07/01/2025

Châu Âu đối phó nguy cơ chiến tranh mạng

Những tiết lộ vừa qua của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden cho thấy nhiều nước phương Tây đang thực hiện chiến lược kiểm soát toàn diện mạng internet và điện thoại. Ngoài phòng chống khủng bố, cực hữu, điều tra pháp lý, các chương trình trên còn giúp những nước này có sự chuẩn bị toàn diện để đối phó với chiến tranh mạng.

 

Châu Âu đối phó nguy cơ chiến tranh mạng

 
 

Đến nay, các nước EU vẫn bị đánh giá là chưa có sự hợp tác hiệu quả để đảm bảo hiệu quả ứng phó khi xảy ra chiến tranh mạng

Những tiết lộ vừa qua của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden cho thấy nhiều nước phương Tây đang thực hiện chiến lược kiểm soát toàn diện mạng internet và điện thoại. Ngoài phòng chống khủng bố, cực hữu, điều tra pháp lý, các chương trình trên còn giúp những nước này có sự chuẩn bị toàn diện để đối phó với chiến tranh mạng. Trong một nghiên cứu mới đây, Viện Quan hệ quốc tế (Ifri) của Pháp mô tả về các cuộc “xung đột” trên mạng: “Những “chiến dịch quân sự ảo” này có thể gây ra hậu quả nặng nề cả về mặt dân sự lẫn quân sự”. Cùng quan điểm đó, chuyên gia an ninh mạng Jarno Limnell của hãng Stonesoft (Phần Lan) nhận định trên tờ Le Monde: “Các cuộc tấn công mạng sẽ là một phần của những cuộc chiến trong tương lai”. 

 

 Châu Âu đối phó nguy cơ chiến tranh mạng
Pháp đang tăng cường triển khai lực lượng hiến binh chuyên trách an ninh mạng – Ảnh: AFP

 

EU chậm chân

Những vi rút máy tính xuất hiện trong các cuộc tấn công mạng thời gian qua ngày càng có sức tàn phá cao hơn. Cụ thể, siêu vi rút Flame từng đe dọa hệ thống mạng ở hàng loạt nước Trung Đông hồi tháng 5.2012 có khả năng bí mật do thám thông tin của một máy tính trong lúc máy vẫn hoạt động bình thường. Flame có thể dễ dàng xác định và chép mọi dạng dữ liệu, chụp ảnh màn hình, kích hoạt micro của máy tính để ghi âm những cuộc đối thoại, thậm chí tự mở kết nối không dây để kết nối với các máy tính, điện thoại thông minh ở gần đó. Nhìn nhận mối họa tiềm ẩn của chiến tranh mạng, rất nhiều nước đã đầu tư vào đào tạo, tuyển dụng để thành lập các đơn vị quân đội chuyên về bảo mật. Chẳng hạn, theo tờ L’Express, Iran đã có những bước chuẩn bị cho chiến tranh mạng ngay từ năm 1994. Trong lúc đó, ngoài Anh, vốn có liên hệ mật thiết trong các chương trình an ninh mạng với Mỹ, các quốc gia khác thuộc EU bị đánh giá là chưa đầu tư đúng mức và chưa có sự phối hợp chặt chẽ về lãnh vực này.

 

 
 

Theo một báo cáo của Thượng viện Pháp, có 3 mục tiêu phổ biến trong chiến tranh mạng:

-  Cản trở thông tin: hoặc tấn công làm một hệ thống mạng không thể hoạt động được từng phần hoặc toàn phần.

– Tìm kiếm thông tin: tin tặc len lỏi vào hệ thống mạng để tìm kiếm thông tin, dữ liệu mật chứa trong đó.

– Gây chiến bằng thông tin: xâm nhập vào hệ thống máy tính để sửa đổi, phát tán thông tin theo nhu cầu về chính trị, ngoại giao.

 

 

Chuyên gia quân sự Michel Baud của Ifri nhận định: “EU vẫn còn quá nhiều rào cản về luật và thủ tục hành chính. Chẳng hạn, hầu hết các nước ở khu vực này chỉ cho phép “phòng thủ” chứ không cho phép tấn công mạng trước để có thể “tiên hạ thủ vi cường”. Ngoài ra, để xây dựng kế hoạch hợp tác “quốc phòng mạng” ở EU, hiện nay cần phải hỏi ý kiến của 28 nước”. Vì thế mỗi nước châu Âu vẫn cố gắng phát triển chiến lược riêng và Pháp đang muốn trở thành “nhà tiên phong”. 

Pháp tự thân vận động

Từ năm 2009, Pháp đã nhiều lần “giật mình” khi bị tin tặc các nước tấn công nhưng không lần nào “ngậm ngùi” bằng đợt hệ thống mạng của Điện Élysée bị xâm nhập vào tháng 5.2012. Cuối năm ngoái, truyền thông nước này tiết lộ thông tin chấn động: đứng đằng sau vụ tấn công nói trên nhiều khả năng là Mỹ.

Theo tờ L’Express, tuy không nhiều máy tính ở Élysée bị ảnh hưởng nhưng hầu hết đều là máy của những cộng sự thân tín nhất với ông Nicolas Sarkozy, Tổng thống Pháp khi ấy. Nhiều ghi chép mật, kế hoạch mang tính chiến lược có thể đã rơi vào tay tin tặc. Vi rút được sử dụng có cấu tạo cực kỳ phức tạp và có chức năng tương tự Flame. Nhiều chuyên gia về an ninh mạng khẳng định, trên thế giới, gần như chắc chắn chỉ có Mỹ mới đủ khả năng tạo ra vi rút này. Đến nay, Washington vẫn không đưa ra bình luận chính thức nào về cáo buộc của truyền thông Pháp.

Sau không ít lần bị tấn công, Bộ Quốc phòng Pháp đã có nhiều thay đổi để tổ chức lại hoạt động “quốc phòng mạng”. Trong 2 năm qua, nước này đã mở 2 đơn vị nghiên cứu chuyên về an ninh mạng tại Trường quân sự Saint-Cyr. Sách trắng quốc phòng Pháp vừa được công bố đã dành một phần quan trọng để đề cập vấn đề này: “Các vụ xâm nhập vào hệ thống tin học của những cơ quan quan trọng của chính phủ đang diễn ra hằng ngày. Do đó, Pháp sẽ nỗ lực tăng cường các biện pháp nhằm phát hiện, xác định nguồn gốc các vụ tấn công và nếu cần, sẽ phản công thích đáng”. Ngoài ra, Tổng cục An ninh đối ngoại (DGSE) trực thuộc Bộ Quốc phòng Pháp, cơ quan tình báo quan trọng hàng đầu của nước này, cũng có một chương trình theo dõi toàn diện mạng internet, điện thoại tương tự Mỹ.  

Nguyễn Ngọc Lan Chi