Muốn được chồng phải đi chặt củi
Mỗi bó củi hứa hôn phải thẳng tuột, không được cong, không có mắt ở giữa. Và, không phải hàng trăm bó củi hứa hôn đều phải chẻ ra, mà phải để vài mươi bó lại còn nguyên thân cây, dài gần một mét. Bó củi càng đẹp, càng phẳng phiu ở hai đầu thì càng tỏ cái khéo léo đảm đang và thành ý của cô gái muốn cưới… chồng.
Trước khi vào làng Đăk Glei, Phó bí thư Đảng uỷ xã Đăk Nhoong (H.Đăk Glei, Kon Tum), ông A Nhảy bảo: “Mày cứ thấy nhà nào củi chặt bằng phẳng, chất cao thành núi, là nhà đó có con gái mang củi hứa hôn từ rừng về. Cứ vào mà hỏi”.
Đường vào làng chiều nhá nhem, chúng tôi gặp rất nhiều người Giẻ đang lục tục từ rẫy về nhà. Hỏi củi hứa hôn, mấy phụ nữ ở đây nắc nẻ cười: “Ô, có đấy, mới hôm qua đây con Y Ngời cưới thằng A Cốc. Củi chất đầy”. Thấy chúng tôi ngờ ngợ, Bloong Dan, cán bộ văn hóa H.Đăk Glei, tủm tỉm: “Đồng bào còn theo tục mẫu hệ ấy mà”…
Thấy củi là biết nhà có con gái
Cái gò cao rộng thoáng giữa làng Đăk Glei đúng là vẫn còn khung của rạp đám cưới chưa dỡ hết. Bên cạnh đó, một đống củi chất cao ngất, với tay lên hết cỡ cũng không đến đỉnh. Một trai làng tên A Điểm bảo: “Củi của con Y Ngời đấy, 400 bó chứ đâu có ít”. Quan sát từng bó củi thì thấy mỗi bó là một thân cây dẻ chẻ ra làm ba, làm bốn. Hai đầu bó củi phẳng phiu rất đẹp. Chỉ một góc để hàng chục bó củi khô, màu đo đỏ thơm mùi nhựa, A Điểm bảo đó là củi xà nu đỏ, “lễ vật” không thể thiếu trong hàng trăm bó củi “cõng theo chồng” của các cô gái xứ này. “Gỗ xà nu đỏ cháy như đổ dầu vào mới quý, còn xà nu trắng thì không quý bằng đâu”, A Điểm giải thích. Thế rồi, A Điểm dắt chúng tôi đi dạo quanh làng để nhìn thấy củi hứa hôn rải rác chất quanh hiên, trước sân nhiều nhà đồng bào Giẻ. Chỗ nào củi vơi còn vài chục bó, A Điểm bảo thế là đã cưới được vài năm, chỗ nào còn hàng trăm bó là mới cưới một năm trở lại.
|
Đêm bên bếp lửa bập bùng, vừa hút rượu ghè, vừa nghe trai làng Đăk Glei kể chuyện được… vợ cưới. A Biên, lớn lên không đẹp trai nhưng có duyên, lại siêng năng nên được Y Thuế “bắt” về làm chồng. Ba bốn tháng trước khi cưới nhau, Y Thuế cõng cho nhà A Biên 300 bó củi hứa hôn, trong đó có 30 bó củi xà nu đỏ. “Cả họ hàng nhà Y Thuế phải mất cả tuần mới kiếm đủ củi đấy. Củi giờ phải vào rừng, nhưng không chặt cây bừa bãi, mà lựa cây khô, nếu không bị tội phá rừng. Xà nu lại khó tìm hơn nữa, phải mất tiền mới có”, A Biên kể chuyện. Bên chồng, Y Thuế bẽn lẽn cười nụ, má hồng lên bên bếp lửa…
Hôm ấy, chúng tôi vỡ lẽ, thì ra mỗi bó củi hứa hôn phải thẳng tuột, không được cong, không có mắt ở giữa. Và, không phải hàng trăm bó củi hứa hôn đều phải chẻ ra, mà phải để vài mươi bó lại còn nguyên thân cây, dài gần một mét. Bó củi càng đẹp, càng phẳng phiu ở hai đầu thì càng tỏ cái khéo léo đảm đang và thành ý của cô gái muốn cưới… chồng. Đi vào các bản làng, hay dọc đường đông Trường Sơn, thấy nhà nào củi nhiều là nhà có đông con gái, nhà nào có nhiều gùi là nhà có đông con trai.
