Tôn thờ Thiên Chúa có nghĩa là phục vụ anh em mình

Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu giúp chúng ta thay đổi tâm tính dựa theo luận lý của Đức Kitô, đó là luận lý của tình bác ái: Thiên Chúa là tình yêu, và tôn thờ Người có nghĩa là phục vụ anh em mình với một tình yêu chân thành và quảng đại.

 Tôn thờ Thiên Chúa có nghĩa là phục vụ anh em mình

Kinh Truyền Tin – Dinh Castel Gandolfo Chúa Nhật XV TN, 11/7/2010

Anh chị em thân mến,

Tôi rời Rôma – như anh chị em thấy – được vài ngày nay, để đi nghỉ hè tại Castel Gandolfo. Tôi cám ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi có thể nghỉ dưỡng. Tôi xin gửi lời chào thân ái đến những người dân rất thân thương tại thành phố nhỏ bé và đẹp đẽ này, nơi mà mỗi lần quay lại, tôi đều cảm thấy vui mừng. Bài Phúc Âm Chúa nhật hôm nay bắt đầu bằng một câu hỏi của một tiến sĩ Luật hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” (Lc 10,25). Khi biết người này là một chuyên gia về Sách Thánh, Chúa mời gọi ông ta tự trả lời, và ông đã công thức hoá thực tuyệt vời khi trích dẫn hai giới răn chính yếu: yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn và hết sức lực, và yêu tha nhân như chính mình. Lúc đó, vị tiến sĩ Luật đặt câu hỏi như để tự thanh minh: “Vậy, thế thì ai là anh em tôi?” (Lc 10,29). Lần này Đức Giêsu trả lời bằng dụ ngôn nổi tiếng về “người Samaritanô nhân hậu” (x. Lc 10,30-37), để dạy chúng ta phải xem người đang cần được giúp đỡ là “người anh em” của mình. Thực thế, người Samaritanô nhận trách nhiệm đứng ra giúp đỡ một người vô danh bị bọn cướp để nửa sống nửa chết bên lề đường; trong khi đó một tư tế và một trợ tế đi qua mà không hề giúp đỡ, vì có lẽ nghĩ rằng khi đụng đến máu, họ sẽ bị ô uế. Như thế, dụ ngôn này phải giúp chúng ta thay đổi tâm tính dựa theo luận lý của Đức Kitô, đó là luận lý của tình bác ái: Thiên Chúa là tình yêu, và tôn thờ Người có nghĩa là phục vụ anh em mình với một tình yêu chân thành và quảng đại.

Trình thuật Phúc Âm đưa ra cho chúng ta “tiêu chuẩn để đo lường”, nghĩa là “tính phổ quát của tình yêu, một tình yêu quay về với người đang trong cơn quẫn bách, mà chúng ta ‘tình cờ’ gặp (x. Lc 10,31), dầu người đó là ai” (Thông điệp Deus caritas est – Thiên Chúa là tình yêu -, s. 25). Bên cạnh điều luật phổ quát này, cũng còn có một đòi buộc có tính Giáo Hội: “Trong lòng Giáo Hội với tư cách là gia đình, không một chi thể nào phải chịu đau khổ vì lâm cơn túng quẫn” (sđd.). Chương trình của Kitô hữu, mà chúng ta học được từ giáo huấn của Đức Giêsu, là “một con tim thấy được” nơi đâu cần được yêu thương, và hành động một cách thích hợp (x. sđd., s. 31).

Các bạn thân mến, tôi cũng muốn nhắc lại hôm nay Giáo Hội mừng lễ Thánh Biển Đức Nursie, là vị Quan thầy vĩ đại của triều đại Giáo Hoàng của tôi, là cha và là nhà lập pháp của đời sống ẩn tu tại Tây phương. Như Thánh Grêgôriô Cả kể lại, thì Thánh Biển Đức “là một con người có đời sống thánh thiện… gọi theo danh xưng và nhờ ơn Chúa” (Đối thoại, II, 1: Thư viện Grêgôriô Cả IV, Rôma 2000, trg. 136). “Người đã viết một Bộ Luật cho các đan sĩ… là chiếc gương của một huấn quyền được thể hiện trong con người của Thánh nhân: vì chưng, vị Thánh này tuyệt đối không thể dạy được điều gì khác ngoài điều người đã sống” (sđd., II, XXXVI: op. cit., trg. 208). Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên phong Thánh Biển Đức làm Quan thầy châu Âu ngày 24/10/1964, khi tái khám phá ra công trình diệu kỳ của Thánh nhân trong việc thiết lập nền văn minh châu Âu.

Chúng ta hãy dâng lên Đức Trinh Nữ Maria con đường đức tin, và đặc biệt là thời gian nghỉ hè của chúng ta, để cho tâm hồn chúng ta không bao giờ đánh mất đi Lời Chúa và những người anh em đang lâm cảnh khó khăn của chúng ta.