21 cơ sở sản xuất, nhiều thiết bị và trang mạng do 8 băng nhóm tội phạm có tổ chức điều hành. Ở miền bắc Trung Quốc, lực lượng công lực cũng đã xâm nhập vào một mạng lưới tội phạm có tổ chức liên quan đến sản xuất dầu ăn giả ở 5 tỉnh, bắt 42 nghi phạm, đóng cửa 56 cơ sở. Nhà chức trách còn triệt phá một mạng lưới tội phạm có tổ chức khác ở miền bắc Trung Quốc sản xuất dao cạo râu giả, tịch thu 7 triệu món hàng giả, với trị giá khoảng 41 triệu USD. Ở Thái Lan, hơn 400 người bị bắt trong 430 đợt điều tra nhằm vào người bán hàng dạo và các cửa hàng bán quần áo, DVD…

Còn ở Việt Nam, thông cáo được đăng trên trang mạng của Interpol cho biết Công an Hà Nội đã bắt một nghi phạm liên quan đến mặt hàng điện tử trái phép trị giá 6 triệu USD.

Trong khi đó, chiến dịch ở châu Âu có tên gọi Black Poseidon II, được tiến hành tại Belarus, Ba Lan, Moldova , Romania, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine. Chiến dịch bắt giữ hơn 3.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và tịch thu hơn 12 triệu gói thuốc lá phi pháp. Ở Ba Lan, giới chức tịch thu hàng giả, hàng phi pháp trị giá 26 triệu USD, bắt giữ hoặc điều tra gần 200 người. Giới chức Ukraine cũng đã phát hiện một nhà máy sản xuất thuốc lá trái phép, tịch thu 250.000 gói thuốc lá giả, còn cảnh sát Romania tịch thu gần 22 triệu điếu thuốc lá và 136 xe được dùng để buôn lậu.

Ở châu Mỹ La tinh, chiến dịch truy quét của Interpol có tên gọi Pacific. Theo đó, cảnh sát Colombia đóng cửa hai cơ sở sản xuất rượu, thức uống không cồn nhái những nhãn hiệu nổi tiếng. Giới chức Chile thì tịch thu 94.000 chai bia dỏm. Chiến dịch Pacific cũng giúp giới chức ở khu vực biên giới 3 nước Argentina, Brazil và Paraguay giữ lượng lớn thuốc lá , điện thoại di động phi pháp và nước hoa giả. Còn ở thủ đô Lima, giới chức Peru phát hiện một cơ sở dưới lòng đất dán nhãn giả cho các động cơ phi pháp nhập từ Trung Quốc. Chiến dịch cuối cùng được nhắc đến được tiến hành ở châu Phi với tên gọi Etosha (tên của một công viên quốc gia ở phía tây bắc Namibia). Kết quả là giới chức Namibia bắt 90 nghi phạm, tịch thu 200.000 mặt hàng giả hoặc phi pháp, trong đó có quần áo, nước hoa, rượu, thuốc lá, đồ chơi, trị giá 4 triệu USD.

“Nguy hiểm cho sức khỏe”

Ông Michael Ellis, người đứng đầu đơn vị chống kinh doanh hàng giả, phi pháp của Interpol cảnh báo trong thông cáo rằng tình trạng buôn lậu hàng phi pháp, hàng giả không chỉ đem lại lợi nhuận cho các băng nhóm tội phạm có tổ chức, mà nó còn gây nguy hiểm về sức khỏe và an toàn cho cộng đồng.

Ông Ellis nói rõ: “Rượu, dầu nấu ăn giả và những động cơ nhái nhãn hiệu tất cả đều bị tịch thu trong những chiến dịch nói trên và không có mặt hàng nào đạt chất lượng. Những sản phẩm giả và phi pháp này mang lại nguy cơ đáng kể cho những người không nghĩ rằng mặt hàng họ mua là phi pháp hoặc không có kiểm soát an toàn”.

AP dẫn lời ông Ellis cho biết thêm Interpol sẽ dùng thông tin có được trong đợt truy quét vừa qua để điều tra mối liên quan giữa các băng nhóm tội phạm có tổ chức.

Văn Khoa