Các kho tên lửa toàn cầu
Báo cáo mới về tên lửa toàn cầu cho thấy Trung Quốc, Iran và CHDCND Triều Tiên đang phát triển tên lửa đủ sức vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Báo cáo mới về tên lửa toàn cầu cho thấy Trung Quốc, Iran và CHDCND Triều Tiên đang phát triển tên lửa đủ sức vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Hồi giữa tuần, Trung tâm tình báo không gian và vũ trụ quốc gia thuộc không quân Mỹ (NASIC) vừa công bố báo cáo mới cập nhật thông tin về tình hình tên lửa trên thế giới so với báo cáo trước đó vào năm 2009.
Báo động về Trung Quốc
Theo báo cáo mang tên Mối đe dọa tên lửa hành trình và đạn đạo, Trung Quốc, Iran và CHDCND Triều Tiên đều đang đẩy mạnh chương trình phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đủ sức đe dọa lãnh thổ Mỹ. Trong đó, quân đội Trung Quốc được đánh giá là hiện sở hữu “chương trình tên lửa đạn đạo đa dạng và phát triển sôi động nhất thế giới” theo hướng mở rộng cả về kích thước lẫn dạng tên lửa. Các chuyên gia Mỹ ước tính rằng trong 15 năm tới, Trung Quốc có thể sở hữu hơn 100 đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa liên lục địa đủ sức đe dọa Mỹ.
Giữa lúc Trung Quốc tỏ ra ngày càng hung hăng trong tranh chấp biển đảo với nhiều láng giềng, giới phân tích đặc biệt chú ý tới chi tiết trong báo cáo của NASIC về nhiều loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung mới, tất cả đều mang đầu đạn thông thường. Theo đó, Trung Quốc “vừa đưa vào hoạt động hoặc đang phát triển các tên lửa đạn đạo tầm trung cơ động” bên cạnh DF-21C và DF-21D đã có. Ngoài ra, 5 loại tên lửa tầm ngắn mới bổ sung là CSS-9, CSS-11, CSS-14, CSS-X-15 và CSS-X-16. CSS-9 và CSS-14 có nhiều phiên bản với tầm bắn khác nhau trong khi CSS-11 có tầm bắn hơn 800 km.
|
|
NASIC còn đề cập các loại tên lửa phóng từ tàu ngầm có khả năng tấn công Mỹ từ lãnh hải Trung Quốc. Bloomberg dẫn báo cáo chỉ đích danh tên lửa đạn đạo JL-2 và phiên bản JL-2A có tầm bắn được cho là vào khoảng 7.200 km và trang bị cho tàu ngầm lớp Tấn. “Với các vũ khí này, Trung Quốc có thể đặt Guam và Alaska vào tầm ngắm”, báo cáo viết. Lâu nay, giới chuyên gia cho rằng một trong những ý đồ của Trung Quốc với chiến lược độc chiếm biển Đông là nhằm tạo không gian cho tàu ngầm lớp Tấn xuất phát từ đảo Hải Nam tự do hoạt động. Cũng nằm trong chiến lược này, Bắc Kinh ráo riết mở rộng lực lượng tên lửa thông thường, đặc biệt những tên lửa đối hạm được thiết kế nhằm ngăn chặn các lực lượng bên ngoài tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực. Theo báo cáo, gây chú ý nhất trong nhóm này thời gian gần đây là tên lửa DF-21D, được truyền thông Trung Quốc “quảng cáo” là đủ sức bắn phá tàu sân bay.
Báo cáo còn điều chỉnh một số dữ liệu về chương trình tên lửa của Trung Quốc so với bảng phân tích năm 2009. Theo đó, tên lửa liên lục địa DF-31A được triển khai với tốc độ chậm, với hơn 15 bệ phóng kể từ năm 2007. Việc điều động DF-31 tầm ngắn hơn cũng bị đình trệ và tầm bắn cũng giảm từ hơn 7.200 km xuống còn hơn 7.000 km. Ngoài ra, NASIC không hề nhắc tới DF-41, bất chấp những đồn đoán về loại tên lửa này gần đây.
