24/01/2025

Cần, nhưng không nên vội!

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả tại các tỉnh Nam bộ, đề tài nóng bỏng ở khu vực kinh tế nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đã được mổ xẻ chi tiết tại hội nghị cùng tên – do bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp ngày 11.7, với sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều cục, viện, giới chuyên môn các tỉnh Nam bộ…

 Chuyển đổi cây trồng ở đồng bằng sông Cửu Long

Cần, nhưng không nên vội!

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả tại các tỉnh Nam bộ, đề tài nóng bỏng ở khu vực kinh tế nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đã được mổ xẻ chi tiết tại hội nghị cùng tên – do bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp ngày 11.7, với sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều cục, viện, giới chuyên môn các tỉnh Nam bộ…

Đã có nhiều ý kiến hết sức bức xúc, đầy tâm quyết cho mục tiêu này, nhưng cũng đan xen với không ít những tính toán, e dè…

 

 
Dưa hấu là cây màu hấp dẫn của nông dân ven biển Duyên Hải (Trà Vinh) hồi đầu năm chỉ còn giá 1.500 đồng/kg.

 

Hướng về đậu nành, cây bắp!

PGS.TS Phạm Văn Dư, cục phó cục Trồng trọt, cho biết: “Việc chuyển đổi ở thời điểm hiện tại phải thực hiện một cách cương quyết để hướng tới đa dạng cây trồng, nâng cao thu nhập nông dân”. Theo ông Dư, kim ngạch nhập khẩu nông sản thời gian qua rất lớn. Chỉ riêng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu: bắp, đậu nành… thức ăn chăn nuôi đã chiếm khoảng 3 tỉ USD mỗi năm. Trong khi đó, kỷ lục xuất khẩu gạo năm 2012 chỉ thu về khoảng 3,7 tỉ USD. Ông Dư cho biết: “Mục tiêu từ 2020 trở đi sẽ hạn chế thấp nhất nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc”. So với kế hoạch phát triển và dự báo, hiện mỗi năm ngành chăn nuôi còn thiếu 1,5 triệu tấn bắp, trong khi ĐBSCL và Đông Nam bộ đang có nhiều lợi thế để phát triển loại cây trồng này.

Theo tính toán của cục Trồng trọt, nông dân trồng bắp ở huyện An Phú (An Giang) có mức lãi gấp ba lần trồng lúa. Tỷ suất lợi nhuận trên cây đậu nành thực tế tại tỉnh Đồng Tháp cũng là 1,07, trong khi đối với cây lúa chỉ là 0,53. Còn theo PGS.TS Mai Thành Phụng, trung tâm Khuyến nông quốc gia, tỷ suất lợi nhuận bình quân đối với đậu nành là 1,03; cây bắp: 0,26; trong khi đó cây lúa chỉ là 0,1. Vậy mà, thống kê gần đây cho thấy diện tích trồng bắp toàn ĐBSCL từ năm 2010 – 2012 chỉ tăng khoảng 2.000ha, cùng thời gian này, diện tích trồng đậu nành – tỷ suất lợi nhuận lớn hơn, lại giảm hơn 4.000ha.

Lý giải thực tế này, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp), ông Phạm Văn Bên – uỷ viên thường vụ hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết: “Ở các nước nông nghiệp tiên tiến, một nông dân với sự hỗ trợ của cơ giới hoá và chỉ cần hơn 20 lao động… đã có thể canh tác 400 – 500ha đậu nành với giá hết sức cạnh tranh so với đậu nành Việt Nam”.

Cũng cần phải nói rõ hơn, đậu nành nhập khẩu phục vụ chế biến thức ăn gia súc là phụ phẩm thu được sau rất nhiều quy trình chế biến đậu nành nguyên hạt trước đó. Chính vì vậy, khả năng cạnh tranh của đậu nành trong nước sẽ khó sánh kịp. Theo ông Bên, nông nghiệp ĐBSCL khi chuyển đổi, nên khai thác thế mạnh từ cây bắp sẽ khả thi hơn, tuy nhiên, việc xử lý sau thu hoạch đối với bắp dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc cũng là một thử thách không nhỏ đối với nông dân ĐBSCL trong mục tiêu chuyển đổi cây trồng.

Bài học từ nóng vội

Hiện nay, nguyên bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp, ông Huỳnh Minh Đoàn, phó ban chỉ đạo Tây Nam bộ vẫn nóng ran với câu chuyện chuyển đổi từ cây lúa thường sang trồng lúa thơm ở tỉnh Đồng Tháp hồi năm 2008. Theo ông Đoàn, hồi đó, thu hoạch lúa rồi mà bán không được, tỉnh phải xuất tiền ra mua hết lúa cho nông dân. Rồi phong trào trồng cỏ nhập bò sữa về nuôi còn là bài học đắt giá hơn. Lúc đó, phát động rần rần, nhưng chết tươi ngay sau đó bởi chương trình đổ vỡ ngay từ khâu nhập giống.

Do vậy, theo ông Đoàn, chuyển đổi phải được tính trong tổng thể và có cái nhìn tổng quan cả ở thị trường toàn cầu. Nếu không thì khi giá thế giới giảm, doanh nghiệp chọn đường nhập khẩu để có lợi hơn. Lúc đó, nếu không có chương trình hỗ trợ kèm theo nông dân sẽ chết. Ở vùng đất từng phát triển mạnh các loại cây phục vụ ngành chế biến thức ăn chăn nuôi, theo ông Trần Lâm Sinh chi cục phó chi cục Bảo vệ thực vật – thuộc sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, thực tế bắp và đậu nành là hai cây trồng cho kết quả rất tốt, nhưng sau một thời gian triển khai gieo trồng thành phong trào, thì lại suy tàn do hiệu quả kém. Cũng theo ông Sinh, cây bắp có thể cho năng suất cao (8 tấn/ha), nhưng giá bắp trong nước vẫn luôn cao hơn giá nhập khẩu, làm sao cạnh tranh nổi? Kế hoạch sản xuất, sản phẩm bắt buộc phải đi từ nhu cầu thị trường thì mới ổn!

Đứng trước vết xe đã đổ ngay tại vùng có nhiều lợi thế như vậy, bà Nguyễn Thị Kiều, phó giám đốc sở NN&PTNT nêu vấn đề: “Nếu đầu tư thuỷ lợi phù hợp với cây trồng mới, tổ chức cho nông dân sản xuất hàng loạt mà không có đầu ra, thì cách giải quyết ra sao? Vẫn chưa có phương án dự phòng”… Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ, nhưng thứ trưởng bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định: “Đây là thời điểm bức xúc, cấp bách và thời cơ chín muồi nhất để thực hiện việc chuyển đổi cây trồng ở khu vực Nam bộ, khi thị trường xuất khẩu gạo, nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc và lợi thế tự nhiên đang ủng hộ mục tiêu chuyển đổi lần này”.

Tuy nhiên, ông Tám cũng nhấn mạnh: “Đây là cuộc vận động chuyển dịch xuất phát từ các yếu tố về thị trường. Không nên quá lạc quan, nóng vội, chạy theo ảo tưởng để chuyển đổi sản xuất bằng mọi giá”. Khi quy hoạch lại sản xuất, ông Tám lưu ý: “Phải làm rõ các quy hoạch chi tiết, tăng cường thông tin, chuyển giao công nghệ kịp thời cho nông dân”. Trước mắt, theo ông Tám, cục Trồng trọt cần sớm hoàn thiện đề án, thống nhất với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp… để có thể triển khai ngay sau ba tháng được phê duyệt, thông qua.

BÀI VÀ ẢNH: NGỌC TÙNG