“Con ơi đừng cưới vợ làng…”
Hạnh, giáo viên THCS xã Đăk Blo (H.Đăk Glei), bảo dạy học gần 10 năm tại đây, chứng kiến rất nhiều chuyện làm “củi hứa hôn”. Anh kể, vừa rồi con ông bí thư đảng ủy xã nơi anh dạy cưới chồng, phải nhờ cả họ và phải “đổi công” với nhà khác để chặt củi từ rừng về. Sau đó, ông bí thư thuê xe tải rầm rộ chở sang nhà trai hàng trăm bó củi để làm “lễ vật”. “Hễ cưới trai làng làm vợ thì dù là cán bộ hay giáo viên đều phải có củi hứa hôn. Không phải ở các làng xa xôi, mà xung quanh thị trấn Đăk Glei, tục này vẫn còn duy trì. Ai tiến bộ không làm hàng trăm bó thì mấy mươi bó để làm phép”, Hạnh cho biết. Có cái khác là, nếu ngày trước chỉ cô gái hay gia đình cô gái tự đi kiếm củi, thì nay đi “đổi công” với các gia đình trong làng: nay nhà này giúp nhà kia, ngày sau nhà kia giúp lại. Hơn nữa, ngày xưa chặt củi, đẵn củi bằng rựa rìu, bó củi bằng phẳng mất nhiều công, thì bây giờ đồng bào dùng… cưa máy đi làm củi hứa hôn, đỡ tốn rất nhiều công sức.
Bà Y Máy, ở thị trấn Đăk Glei, bảo sau tết vừa rồi có con gái đi lấy chồng, tốn rất nhiều tiền. “Mấy chục người trong họ, trong làng kiếm 100 bó củi đẹp, mất 4 ngày. Gia đình phải lo cơm ăn, rượu uống ngày ba bữa. Còn củi xà nu mất 30 bó, phải mua 300.000 đồng/bó. Sau đó thuê người bổ củi, thuê xe hoặc thuê người chở, cõng củi sang nhà trai. Mất 15 – 16 triệu đồng chứ đâu phải ít. Tốn tiền hơn cả lúc làm lễ cưới”, bà Y Máy chép miệng.
Theo bà Y Máy, không phải chỉ phía nhà gái tốn tiền, mà nhà trai cũng tốn. Ấy là khi nhà gái cõng hay chở củi sang, nhà trai phải mổ heo để thết đãi. Thế là hai bên đều tốn tiền. Có nhà trai bây giờ “thông cảm” cho nhà gái làm ăn còn khó khăn, nên theo dõi bao nhiêu người đi đốn củi hứa hôn cho nhà gái, sau đó chi tiền “hỗ trợ” giúp đỡ. “Tốt nhất là đừng cưới chồng, cưới vợ trong làng, tốn củi hung. Tui biểu đứa con trai chưa vợ của tui, nếu lấy vợ người Kinh thì tốt hơn!”, bà Y Máy “kết luận”.
Ông A Nhảy, Phó bí thư Đảng ủy xã Đăk Nhoong, bảo xung quanh “củi hứa hôn” có rất nhiều chuyện cười ra nước mắt. Đó là mấy cô gái lấy chồng người Kinh, cứ theo tục lệ làm củi hứa hôn, nhưng có người ở tận Thanh Hóa, Nam Định… nên không biết “cõng củi theo chồng” bằng cách nào. Có người theo tục lệ làm, nhà trai người Kinh không chịu, đành mang về đốt. “Con gái mình vừa cưới chồng người Kinh, không phải làm củi hứa hôn”, A Nhảy nói. Không biết là vui hay buồn.
|
Phạm Anh