Tomahawk bị cạnh tranh
NASIC cũng đề cập đến một khía cạnh đáng báo động khác trong báo cáo năm nay. Theo đó, Mỹ không những đang mất dần thế mạnh về loại vũ khí uy lực lâu nay: tên lửa hành trình đối đất tầm xa, cụ thể là tên lửa hành trình đối đất (LACM) Tomahawk.
Trong 30 năm qua, đây là một trong những vũ khí hiệu quả nhất trong việc loại bỏ hệ thống phòng thủ của địch. Phiên bản mới nhất của Tomahawk sử dụng thiết bị định vị toàn cầu (GPS), máy quay và liên lạc vệ tinh cho phép người điều khiển đổi hướng tên lửa trong lúc bay. Điều này cho phép Tomahawk tìm diệt những mục tiêu vẫn chưa rõ vị trí chính xác vào lúc phóng. Tuy nhiên, sự thành công của loại vũ khí này đã thúc đẩy một cuộc chạy đua trang bị LACM rầm rộ.
Báo cáo nêu rõ: “Ít nhất có 9 nước ngoài Mỹ sẽ tham gia chế tạo LACM trong thập niên tới và một vài bên đã sẵn sàng xuất khẩu tên lửa do họ sản xuất”. Cho đến cách đây 15 năm, chỉ có Mỹ, Nga, Anh và một vài nước khác sở hữu loại vũ khí trên. Giờ đây, câu lạc bộ này đón nhận sự gia nhập của nhiều quốc gia/lãnh thổ trên thế giới, từ Pháp, UAE, Đức, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Pakistan, Nam Phi, Iran và cả Đài Loan. Nếu được triển khai suôn sẻ theo kế hoạch, họ có thể xâm nhập những hệ thống phòng không tối tân nhất và đó cũng là lúc đến lượt Mỹ phải cảnh giác, theo báo cáo.
“Các hệ thống phòng thủ của Mỹ có thể đối mặt với sức ép kinh người đến từ các tên lửa hành trình tàng hình tầm bay thấp có khả năng tấn công tức thời một mục tiêu từ các hướng khác nhau”, tờ The Washington Times trích báo cáo viết.
Những “đại gia” khác Nga Báo cáo Mối đe dọa tên lửa hành trình và đạn đạo dành một phần lớn phân tích tình hình kho tên lửa chiến lược của Nga, ước tính nước này hiện sở hữu khoảng 1.200 đầu đạn hạt nhân cho các dòng tên lửa liên lục địa (ICBM). Hầu hết các ICBM đều được duy trì trong trạng thái sẵn sàng. NASIC cũng xác nhận Nga đang phát triển và triển khai các tên lửa mới, chẳng hạn như tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos (sản phẩm hợp tác với Ấn Độ). CHDCND Triều Tiên Theo NASIC, Triều Tiên có tên lửa đạn đạo liên lục địa mới có tên Hwasong-13 nhưng chưa đưa ra thử nghiệm. Về lý thuyết, tên lửa này có tầm bắn hơn 5.600 km. “CHDCND Triều Tiên có chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và đã xuất khẩu tên lửa cũng như công nghệ tên lửa cho các quốc gia khác như Iran và Pakistan”, báo cáo viết. Iran Báo cáo cho rằng “Iran có các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo tham vọng và tiếp tục nỗ lực tăng tầm bắn, độ sát thương và độ chính xác”. Một chi tiết đáng báo động với Mỹ là Iran có thể sẽ tiến hành thử tên lửa đạn đạo liên lục địa vào năm 2015. Bên cạnh đó, tên lửa tầm trung Shahab-3 cũng đủ sức đánh vào Israel.
|
Thụy Miên