22/01/2025

Vẫn ồ ạt xuất khẩu khoáng sản hàm lượng chế biến thấp

Trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cảnh báo nguy cơ thiếu nguyên liệu để sản xuất, Bộ Công thương vẫn kiến nghị cần tiếp tục cho xuất khẩu khoáng sản có hàm lượng chế biến rất thấp.

Vẫn ồ ạt xuất khẩu khoáng sản hàm lượng chế biến thấp

Trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cảnh báo nguy cơ thiếu nguyên liệu để sản xuất, Bộ Công thương vẫn kiến nghị cần tiếp tục cho xuất khẩu khoáng sản có hàm lượng chế biến rất thấp.

Hàng trăm ngàn tấn apatit đã được Bộ Công thương cho phép xuất khẩu. Trong ảnh: khai thác apatit ở nhà máy apatit Lào Cai – Ảnh: K.H. 

Chỉ trong năm tháng đầu năm 2013, các doanh nghiệp đã được cấp phép xuất khẩu hơn 3 triệu tấn khoáng sản, chủ yếu là tinh quặng mà theo nhiều chuyên gia từ trước đến nay, chúng vẫn được coi là khoáng sản thô. Đã có hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng việc ào ạt xuất khẩu khoáng sản dạng này không chỉ làm thất thoát tài nguyên quốc gia mà còn đẩy nhiều nhà máy sản xuất vào nguy cơ đóng cửa vì thiếu nguyên liệu.

Lãng phí tài nguyên quốc gia

 

Bà Phạm Chi Lan (nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng): Không nên bán tháo tài nguyên quốc gia

Tài nguyên là tài sản quốc gia. Nếu vì một vài doanh nghiệp khó khăn mà gỡ quy định cấm xuất khẩu tài nguyên thô thì chỉ một số doanh nghiệp được lợi, chưa chắc đã tác động tốt đến toàn cục. Có thể gỡ khó cho doanh nghiệp bằng nhiều cách, không nên bằng cách bán tháo tài nguyên.

 

Ngày 12-4, Hiệp hội Thép VN đã có công văn đề nghị không cho xuất quặng sắt, để dành cho các dự án sản xuất trong nước và cảnh báo nguy cơ một nhà máy sản xuất thép có thể phải dừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu!

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Chí Cường, chủ tịch Hiệp hội Thép VN, cho rằng những tinh quặng đợt này cho xuất khẩu chủ yếu là quặng thô, chỉ đào lên, rửa sạch rồi xuất.

Cũng theo ông Phạm Chí Cường, trữ lượng nhiều loại quặng, trong đó có quặng sắt, của VN không nhiều. Nếu không cẩn thận, cứ cho xuất khẩu thì nguy cơ nhà máy thép trong nước sẽ không có nguyên liệu trong thời gian tới. Vì vậy, cần xem lại chủ trương cho xuất khẩu khoáng sản thô.

Tương tự, Công ty CP thép Hòa Phát cũng có văn bản đề nghị không cho xuất khẩu quặng sắt, đồng thời cam kết sẵn sàng mua toàn bộ quặng sắt đã qua chế biến với giá bằng hoặc cao hơn giá xuất khẩu!

Tuy nhiên, trong văn bản mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cho rằng chủ trương cho xuất khẩu khoáng sản tồn kho như biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… cần tiếp tục!

Về đề nghị của Hòa Phát, Bộ Công thương cho rằng sẽ đồng ý việc ngừng xuất quặng sắt nếu Hòa Phát cam kết trước Thủ tướng là sẽ mua toàn bộ quặng sắt tồn kho trên cả nước, với kế hoạch, biện pháp, thời hạn cụ thể. Giải thích việc đưa ra các điều kiện này, Bộ Công thương cho rằng trong thực tế đã xảy ra tình trạng doanh nghiệp luyện kim biết chủ trương không cho xuất khẩu quặng nên đã ép giá, thanh toán dây dưa, không sòng phẳng…

Đằng sau con số tồn kho khủng

Trở lại câu chuyện xuất khẩu khoáng sản, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngày 21-12-2012, Bộ Công thương đã có văn bản gửi 23 tỉnh, thành hướng dẫn việc kiểm tra tồn kho để cấp phép cho xuất khẩu. Văn bản này được triển khai theo công văn (ngày 17-12-2012) của Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng cho phép xuất khẩu khoáng sản tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Điều đáng nói là chỉ năm tháng sau, ngày 6-5-2013, báo cáo của Bộ Công thương gửi Thủ tướng cho biết đã có khoảng 3,07 triệu tấn khoáng sản các loại, gồm tinh quặng sắt, quặng ilmenit (titan), apatit, mangan, đồng… đã được cho phép xuất khẩu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay sau khi được “bật đèn xanh” xuất khẩu khoáng sản thô, nhiều doanh nghiệp đã “kê” lượng hàng tồn kho vượt cả số lượng được khai thác trong giấy phép.

Chẳng hạn, trong một văn bản (725/BCT-CNNg), Bộ Công thương cho rằng con số 471.000 tấn tồn kho tại Nghệ An là quá lớn so với trữ lượng mỏ và công suất khai thác, đồng thời khẳng định chỉ cho phép các doanh nghiệp ở Nghệ An xuất khẩu theo đúng công suất khai thác đã ghi trong giấy phép. Tương tự, Bộ Công thương cũng đã nhắc nhở doanh nghiệp và UBND tỉnh Lạng Sơn, do để xảy ra tình trạng như doanh nghiệp nêu là quá trình khai thác phát hiện trữ lượng cao hơn giấy phép nên đã khai thác và tồn kho lớn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng việc cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu khoáng sản thô để giải phóng hàng tồn kho, giải quyết khó khăn… là điều có thể chấp nhận được trong tình hình kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, việc cho phép xuất khẩu khoáng sản thô tới mức nào cần có cân nhắc. “Doanh nghiệp đồng loạt được cho phép xuất khẩu, mà đích đến chủ yếu là Trung Quốc, theo tôi, rất dễ khiến doanh nghiệp VN bị ép giá, phải bán tài nguyên với giá rẻ, hiệu quả không cao” – ông Doanh nói.

Cũng theo ông Doanh, chính cơ chế phân cấp và việc quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lợi dụng. Trong thực tế, có tình trạng trữ lượng mỏ có thể lớn, nhưng lại được cố tình chia nhỏ ra để địa phương cấp phép và quản lý, sau đó nâng dần trữ lượng lên. “Về lâu dài, các mỏ dù lớn hay nhỏ cần phải được đấu giá khi tiến hành khai thác, vì đây không phải là tài sản riêng của chính quyền địa phương mà là tài sản quốc gia” – ông Doanh nói.

C.V.KÌNH – KIỀU HƯƠNG